Đã hơn 10 năm nay, người dân khu dân cư số 11, thôn Hàm Long, xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) không còn được đặt cái cuốc, lưỡi cày xuống mảnh ruộng của chính gia đình mình nữa. “Đất chuyên trồng lúa nước” theo như mục đích sử dụng ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà họ được cấp, nay chỉ còn hai từ: Ruộng nước! Để rồi, những người nông dân phải đi làm thuê kiếm tiền đong gạo và mong một ngày ruộng lại có thể cấy cày như ngày xưa…
“Bờ xôi ruộng mật” bỏ hoang!
Chiều muộn, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Lữ, thôn Hàm Long, xã Nghĩa Hà ra đồng. Mảnh ruộng bao năm gắn bó với cuộc sống gia đình ông, nay chỉ còn mênh mông nước. Nước nhiễm mặn từ cửa biển Hiền Lương dâng vào!
Cầu Hoành kết hợp tràn xả này thực tế đã là đường dẫn nước mặn gây ngập úng, nhiễm mặn gần 30.000m² ruộng của người dân Hàm Long. |
Ông Nguyễn Lữ kể: “Khoảng 10 năm trở về trước, xứ đồng này đất tốt, lúa đạt năng suất cao nhất vùng. Thế mà bây giờ, chẳng lúa nào có thể sống nổi. Với hơn 1.200m² ruộng lúa nước, trước đây gia đình tôi hầu như tự túc được lương thực. Thế mà, hiện nay vợ chồng tôi vẫn phải đi làm thuê, chạy gạo từng bữa”.
Không chỉ có gia đình ông Lữ, mà 38 hộ dân khác trong thôn cũng rơi vào tình cảnh tương tự: Có ruộng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi nhưng chẳng thể gieo sạ. Được biết, cách đây hơn 10 năm, xã Nghĩa Hà triển khai xây dựng cầu ông Hoành trên trục đường từ thôn Hàm Long đi xã Nghĩa Phú. Cây cầu ngắn chỉ độ 10m này xây xong đã tạo điều kiện thông thương nhưng con đập đất ngăn mặn giữ ngọt mà nông dân ở đây tự bỏ tiền, bỏ công đắp đã bị đơn vị thi công múc sạch, vét sạch đổ đi. Thay vào đó là cây cầu Hoành trên bê tông dưới kết hợp tràn xả được thiết kế với mục tiêu “ngăn mặn giữ ngọt” thay cho con đập đất trước kia. Thế nhưng, khi cây cầu hoàn thành cũng là lúc con đập đất biến mất và nước mặn bắt đầu xâm nhập, dâng cao, tấn công vào gần 30.000m² ruộng của các hộ dân thôn Hàm Long, xã Nghĩa Hà. Nước mặn dâng cao đã xóa sổ hoàn toàn “cây lúa nước” trên diện tích đất ruộng mà trước đó vốn là “bờ xôi ruộng mật”.
Sao không hiểu cho dân?
Kể từ khi ruộng ngập mặn, xã Nghĩa Hà đã hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi cây trồng từ lúa nước sang trồng cây cói làm nguyên liệu cho nghề đan chiếu. Giống cói được mua tận Nga Sơn (Thanh Hóa) về trồng. Cói phát triển tốt, nhưng đến khi cho thu hoạch thì nghề đan chiếu ở địa phương cũng dần mai một và xóa sổ. Thế là, cây cói trồng ra chẳng tiêu thụ được, các hộ dân vẫn luẩn quẩn trong vòng đói nghèo.
Anh Đặng Văn Cư, thôn Hàm Long có 1.000m² ruộng nằm trong vùng ngập úng, nhẩm tính: “Gia đình tôi mỗi năm phải lo khoảng 15 triệu đồng để mua gạo. Để có tiền, ai thuê gì, vợ chồng tôi làm nấy chủ yếu là kiếm tiền mua gạo. Ngày xưa còn ruộng thì đâu có bi đát thế này! Hơn 10 năm qua, người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với địa phương, nhưng cán bộ xã rồi huyện cứ hứa hẹn mãi, không thấy giải quyết. Giờ thì người dân chúng tôi chán không muốn ý kiến nữa".
Ông Đặng Hể, Thôn trưởng thôn Hàm Long chỉ nói gọn một câu: “Nông dân có ruộng mà bị ngập úng, nhiễm mặn không sản xuất được thì cũng như đi cày mà không có trâu, lên rừng đốn cây mà không có rựa”.
Bao giờ cho đến… ngày xưa
Thực tế ruộng đất không thể sản xuất, canh tác được từ hơn 10 năm nay, nhưng vào năm 2011, UBND huyện Tư Nghĩa (xã Nghĩa Hà trước năm 2014 thuộc về huyện Tư Nghĩa) lại xem xét, cấp giấy chứng nhận đầy đủ gần 30.000m² “ruộng nước” này cho 39 hộ dân thôn Hàm Long.
Ông Nguyễn Lữ lấy trong tủ đưa cho tôi tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gia đình ông được cấp ngày 23-12-2011 do Phó chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành ký. Trên giấy ghi rất rõ ràng: Chủ sử dụng ông Nguyễn Lữ, thửa đất số 107, tờ bản đồ số 10; địa chỉ thôn Hàm Long, xã Nghĩa Hà; diện tích 1.233m². Mục đích sử dụng đất: Đất chuyên trồng lúa nước. Thời hạn sử dụng đến 31-12-2029. Ngoài ông Lữ, 38 hộ dân còn lại cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích đất mà trước đây đã lâu ruộng không còn “chuyên trồng lúa nước” được nữa. Ông Lữ bảo: “Giữ tờ giấy này cho nó vui, chứ ruộng đâu còn nữa. Năm nay tôi 67 tuổi nhưng ơn trời còn sức khỏe thì có người mướn, mai này già rồi, không làm nổi thì lấy tiền đâu mua gạo mà ăn”.
Chúng tôi liên hệ với UBND huyện Tư Nghĩa để nắm thông tin kết quả giải quyết thắc mắc của 39 hộ dân thôn Hàm Long có ruộng bị ngập úng, nhiễm mặn nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi là “đất chuyên trồng lúa nước” này thì huyện bảo xã Nghĩa Hà đã chia cắt về TP Quảng Ngãi. Thẩm quyền giải quyết là của thành phố. Khi hỏi TP Quảng Ngãi thì thành phố bảo chưa nắm được, sắp tới sẽ cho kiểm tra, để xin phương án giải quyết. Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, ông Trần Thanh Trạng thì được trả lời: “Việc này xã đã nghe dân phản ảnh nhưng thẩm quyền giải quyết là của cấp trên!”.
Ruộng đã không còn là ruộng, người nông dân ở vùng quê này chỉ còn biết mơ ước “bao giờ cho đến ngày xưa” để họ lại được cấy cày trên chính mảnh ruộng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mong mỏi của người dân là chính đáng, rất mong chính quyền địa phương hãy lắng nghe và tìm cách giải quyết thấu đáo.