LCĐT - Khoảng 30 năm trước, ngô hạt là một trong những loại lương thực quan trọng trong việc cứu đói người dân vùng cao. Trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm mùa vụ, cây ngô dường như hoàn thành sứ mệnh về sản xuất lương thực để chuyển mình sang những giai đoạn mới.
Giai đoạn đầu những năm 1990, Lào Cai có gần 50 vạn dân nhưng có tới 60% trong số đó là thiếu lương thực. Vấn đề được ngành nông nghiệp ưu tiên hàng đầu là phải tăng sản lượng, không để người dân bị đói. Đối với đồng bào vùng cao, diện tích sản xuất lúa nước không đáng kể, cây ngô và lúa nương là nguồn lương thực chính. Thời điểm ấy, sứ mệnh lớn lao của cây ngô là đồng hành với bà con vùng cao diệt “giặc” đói.
![]() |
Đồng bào Dao đỏ thu nhập cao từ trồng ngô. |
Cứ về chiều, bà Ma Seo Mỷ, thôn Sảng Lùng Chéng, xã Cao Sơn (Mường Khương) lại cắp theo cái thúng, leo từng bậc thang gỗ cũ lên gác lấy xuống một thúng bắp ngô. Bóc đi lớp vỏ khô, bà ngồi ngoài hiên tẽ từng hạt ngô, thi thoảng lại bốc một vài nắm vãi xuống cho đàn gà, ngan quanh quẩn dưới sân. Bà Mỷ nói: Ngô bây giờ chủ yếu là ngô giống mới, trồng để lấy hạt nuôi lợn, gà. Ngày xưa ngô là lương thực chính, đâu có nhiều thóc, nhiều gạo như bây giờ.
Quãng ngày xưa mà bà Mỷ kể là khoảng 30 năm trước. Người Mông chủ yếu sinh sống trên những triền non cao, ruộng cấy lúa rất ít, lúa cũng năng suất thấp nên bà con chủ yếu trồng ngô. Chẳng ai biết người Mông trồng ngô từ bao giờ, nhưng ngô đã gắn vào ẩm thực của người Mông như một nét văn hóa truyền thống thông qua món mèn mén, đến nỗi cứ nhắc đến mèn mén là người ta nghĩ ngay đến người Mông. Nói về món mèn mén, bà Mỷ lấy ra một bắp ngô khác được treo trên cây sào trúc bên hiên, bóc lớp vỏ khô lộ ra những hạt ngô trắng đều tăm tắp rồi bảo: Đây là giống ngô trắng, trông giống ngô nếp nhưng không phải ngô nếp đâu. Loại ngô này làm mèn mén là ngon nhất, sau đó đến ngô vàng, loại hạt tròn hơn và bắp nhỏ hơn ngô lai bây giờ. Trước đây ít gạo, người Mông ăn cơm độn ngô, hết gạo thì chuyển sang ăn mèn mén. Cứ như thế mà bám núi, bám đồi, vượt qua những ngày đói khổ từ bao giờ cũng không nhớ nữa.
“Cuộc cách mạng” về giống đã mang đến một sự chuyển dịch lớn lao trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Các giống lúa lai năng suất cao được đưa vào canh tác, sản lượng lúa tăng gấp 3 lần so với trước đã khiến cây ngô mất dần vị trí trong mâm cơm của người vùng cao để chuyển sang một vai trò khác, đó là vai trò giảm nghèo. Tháng năm ròng rã, những giống ngô địa phương cây cao lêu nghêu, đổ liểng xiểng mỗi mùa gió lớn được thay thế dần bằng những cây ngô lai thân thấp, bộ rễ chắc chắn và năng suất cao. Đều đặn cứ đến mùa, người vùng cao cùng nhau tra hạt, vun xới rồi bẻ bắp. Cây ngô cứ thế bám lấy những triền đồi, triền núi rồi được thu về phơi vàng góc sân, chất đầy trên gác, treo lủng lẳng thành từng xâu dài ngoài hiên. Vẫn mảnh đất ấy, cách gieo trồng ấy, cách bảo quản ấy, chỉ khác rằng đích đến cuối cùng của hạt ngô đã không còn là chiếc chõ để đồ lên thành mèn mén nữa.
![]() |
Người dân xã Bản Lầu thu hoạch ngô xuân. |
Chị Nông Thị Sáo, thôn Na Lốc 3, xã Bản Lầu (Mường Khương) thi thoảng vẫn làm mèn mén cho gia đình dù nhà còn rất nhiều gạo. Chị Sáo là người Nùng tại xã Lùng Khấu Nhin, sinh ra trong một gia đình nông dân vào những năm đầu của thập niên 1990. Cũng như nhiều gia đình khác trong vùng, tuổi thơ chị Sáo gắn với những năm tháng thiếu lương thực. Chị vẫn nhớ những ngày còn nhỏ thường cùng mẹ xay ngô, sàng bỏ lớp vỏ hạt rồi nhào kỹ, cho lên chõ đồ 2 lượt thành mèn mén. “Ngày ấy, cứ đến mùa giáp hạt là nhà hết gạo, ăn mèn mén đến… phát sợ vì mèn mén khô nghẹn, chỉ thèm cơm trắng. Dần dần, thóc lúa trong gia đình cũng nhiều hơn, chẳng có mùa nào thiếu cơm ăn nữa nên gần như quên mất cách làm mèn mén. Giờ lấy chồng, làm dâu trong gia đình người Mông, sống giữa bản Mông nên thi thoảng lại được luyện tay nghề. Cứ những ngày giỗ chạp, lễ hội hoặc có đám cưới hỏi, người Mông nơi đây lại làm mèn mén, thậm chí còn tổ chức cả cuộc thi làm mèn mén những ngày đầu xuân. Mèn mén giờ ít phổ biến nên ít người biết làm. Người dân ăn mèn mén không phải vì nghèo, vì thiếu gạo nấu cơm nữa mà vì nhớ”, chị Sáo chia sẻ.
Làm nông nên gia đình chị Sáo vẫn trồng ngô lấy hạt đem bán mỗi năm đều đặn 2 mùa. Nhưng nếu cứ trồng ngô mãi thì khó giàu bởi thu nhập từ trồng ngô hàng hóa không đáng kể, thế nên, cũng như nhiều hộ trong vùng, gia đình chị Sáo chuyển đổi dần sang các cây trồng khác. Những mảnh nương trước đây trồng ngô giờ được phủ xanh bằng cây chuối, cây dứa, cây chè. Một phần nhỏ được dành lại cho cây ngô trồng lấy hạt làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Suốt 3 thập niên, cây ngô đã hoàn thành sứ mệnh, từ một loại cây lương thực, giúp người dân xóa đói cho tới trở thành loại hàng hóa cùng bà con thoát nghèo. Trong cuộc cạnh tranh với rất nhiều loại cây trồng như cây lâm nghiệp, dược liệu, cây ăn quả hoặc các loại cây rau, màu khác, quỹ đất cho trồng ngô dần bị thu hẹp. Sứ mệnh trồng ngô làm lương thực đã khép lại với 99% diện tích trồng ngô sử dụng các giống ngô lai năng suất cao làm hàng hóa hoặc thức ăn chăn nuôi. Còn khoảng 1% diện tích (chủ yếu ở các huyện vùng cao Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai) người dân trồng các giống ngô địa phương như ngô trắng, ngô vàng phục vụ nhu cầu sử dụng làm ẩm thực với món ăn truyền thống như mèn mén.
Đối với sản xuất nông nghiệp vùng cao, cây ngô vẫn giữ vai trò quan trọng, dù quỹ đất cho cây ngô dần bị thu hẹp nhưng diện tích sản xuất ngô hằng năm vẫn đạt cao do người dân tăng vụ. Giá trị kinh tế từ trồng ngô lấy hạt làm hàng hóa giờ đây không còn đủ sức cạnh tranh với những nhóm cây trồng khác nên cây ngô đang đứng trước một cuộc chuyển mình mới với vai trò mới. Ngô được trồng lấy hạt, trồng ngô sinh khối làm thức ăn xanh, thức ăn tinh cho gia súc, gia cầm dần trở thành xu hướng mới. Với vai trò quan trọng trong từng giai đoạn, cây ngô vẫn bám lấy những bãi bồi, những triền núi dốc, cứ thế sinh sôi để làm tròn sứ mệnh.