LCĐT - Trong 4 bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu những cách làm và một số điển hình ở cơ sở thực hiện sáng tạo công tác dân vận, tạo sự đồng thuận, làm chuyển biến nhận thức và hành động của mỗi người dân, góp phần phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở mỗi địa phương. Những biến chuyển, thành công ấy đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà, xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng văn minh, hiện đại.
>> Bài 1: Dân vận khéo để “ kéo” học sinh ra lớp
>> Bài 2: Góp phần giữ vững một dải biên thùy
>> Bài 3: Chung sức giữ màu xanh đại ngàn
>> Bài 4: Ghi nốt “son” trong bài ca nông thôn mới
Sáng tạo riêng của Lào Cai
Hơn 1.000 mô hình dân vận khéo, với hàng trăm điển hình dân vận khéo là kết quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh thực hiện hơn 10 năm qua trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Con số này đã góp phần làm sáng lên bức tranh tổng thể kinh tế, xã hội tỉnh Lào Cai, địa phương vùng cao, miền núi, có gần 200 km đường biên giới, với 25 dân tộc cùng chung sống, có trình độ dân trí, phong tục tập quán khác nhau.
![]() |
Mỗi cán bộ, đảng viên ở Lào Cai luôn đi đầu trong vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ảnh tư liệu |
Chuyển biến đầu tiên phải kể đến là ở lĩnh vực kinh tế (gắn với các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững), các cấp, ngành, địa phương đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ vậy đã làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy kinh tế; huy động được nhiều tiềm năng, mang lại hiệu quả thiết thực; động viên nhân dân tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao đời sống. Điển hình như mô hình chuyển đổi từ nương ngô sang trồng rau sạch công nghệ cao (rau đậu hà lan, bắp cải), chuyển đổi từ ruộng lúa nước sang đào ao thả cá; mô hình trồng cây sa nhân tím, thảo quả và cây tam thất tại huyện Si Ma Cai; trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn đen bản địa, cá chày mắt đỏ tại huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát; mô hình trồng dâu nuôi tằm; mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới (huyện Bảo Yên).
Nhờ dân vận khéo, chỉ tính riêng từ năm 2015 đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã huy động nhân dân tham gia tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới, thi công được gần 1.700 km đường giao thông nông thôn, trong đó mở mới 264,55 km; làm mới trên 19.000 nhà tiêu hợp vệ sinh, trên 13.000 chuồng trại gia súc hợp vệ sinh; xây dựng được 407 mô hình nhà sạch, vườn đẹp; huy động các cơ quan, đơn vị tập thể, doanh nghiệp, nhân dân tham gia gần 340.00 công lao động; hiến hơn 600.000 m2 để xây dựng các công trình phúc lợi trong cộng đồng dân cư vùng cao.
Ông Nguyễn Quang Úy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Thắng tự hào về kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương, khẳng định: Bảo Thắng có 9/9 tiêu chí nông thôn mới đã hoàn thành, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh trong thời gian không xa (Tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo Thắng là huyện nông thôn mới). Đây là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng hàng đầu là thực hiện tốt công tác dân vận.
Theo đồng chí Lý Thị Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, thì các mô hình “Dân vận khéo” đều mang tính thực tế, hiệu quả tác động trực tiếp đến người dân, như mô hình cải tạo tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, vệ sinh môi trường, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, mô hình “khu dân cư không tệ nạn xã hội”, “Huy động học sinh lớp 4, 5 ở các điểm trường lẻ về học tại điểm trường trung tâm”; mô hình “ Trường học về an toàn an ninh trật tự và an toàn giao thông”. Những mô hình này được thực hiện và thành công đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Thời gian qua, Tỉnh ủy đã chủ động, tích cực đổi mới công tác dân vận của chính quyền và đoàn thể các cấp từ tỉnh đến các xã, thôn, bản, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” đã huy động hệ thống chính trị toàn tỉnh cùng vào cuộc, chung sức giải quyết vấn đề từ cơ sở, góp sức đưa kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh được cải thiện. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng được tăng cường, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đổi mới để thành công hơn
Công tác dân vận của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng có những nội dung, phương thức khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu quan trọng đó là tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng; vận động, thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho quá trình phát triển của đất nước, của mỗi địa phương. Các cấp ủy, chính quyền ngày càng coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng chính đáng, quan tâm giải quyết những bức xúc trong nhân dân, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền tạo đồng thuận, động viên nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, phát triển đất nước, địa phương.
![]() |
Bộ đội biên phòng thực hiện tốt “3 bám, 4 cùng”, gắn bó chặt chẽ với người dân địa phương. |
Chẳng hạn như lực lượng vũ trang chú trọng mối quan hệ máu thịt với nhân dân, khẳng định vai trò “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”; tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống dịch bệnh... Câu chuyện “Góp phần giữ vững một dải biên thùy” với hình ảnh những chiến sĩ biên phòng Si Ma Cai thực hiện tốt “3 bám, 4 cùng”, gắn bó chặt chẽ với người dân địa phương cơ sở, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân đã thể hiện rõ hiệu quả mang lại từ công tác dân vận.
Lực lượng công an nhân dân chú trọng đổi mới công tác dân vận theo hướng “gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân; quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, xử lý kịp thời thông tin tố giác tội phậm từ nhân dân; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống an toàn cho nhân dân, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân.
Khẳng định những kết quả đạt được nêu trên là chủ yếu, đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lý Thị Vinh cũng cho rằng, công tác dân vận vẫn còn có những hạn chế, bất cập, như một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn quan liêu, sách nhiễu, chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân vận. Một số địa phương cơ sở, công tác tiếp công dân, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân chưa được quan tâm đúng mức, chưa đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.
Vì vậy để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, Lào Cai xác định công tác dân vận của cả hệ thống chính trị sẽ chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng về công tác dân vận; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 04 - NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đẩy mạnh giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.