Mùa quả ngọt

LCĐT - Những cơn nắng oi ả đang dần dịu lại, tiết trời chuyển mát để sang thu cũng là lúc mùa thu hoạch các loại cây ăn quả ôn đới kết thúc. Được mùa, được giá nên đến thời điểm này, có thể khẳng định vụ cây ăn quả năm nay, nông dân đã có một mùa quả ngọt.

Khi thấy chúng tôi hỏi thăm về vườn lê của xã, chị Vi Thị Hởi, Chủ tịch UBND xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) cười tươi: “Năm nay, người dân có lê ăn, có lê bán nên phấn khởi lắm. Sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, thì vụ lê này thắp thêm hy vọng cho người dân Tả Phời, để người dân tiếp tục đầu tư, quan tâm chăm sóc loại cây ăn quả ôn đới này”.

Sự phấn khởi của người dân Tả Phời là hoàn toàn dễ hiểu, bởi đã 10 năm kể từ ngày cây lê Tai nung (VH6), một loại cây ăn quả ôn đới được trồng tại đây, nhưng phải đến năm thứ 10 cây lê mới cho mùa quả ngọt.

Nông dân Si Ma Cai thu hái mận.
Nông dân Si Ma Cai thu hái mận.

Xã Tả Phời có 80 ha lê được trồng tại thôn Phìn Hồ và thôn Phìn Hồ Thầu, đến nay, diện tích lê tập trung chỉ còn gần 40 ha. Diện tích lê còn lại rải rác, phân tán do không được chăm sóc tốt, nhiều cây bị chết, thậm chí có diện tích người dân bỏ hoang, chặt đi do không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Được kỳ vọng là cây xóa đói, giảm nghèo nhưng sau thời gian dài, cả xã chỉ có diện tích cây lê của gia đình ông Giàng A Su cho thu hoạch, với sản lượng mỗi năm từ 1 đến 2 tấn quả. Toàn bộ diện tích còn lại chỉ ra hoa mà không đậu quả, hoặc đậu quả nhưng quả quá nhỏ, không đạt chất lượng. Bẵng đi một thời gian dài, người dân không còn kỳ vọng về loại cây ăn quả ôn đới này thì năm 2019, tỷ lệ đậu quả của cây lê tại Tả Phời đạt trên 40%, với gần 40 ha lê được thu hoạch quả. Tại những diện tích được chăm sóc tốt, quả lê to, đẹp mắt (khoảng 3 quả/kg), chất lượng ngọt, mọng nên giá bán khá cao, dao động từ 20 nghìn đồng đến 45 nghìn đồng/kg. Dù sản lượng bán ra thị trường chưa nhiều với gần 6 tấn lê, nhưng vụ lê năm nay thắp lên hy vọng cho người dân Tả Phời vào loại cây ăn quả này.

“Người dân được thưởng thức quả lê mình trồng, chăm sóc, kỳ vọng sau rất nhiều vụ chờ đợi, rồi bán được giá. Sau vụ lê năm nay, người dân sẽ tích cực hơn trong việc chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật để cây lê mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ví dụ như gia đình ông Giàng A Su, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng từ quả lê, chúng tôi luôn mong cây lê sẽ mang về những mùa quả ngọt”, chị Hởi nói.

Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều vùng khí hậu đặc thù, Lào Cai có điều kiện phát triển các loại cây ăn quả ôn đới. Với hơn 2.000 ha cây ăn quả ôn đới các loại như lê, đào, mận, được trồng tại các xã vùng cao ở các địa phương như Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai, Bát Xát... người dân vùng cao đã làm quen với việc đốn tỉa, tạo tán, cải tạo vườn, từng bước ứng dụng công nghệ cao đối với diện tích trồng mới, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị. Mỗi năm, người dân các địa phương thu hoạch hơn 6.000 tấn quả, thu về hơn 200 tỷ đồng từ cây ăn quả ôn đới. Đây cũng là loại cây giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực vùng cao, với bình quân thu nhập đạt gần 120 triệu đồng/ha, là điều mà nếu chỉ sản xuất nông nghiệp truyền thống rất khó để đạt được.

Du khách thưởng thức các loại mận của Si Ma Cai.
Du khách thưởng thức các loại mận của Si Ma Cai.

Tại Bắc Hà, cây lê Tai nung, mận Tam hoa không đơn thuần là sản phẩm của nông nghiệp nữa mà trở thành một trong những sản phẩm du lịch thu hút du khách. Cùng với “uống rượu ngô, ăn thắng cố, xem đua ngựa”, thì “hái mận Tam hoa” trở thành hoạt động “nhất định phải thử” khi đến thăm vùng đất “cao nguyên trắng”. Tại Si Ma Cai, Bát Xát, Sa Pa… diện tích cây ăn quả ôn đới cũng tiếp tục được mở rộng, không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức các loại đặc sản, mà còn trở thành điểm đến trải nghiệm đầy kỳ thú.

Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả ôn đới tại Si Ma Cai tăng lên nhanh chóng, đạt hơn 500 ha vào năm 2019. Sản phẩm chủ lực nhất trong nhóm này không thể không nhắc đến các loại mận, đặc trưng nhất là mận Tả Van. Mận Tả Van Si Ma Cai quả không to, màu đỏ thẫm, vỏ mỏng, thịt mềm, mọng, có vị ngọt. Mận ở Si Ma Cai chín muộn hơn các loại mận khác trong tỉnh, giá bán thường đạt khá cao, trung bình từ 35 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 80 nghìn đồng/kg mận Tả Van. Bày những rổ mận tươi rói để bán cho du khách, khi được hỏi về giống mận Tả Van đặc sản, anh Vàng Seo Chơ, thôn Lùng Sán, xã Lùng Sui nói: Ít lắm, không đủ bán đâu. Hết mùa mận Tam hoa là người dân Bắc Hà và thành phố Lào Cai lên mua mận Tả Van. Các loại mận như Tả Hoàng Ly, mận tím, mận cau ít người mua hơn, nhưng cũng nhanh hết lắm, không đủ bán.

Từ một “thức quà” theo mùa, để những đứa trẻ vùng cao thưởng thức những ngày hè rảnh rỗi, cây ăn quả ôn đới đã thực sự trở thành hàng hóa để những người nông dân chỉ quen với cây ngô, cây lúa nương chuyên tâm đầu tư. Những ngày hè oi ả, vườn đào, vườn mận chín đỏ, du khách xa gần í ới gọi nhau vào vườn cùng nông dân thu hái. Những ngày chớm thu, những quả lê bắt đầu dậy mùi thơm sau thời gian dài tích lũy hương vị ngọt ngào của nắng, của sương, của gió núi. Sau một chuyến du lịch trải nghiệm tại vùng cao Lào Cai, bạn tôi, Phạm Thị Minh Phương, du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa ví von trên facebook rằng: “Ai chưa từng đi thì nhất định phải lên vùng cao để thử, cắn một miếng mận Tam hoa ngỡ như nếm được cả mùa hè sôi nổi, ăn một miếng lê mà ngỡ đắm mình trong cả mùa thu của vùng cao Tây Bắc, vừa ngọt, vừa mát. Lên vùng cao mà không thử thì đúng uổng cả một đời”.

Mà quả thực, lên vùng cao Tây Bắc, không ghé những khu vườn, không nếm lấy hương vị của các loại cây ăn quả ôn đới, loại quả mà chỉ có vùng cao mới trồng được thì thật uổng. Các loại quả tích lũy đủ nắng, đủ sương, đủ nước từ những mạch ngầm, đủ công sức từ những bàn tay tận tụy chăm bón, đem về cho nông dân vùng cao những mùa quả ngọt.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chảo Mẩy và đam mê viết

Chảo Mẩy và đam mê viết

"Tôi sinh ra ở vùng cao - nơi còn thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi đã có một tuổi thơ đầy ắp tình yêu thương. Ở nơi không có trò chơi điện tử, không sóng điện thoại, tôi chơi các trò chơi truyền thống, trải nghiệm các nét văn hóa độc đáo… tới giờ vẫn đầy ắp kỷ niệm trong tâm trí tôi…”, đó là những điều mà Chảo Mẩy chia sẻ qua từng trang viết.

Điện ảnh Việt: Bứt phá ngoạn mục từ mùa phim Tết

Điện ảnh Việt: Bứt phá ngoạn mục từ mùa phim Tết

Trong mùa phim Tết năm nay, có thể dự đoán về sức hút của bộ phim “Mai” (đạo diễn Trấn Thành) khi đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng, liên tục làm nên các kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Việt. Nhưng cơn “sốt vé” phim “Đào, phở và piano” (đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phim do Nhà nước đặt hàng, là hiện tượng bất ngờ, chưa từng thấy. Cùng với nhiều bộ phim khác đang dần được chú ý, giới làm nghề đầy hứng khởi, tin tưởng một giai đoạn bứt phá của điện ảnh Việt.

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Nghệ nhân thư pháp Võ Dương, người Việt đầu tiên xác lập kỷ lục thế giới về thư pháp, gửi tặng bạn đọc Thanh Niên những tác phẩm thư pháp lấy cảm hứng mùa xuân trong năm Giáp Thìn, năm "cầm tinh" con rồng.

Nhớ mùa tết xưa!

Nhớ mùa tết xưa!

... đã sống gần hết cuộc đời, đôi chân đã đi khắp đất nước, mà cứ mỗi độ giữa đông trở đi, lòng lại náo nức, rưng rưng nhớ về những mùa tết đẫm đặc tuổi thơ tôi...

fb yt zl tw