Khám phá động Tiên Cảnh

LCĐT - Về bản 1 Thâu, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, người dân nơi đây luôn tự hào kể cho chúng tôi nghe về thắng cảnh động không chỉ có cảnh sắc đẹp mà còn gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào người Dao tuyển nơi đây.

Động Tiên Cảnh có hệ thống nhũ đá đẹp, phong phú.

Biết chúng tôi có ý định khám phá động Tiên Cảnh, anh Bàn Văn Tài, dân tộc Dao tuyển, Trưởng bản 1 Thâu nhiệt tình sắp xếp và gọi thêm vài phụ nữ trong thôn để cùng dẫn đường. Anh Tài bảo: Động Tiên Cảnh gắn bó lâu đời với người Dao tuyển,vì thế, muốn có trải nghiệm thú vị thì phải đi cùng với chúng tôi.

Từ bản 1 Thâu, anh Tài dẫn chúng tôi theo con đường nhỏ lổn nhổn sỏi đá, được hơn 300 m thì dừng xe máy đi bộ qua con đường mới mở vẫn thơm mùi đất dẫn đến động Tiên Cảnh vừa được xã Xuân Thượng huy động xã hội hóa. Dù mới mở nhưng đường vẫn rất khó đi bởi dốc đứng khiến những người đi lên cảm thấy tức thở. Con đường dẫn đến bìa rừng,rồi xuyên qua hơn 100 m rừng măng hốc (một loài cây thuộc họ tre) là đến cửa động Tiên Cảnh. Trước cửa động có cây đa lớn với rễ buông dài như mái tóc thiếu nữ giữa núi rừng xanh thẳm. Dưới tán đa là những bụi chàm trổ bông tím ngắt, thơ mộng.

Theo những người già trong bản 1 Thâu kể lại, động Tiên Cảnh nằm trên dãy núi Thẻ, trước đây thường gọi là hang Thẻ. Sở dĩ dãy núi và hang động có tên gọi như thế vì tại nơi đây, bà con đã đoàn kết, họp bàn kế hoạch kháng chiến, chống lại quân giặc xâm lăng, bảo vệ quê hương. Anh Bàn Văn Tài kể: Năm 1946, ông nội tôi là ông Bàn Văn Gạo đã ẩn nấp trong hang để trốn chạy giặc Pháp và cùng cán bộ cách mạng tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Khi đó, ai muốn đi lên núi hoặc vào hang đều phải có “thẻ” do tổ chức cấp phát. Về sau, người dân gọi là “hang Thẻ”, trong tiếng Dao tuyển, “thè ngàm” cũng xuất phát từ đó. Sự kiện Tổng tuyển cử tổ chức tại động Tiên Cảnh đã bầu ông Cao Đức Chính làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Dân Chủ, châu Lục Yên, phủ Yên Bình; ông Bàn Văn Chướng là ủy viên, sau này là Chủ tịch UBND xã Dân Chủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hang động này cũng được người dân chọn là nơi sơ tán, trú ngụ để tránh bom máy bay B52 của đế quốc Mỹ...

Theo ông Lý Minh Giầu, bản 1 Thâu (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thượng), trong giai đoạn chiến tranh biên giới phía Bắc, động Tiên Cảnh vẫn phát huy vai trò đối với việc giữ gìn sự an toàn cho người dân địa phương. Những năm tháng đó, người dân trong vùng đã đem theo lương thực, ở trong động 1 tháng để bảo toàn tính mạng và lực lượng.

Theo khảo sát của Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm (Bảo tàng tỉnh Lào Cai), động Tiên Cảnh có tổng chiều dài 158 m, đường đi lại còn khá khó khăn do chưa được đầu tư, tôn tạo. Động có 3 khu vực hội tụ những nét riêng biệt, không lẫn nhau về hình nhũ và cảnh sắc mà tự nhiên kiến tạo, tạo thành điểm hấp dẫn du khách ưa loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá.

Cửa động Tiên Cảnh có dạng hố sụt tự nhiên được che chắn bởi một mái đá rộng, chắc chắn. Mái cửa động có nhiều hình thù mà tự nhiên tạo tác thành, như hình con bọ, răng khủng long, mũi kiếm nhọn dày đặc theo hình răng lược. Ở khu vực này, các khối nhũ đá kết lại nối tiếp nhau từ vòm xuống dưới như những mái tóc dài miên man, phía trái vách động nhũ rất sáng, rủ xuống như bức rèm, ở đó rễ cây đan dày xen lấn lớp nhũ mịn màng tựa bức tranh sơn mài sống động. Về tổng thể, mái cửa động giống như hàm của con rồng đang mở rộng, ngáp dài sau bao thế kỷ nằm ngủ yên giữa thiên nhiên hùng vỹ.

Bước qua cửa động sẽ đến động Sơn Trang với vòng động màu nâu, nền động thoải cùng vân đá như những thửa ruộng bậc thang của vùng núi cao thu nhỏ, đây là khu vực tập trung nhiều nhũ đá nhất, tạo thành sơn lâm hùng vỹ. Ngồi trên tảng đá lớn nhất được tự nhiên sắp đặt giữa động, ngắm toàn cảnh nhũ đá giống như lâu đài tráng lệ của châu Âu; nhiều khối nhũ tựa như khối pha lê khổng lồ, phát ra ánh sáng huyền ảo mỗi khi có tia sáng chiếu vào. Đây là điểm dừng chân đầu tiên để ngắm nhìn những gì tráng lệ, kiều diễm nhất của động Sơn Trang. Đứng ở mỗi góc nhìn khác nhau, mỗi người đắm chìm vào những cảm xúc của riêng mình, nhưng có một điểm chung không thể phủ nhận đó chính là thấy được vẻ tuyệt mỹ của thắng cảnh này.

Động Tiên Cảnh gắn bó với cuộc sống của người Dao tuyển ở xã Xuân Thượng.

Khu vực tiếp theo bị thu hẹp, lối đi nhỏ với nhiều nhũ đá mọc từ dưới đất lên, như dải san hô, khiến người ta có cảm giác đang ở dưới lòng đại dương bao la, nên được người địa phương đặt tên là Thủy Cung. Trên rặng san hô, nhũ đá được khéo léo tạo hình bức tượng mẹ bồng con trước ngực, ở phía dưới có 3 cột đá nối liền thông đến đỉnh động giống như trụ cổng trước khi vào thủy cung, cánh cổng tự nhiên mở ra cả một tòa thiên nhiên kỳ vỹ, đặc sắc.

Đi hết Thủy Cung là đến đáy động với nền rộng, bằng phẳng, nơi đây hội tụ rất nhiều nhũ đá buông dài từ trần đến tận đáy động. Vách động được kiến tạo bởi lớp đá chắc chắn phủ lớp bột đất màu nâu đậm. Chính lớp đất phủ ấy khiến động không tạo ra tiếng vang dội đối với âm thanh. Tại khu vực này có các khối nhũ mọc lên từ nền động tạo thành chiếc bàn trà với 3 nhũ đá trồi xung quanh giống như con người đang thưởng thức trà chiều. Tất cả tạo nên một bức tranh lấp lánh, nhất là khi có ánh sáng chiếu vào...

Là người có gần 30 năm trong nghề nghiên cứu, sưu tầm di tích, ông Phan Chí Cường, Trưởng Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm Bảo tàng tỉnh Lào Cai chia sẻ: Bên cạnh vẻ đẹp thẩm mỹ được thiên nhiên ban tặng, động Tiên Cảnh còn có giá trị về mặt lịch sử, nghiên cứu khoa học, rất thích hợp để phát triển du lịch. Sự hấp dẫn ở nơi đây không chỉ đến từ lòng động rộng, hệ thống thạch nhũ đa dạng, phong phú, môi trường sinh thái đẹp mà dưới chân núi Thẻ còn là nơi sinh sống của đồng bào Dao tuyển với nét văn hóa đặc sắc và truyền thống trồng bông, dệt vải. Nếu được đầu tư xứng tầm, chắc chắn động Tiên Cảnh sẽ trở thành địa điểm trải nghiệm hấp dẫn, thú vị cho du khách trên hành trình khám phá mảnh đất Bảo Yên.

Với những giá trị về lịch sử, thẩm mỹ, kinh tế du lịch, khoa học và quốc phòng, an ninh, tháng 10/2019, danh thắng động Tiên Cảnh đã được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng là di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh.

Rồi mai đây, khi được quan tâm đầu tư, động Tiên Cảnh có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng của Xuân Thượng nói riêng và Bảo Yên nói chung. Qua đó phát huy hiệu quả những giá trị về thiên nhiên, văn hóa, con người, giúp người dân xã Xuân Thượng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Mang văn hóa bản địa xuống núi

Mang văn hóa bản địa xuống núi

Những sinh hoạt đời thường, hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí… của đồng bào dân tộc thiểu số Sa Pa đã không còn bó hẹp nơi núi rừng mà được tái hiện một cách chân thực giữa lòng thủ đô sầm uất. Rộn ràng, sống động, hân hoan là cảm xúc mà Ngày hội văn hóa, du lịch Sa Pa mang đến cho người dân và du khách tại Hà Nội.

Sống động không gian trưng bày chuyên đề "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" tại Long An

Sống động không gian trưng bày chuyên đề "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" tại Long An

Trong chuyến công tác tại Long An, phóng viên Báo Lào Cai đã tham quan, nghe thuyết minh và tham quan hình ảnh phục dựng cuộc chiến tranh Nhân dân trên mảnh đất Long An tại Công viên tượng đài "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". Không gian trưng bày gồm 8 chuyên đề được thể hiện bằng 3D, âm thanh sinh động nhằm tái hiện một phần hoàn cảnh sống và chiến đấu của cán bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sa Pa xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, thân thiện

Sa Pa xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, thân thiện

Để mang đến cho du khách sự hài lòng và những trải nghiệm khó quên, những năm gần đây, chính quyền thị xã Sa Pa đã xây dựng hình ảnh du lịch văn minh và thân thiện bằng cách tạo dựng thói quen tốt, cách làm hay như: tuyên truyền vận động không bán hàng, đeo bám khách du lịch; thực hiện các phong trào bảo vệ môi trường, giúp địa phương xây dựng hình ảnh du lịch xanh tới du khách.

Đề xuất điều chỉnh Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

Đề xuất điều chỉnh Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

Sáng 19/4, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức cuộc họp xem xét, đề nghị việc điều chỉnh Nghị quyết số 06/2021/NQ - HĐND ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025.

Một lần đến Tây Ninh

Một lần đến Tây Ninh

Chúng tôi đặt chân đến Tây Ninh - vùng đất miền Đông Nam Bộ trong một ngày đầy nắng. Từ sân bay, xe đón chúng tôi đi thẳng tới Tây Ninh, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km. Cái nắng hơn 300C khác hẳn với khí hậu se lạnh chỉ hơn 200C của Tây Bắc những ngày cuối tháng 3 khiến chúng tôi chưa kịp thích ứng, có chút ngỡ ngàng.

Xôi miền sơn cước

Xôi miền sơn cước

Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó, có nghệ thuật ẩm thực.

Gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm tại VITM Hà Nội 2024

Gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm tại VITM Hà Nội 2024

Sau 4 ngày diễn ra sôi nổi (từ 11 đến 14/4), Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 đã thu hút gần 4.000 doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế đến làm việc, gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm. Đó là thông tin vừa được bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội chợ cung cấp tại Lễ bế mạc VITM Hà Nội 2024 vừa diễn ra chiều ngày 14/4 tại Hà Nội.

fb yt zl tw