Trong thời gian qua, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong nước và xuyên biên giới. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tập trung vào những kết quả thực hiện được; những tồn tại hạn chế; những việc chậm, việc nợ; những việc chưa làm được của các bộ, ngành. Từ đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và có kiến nghị cụ thể.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu các bộ, ngành tập trung đẩy mạnh về dữ liệu. Cụ thể, dữ liệu phải bảo mật; an toàn; đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Những điều này chỉ riêng Bộ Tài chính không thể làm được, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Cùng đó, hoàn thiện cơ sở pháp luật liên quan như: Nghị định về hướng dẫn giao dịch điện tử; bảo vệ người tiêu dùng; thanh toán không dùng tiền mặt; kinh phí thực hiện các dự án đầu tư công nghệ thông tin… để thực hiện thành công việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.
Ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thông tin tới báo chí về tình hình công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết: Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, trong nước và xuyên biên giới như: tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg, các bộ, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết với những nhiệm vụ cục thể của từng bộ, ngành để triển khai theo chức năng nhiệm vụ, đồng thời cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để phối hợp triển khai. Kế hoạch triển khai của từng bộ, ngành đã được xây dựng cụ thể chi tiết theo từng nhóm công việc, phân công đơn vị chịu trách nhiệm triển khai, đơn vị phối hợp và thời hạn hoàn thành.
Đối với quản lý thuế, thời gian qua, ngành thuế đã tiếp cận hoạt động thương mại điện tử, theo các nền tảng có hoạt động thương mại điện tử, để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm nền tảng nền tảng sàn giao dịch thương mại điện tử: Shopee, Lazada, Tiki, Amazon, Alibaba ...; Website/ứng dụng TMĐT: Abay.vn, Ahamove, Amway.com.vn, Bachhoaxanh.com, Đienmayxanh.com…; nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok, …; nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận (Grab, Be, Foody, Giaohangtietkiem, Giaohangnhanh…); nền tảng đại lý (Booking, Agoda, Airbnb …); nền tảng thuê bao (Netflix, Spotify, …); bền tảng quảng cáo (Facebook, Google, Youtube, …); nền tảng kho ứng dụng (Apple Store, CH Play, …).
Theo báo cáo của Tổng cục thuế, số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, như sau: năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (gần 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; Năm 2023 doanh thu quản lý là: 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.
Tổng cục Thuế đã triển khai trong toàn ngành thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử, chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định. Kết quả lũy kế trong 3 năm (2021, 2022 và 2023), có 31.570 tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát. Trong tổng số các trường hợp đưa vào diện rà soát đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917,9 tỷ đồng; trong đó, xử lý kê khai, truy thu, xử lý vi phạm là 1.818 tỷ đồng, giảm lỗ là 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 113,9 tỷ đồng.
Thuế là một trong những nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg và quản lý với hoạt động thương mại điện tử. Các nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị số 18/CT-TTg cho từng bộ, ngành mặc dù đã có các yêu cầu chung phải đạt được cho đến 2025 nhưng một số nhóm công việc bị phụ thuộc vào các chương trình, kế hoạch riêng của từng bộ, ngành.
Cụ thể, việc sửa đổi chính sách pháp luật chuyên ngành cần phải theo lộ trình của chương trình sửa luật của Quốc hội. Do đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra tại Chỉ thị số 18/CT-TTg có thể sẽ không hoàn thành đúng tiến độ.
Ngoài ra, việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ. Phần lớn các bộ, ngành, địa phương còn chậm trong việc triển khai định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông ...
Điều này gây khó khăn trong việc định danh, xác thực cá nhân, tổ chức để phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử; khó khăn trong việc định danh, xác thực cá nhân. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành trong thời gian qua chủ yếu theo phương thức thủ công, chưa được thực hiện theo hình thức điện tử để đảm bảo chính xác, thường xuyên, liên tục, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý.
Đối với Bộ Tài chính, việc ngành thuế triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong hơn một năm qua. Nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện còn một số khó khăn vướng mắc chủ yếu do quy định chính sách pháp luật hiện hành còn chưa bắt buộc các cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ, bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền mà được phép xuất hóa đơn tổng cuối ngày nếu chưa đáp ứng điều kiện kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế theo từng giao dịch bán hàng hóa.
Tại hội nghị, đại diện đến từ Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an đã có những chia sẻ cụ thể về quá trình thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg cũng như những góp ý, đề xuất để có thể thực hiện quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Thường trực thực hiện Đề án 06 của Chính phủ ông Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Chỉ thị số 18/CT-TTg có vai trò quan trọng của các đơn vị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm dữ liệu về dân cư quốc gia. Mỗi một bộ ngành có những nhiệm vụ khác nhau.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, khi triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg cần đối chiếu trên 6 nhóm vấn đề pháp lý, hạ tầng công nghệ; dữ liệu; giải pháp bảo mật; nhân lực; nguồn lực thực hiện. Để báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg cần đánh giá lại nhiệm vụ của mỗi đơn vị, những việc đã và chưa làm được để đề ra những giải pháp sẽ thực hiện tiếp theo.