Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, đến nay, hệ thống ngân hàng đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thanh toán và chuyển đổi số; hoàn thiện cơ chế, chính sách thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích.

Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được số hóa trên các kênh điện tử; nhiều ngân hàng ghi nhận hơn 95% giao dịch thực hiện qua kênh số. Hệ sinh thái ngân hàng số ngày càng đa dạng, thông minh, mang lại tiện ích cho khách hàng với các dịch vụ như chuyển tiền, thanh toán, gửi tiết kiệm, vay online... ngay trên điện thoại. Nhiều nghiệp vụ đã được số hóa hoàn toàn như mở tài khoản, mở thẻ, ví điện tử, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, cho vay.
Nhờ hạ tầng chuyển đổi số ngành ngân hàng được đầu tư, nâng cấp liên tục, thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số đã đạt kết quả tích cực. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong năm tháng đầu năm 2025, tổng giao dịch tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị so với cùng kỳ. Giao dịch qua internet tăng 47,09% về số lượng, 34,46% về giá trị; qua điện thoại di động tăng 39,9% và 23,22%; qua QR Code tăng 76,62% và 179,14%; qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 9,99% và 39,85%; qua hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử tăng 14,33% và 3,85%.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sự phát triển mạnh của các kênh thanh toán trực tuyến đang dần thay đổi thói quen dùng tiền mặt. Cụ thể, giao dịch qua ATM giảm 12,83% về số lượng và 4,49% về giá trị, cho thấy nhu cầu rút tiền mặt giảm, được thay thế bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, ngành ngân hàng đã phối hợp Bộ Công an triển khai Đề án 06 và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCANHNN, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.
Phó Vụ trưởng Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng cũng cho biết, đến ngày 27/6, các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán đã đối chiếu, cập nhật thông tin sinh trắc học cho hơn 119 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân qua CCCD gắn chip hoặc VNeID (đạt 100% số tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch số), hơn 1,1 triệu hồ sơ khách hàng tổ chức và loại bỏ gần 86 triệu tài khoản “chết”.
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) đã phối hợp Bộ Công an hoàn thành sáu đợt đối chiếu, làm sạch khoảng 57 triệu lượt hồ sơ khách hàng theo phương thức offline. Ông Lê Anh Dũng cho biết, sau khi làm sạch dữ liệu và áp dụng đối khớp sinh trắc học, so cùng kỳ năm 2024, số khách hàng cá nhân bị lừa đảo, mất tiền giảm 57%, số tài khoản nhận tiền lừa đảo giảm 47%.
Để tăng cường bảo vệ khách hàng, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp Bộ Công an xây dựng Hệ thống SIMO - hỗ trợ quản lý, giám sát, phòng ngừa gian lận trong thanh toán. Hệ thống cho phép các tổ chức thành viên báo cáo tài khoản đáng ngờ; khi kết nối hai chiều với SIMO, tổ chức tín dụng có thể cảnh báo khách hàng về trạng thái nghi ngờ của tài khoản nhận tiền.
Hiện BIDV và Vietcombank là những ngân hàng đầu tiên thí điểm tính năng “cảnh báo người dùng” từ hệ thống SIMO và bước đầu đạt kết quả tích cực. Sau hơn một tháng triển khai, app của BIDV đã dừng hơn 40.000 lượt chuyển tiền nhờ cảnh báo, với tổng giá trị khoảng 160 tỷ đồng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm từ giai đoạn đầu trước khi mở rộng áp dụng cho các ngân hàng khác.