Trong hành trình khám phá mảnh đất Tây Ninh đầy nắng, không chỉ được thưởng thức những món ăn ngon, độc đáo thì điều chúng tôi háo hức nhất là được khám phá các địa danh nổi tiếng nơi đây.
Tây Ninh có nhiều điểm tương đồng với Lào Cai, cũng là tỉnh biên giới, có cửa khẩu, có du lịch phát triển là điểm sáng trong khu vực. Thêm nữa, Tây Ninh cũng có hệ thống cáp treo leo núi, mang dấu ấn của Tập đoàn Sun Group... đủ để thấy có một mối liên tưởng giữa Tây Ninh với Lào Cai - mảnh đất ở vùng Tây Bắc.
Điểm đến đầu tiên của buổi chiều hôm trước, chúng tôi được khám phá là Tòa thánh Tây Ninh - một trong những công trình kiến trúc độc đáo của đạo Cao Đài. Tòa thánh có 2 lầu chuông và trống cao chót vót, các chi tiết được chạm trổ kỳ công, màu sắc rực rỡ. Đây là công trình được xây dựng bằng xi măng cốt tre...
Hòa cùng dòng người vào lễ, chúng tôi dạo một vòng trong tòa thánh và thỏa thích chiêm ngưỡng các bức chạm khắc với nghệ thuật tinh xảo. Bên ngoài tòa thánh có hệ thống hàng rào bao quanh, tạo sự uy nghiêm của điểm du lịch tôn giáo.
Tham quan Tòa thánh Tây Ninh, tản bộ dọc những tuyến đường phong quang, sạch đẹp, chúng tôi được đồng nghiệp ở Báo Tây Ninh chia sẻ: Mỗi ngày ở đây có rất nhiều người dân đến dọn rác và nhặt cỏ xung quanh công trình. Mỗi người được chia công quả dọn vệ sinh 1 m2, thế nên các tuyến đường quanh tòa thánh luôn sạch, không có rác hoặc cỏ dại.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi tới thăm chùa Gò Kén - một trong những ngôi chùa được khởi công xây dựng sớm nhất tại Tây Ninh. Hằng năm, các phật tử và du khách khắp cả nước về chùa tham gia các hoạt động từ thiện. Đặc biệt, chùa Gò Kén có lễ hoa đăng vào Rằm tháng Bảy, người tham gia lễ có thể thả đèn hoa đăng cầu nguyện sức khỏe tốt, cuộc sống vui vẻ, an yên. Tham quan và thắp một nén hương cầu nguyện bình an tại chùa, chúng tôi kết thúc buổi chiều đầu tiên khám phá Tây Ninh.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi di chuyển tới Khu Di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam, sát biên giới Việt Nam - Campuchia, cách thành phố Tây Ninh khoảng 60 cây số. Nơi đây năm xưa, quân đội cách mạng miền Nam lưu trú và hoạt động, tránh khỏi sự tầm soát quy mô lớn của quân địch.
Dù trong thời chiến hay thời bình, căn cứ Trung ương Cục miền Nam vẫn giữ vai trò quan trọng với sự nghiệp cách mạng và đời sống Nhân dân. Ngày nay, khu di tích được đầu tư, phục dựng trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa và là điểm tham quan hấp dẫn của du khách.
Lần đầu tiên được đặt chân đến khu di tích, chúng tôi trầm trồ, thán phục khi nghe anh Lê Trung Hiếu, Tổ trưởng Tổ di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam giới thiệu về quá trình xây dựng chiến khu bí mật trong thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Chúng tôi được “mục sở thị” những cỗ xe tăng, xe thiết giáp, những hố bom B52 sâu hoắm, hầm trú ẩn chữ A, địa đạo, giao thông hào...
Men theo đường nhỏ quanh co trong khu di tích, chúng tôi được thăm các trạm canh gác, nhà bảo vệ, nhà ở của cán bộ, chiến sĩ ẩn mình dưới những tán cây cao. Năm xưa nơi đây là nhà ở của các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng và các lãnh đạo cấp cao của Đảng như các đồng chí Võ Văn Kiệt, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô… những căn nhà nhỏ, có hầm, đường giao thông hào ngay dưới chân giường cùng những vật dụng đơn sơ ghi dấu ấn về một thời những chiến sĩ cách mạng đã sống, chiến đấu và hy sinh để đất nước được thống nhất, dân tộc được độc lập.
Ngày nay những ngôi nhà vẫn được giữ gìn và tái hiện nguyên vẹn từ đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như chõng tre, bàn học, sách báo, đèn dầu... đến kiến trúc xây dựng nhà ở. Khu di tích như một bảo tàng thu nhỏ, nơi mà khi mỗi người đặt chân đến, được đứng dưới tán rừng, được nghe câu chuyện về chiến tranh thì mọi bài học lịch sử bỗng chốc trở nên thật gần gũi.
Điều ấn tượng nhất với chúng tôi là khi được nghe giới thiệu về mái nhà lợp bằng lá trung quân - loại cây trồng nhiều ở vùng Đông Nam Bộ, lá dai, mềm, chịu ẩm tốt và khó bắt lửa.
Rời khu di tích, mỗi thành viên trong đoàn đều không khỏi bồi hồi về một thời chiến tranh khốc liệt nhưng hào hùng của dân tộc.
Tây Ninh là một trong những điểm sáng về du lịch của khu vực Đông Nam Bộ, ngày càng thu hút đông du khách. Theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Đức An, phóng viên Báo Tây Ninh, năm 2023, du lịch Tây Ninh đón 5,5 triệu lượt khách. Chỉ tính khoảng 3 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh đã đón hơn 2 triệu lượt khách, dự kiến đến hết năm, lượng khách du lịch đến Tây Ninh sẽ vượt xa mục tiêu đề ra.
Góp phần không nhỏ cho sự gia tăng lượng khách là Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen. Danh thắng này có sức hấp dẫn, không chỉ là ngọn núi cao nhất miền Nam Việt Nam mà còn bởi những giai thoại kỳ bí trên núi Bà Đen.
Năm 2020, hệ thống cáp treo Bà Đen thuộc Khu Du lịch Sun World BaDen Mountain chính thức khai trương, đem đến trải nghiệm tuyệt vời cùng bộ 3 nhà ga cáp treo: Ga Bà Đen, ga Chùa Hang, ga Vân Sơn, đưa du khách tham quan không gian văn hóa tâm linh chùa Bà và khám phá đỉnh núi Bà Đen ở độ cao 986 m, trong đó ga Bà Đen đã được công nhận là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”.
Kết thúc hành trình khám phá Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen, chúng tôi cảm nhận được tình đất, tình người hồn hậu cùng cảnh vật hữu tình và những trang sử vẻ vang của dân tộc trên mảnh đất Tây Ninh.