Tham gia đoàn công tác có đại diện Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bát Xát, Hạt Kiểm lâm, Khu Bảo tồn thiên nhiên huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Sàng Ma Sáo.
Trong 2 ngày khảo sát, đoàn công tác đã tiến hành đo đạc, thu thập thông tin, khoanh vùng và đánh giá hiện trạng tại các điểm đến.
Thác Ong Chúa có tổng chiều dài khoảng 3 km, là đường mòn tự nhiên qua một phần khu dân cư thôn Nhìu Cù San. Đoạn đường đến thác Ong Chúa là khung cảnh núi rừng hùng vĩ với những cây cổ thụ rêu phong. Buổi sáng và trưa là thời điểm đẹp để khám phá thác Ong Chúa. Khi đó, mặt trời chiếu rọi những tia nắng vàng rực rỡ, màu trắng của thác nước, màu xanh của rêu phong và cây cối hòa vào màu xám của vách đá kết hợp cùng nhau tạo nên khung cảnh ảo diệu.
Núi Nhìu Cồ San theo tiếng dân tộc Mông có nghĩa là núi Sừng Trâu. Đây là dãy núi thuộc hệ thống Hoàng Liên Sơn với độ cao 2.965 m so với mặt nước biển, đứng thứ 9 trong tốp 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Giá trị cốt lõi của danh thắng đỉnh Nhìu Cồ San nằm ở vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên hoang dã, khí hậu mát mẻ và đa dạng hệ sinh thái với các loài động thực vật.
Việc khảo sát, điền dã các di tích danh lam, thắng cảnh tại huyện Bát Xát nhằm bảo tồn và gìn giữ các giá trị cốt lõi của di tích. Đồng thời, cũng là cơ sở pháp lý để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị của các di tích; phát huy tiềm năng, thế mạnh của các di tích danh lam, thắng cảnh để phát triển du lịch, từ đó thúc đầy kinh tế, xã hội của địa phương.
Thời gian tới, UBND huyện Bát Xát sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và của huyện khảo sát, điền dã các di tích danh lam, thắng cảnh khác trên địa bàn để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh như đỉnh Lảo Thẩn, đỉnh Pu Ta Leng, đỉnh Ky Quan San...