>>> Bài 1: Nỗi đau phía sau những bản án
LCĐT - Đứng trước ngưỡng cửa của cuộc sống, nhiều trẻ vị thành niên đã tự vẽ lên những nét bút đen trên những trang lý lịch trong sáng của mình, như trộm cắp, cướp, cưỡng đoạt, giết người… Để giúp các em tránh bước vào con đường tội lỗi, rất cần sự chung tay của cả các ban, ngành, đoàn thể, kết hợp với gia đình, nhà trường và xã hội.
![]() |
Tuyên truyền pháp luật tại chợ Pha Long trong Lễ ra quân tháng Thanh niên 2015. |
Vì đâu trẻ vi phạm pháp luật?
Nhìn vào hồ sơ các vụ án và tìm hiểu về động cơ gây án của các đối tượng có thể thấy tội phạm trẻ em thường có xuất phát điểm tương đối giống nhau: Thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ; nhận thức về pháp luật còn hạn chế; điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Nhiều em khi bị bắt vẫn không nhận thức được hết hành vi phạm tội của mình hoặc không hình dung được hết tác hại của những hành vi đó đối với gia đình, xã hội và chính bản thân mình.
Theo Thạc sỹ tâm lý Đới Thị Thu Thủy, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai: Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan phát sinh trẻ em vi phạm pháp luật ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng. Trong đó phải kể đến nguyên nhân tâm lý. Trẻ em và người chưa thành niên đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ, thể lực nên tâm lý khá phức tạp, thiếu ổn định. Lứa tuổi này các em luôn có xu hướng muốn vươn lên để trở thành người lớn. Các em có khuynh hướng tự lập, bứt phá sự ràng buộc, sự kiểm tra, áp đặt của những người lớn trong gia đình, của thầy, cô giáo. Các em ở độ tuổi này thường có tính hiếu thắng, nông nổi và liều lĩnh. Điều này dẫn đến những hành động bột phát, thiếu suy nghĩ, không phân biệt được đúng, sai, do đó trong hành động thường liều lĩnh, không sợ nguy hiểm, không sợ vi phạm pháp luật. Lứa tuổi trẻ em rất nhạy cảm với những gì được gọi là mới lạ, khác biệt, không ngại đua đòi bằng cách thể hiện bản thân mình cho “hợp thời đại”. Đây cũng là lứa tuổi thích tụ tập, tò mò với những thú chơi mới.
Bên cạnh nguyên nhân tâm lý, thì việc lơi lỏng quản lý của gia đình cũng khiến các em dễ rơi vào con đường lao lý. Một số trẻ em phải sống trong hoàn cảnh mồ côi hoặc cha mẹ bất hoà, ly thân, ly hôn dẫn đến sự thiếu hụt về mặt tình cảm, phát triển lệch lạc. Các em sẽ dễ bị kẻ xấu lợi dụng và lôi kéo vào con đường phạm tội. Lật lại hồ sơ vụ án của Bàn Văn L (sinh năm 1997, trú tại thôn Mai Hồng 1, xã Tân An, huyện Văn Bàn) đã dùng đá đập chết cháu bé 12 tuổi ở cùng thôn, nhiều người không khỏi thắc mắc “tại sao một cậu bé 15 tuổi lại có thể ra tay giết người một cách man rợ như vậy?”. Và đau lòng hơn khi biết rằng, một phần câu trả lời lại nằm ở chính hoàn cảnh gia đình của cậu bé. L là kết quả của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Bố mẹ bỏ nhau khi L 9 tuổi, bố đi lấy vợ và sống tại địa phương khác. Mẹ L ở nhà làm nghề xay xát nuôi 2 con nhỏ (L có một em trai). Do không được quản lý nên L ham chơi, lười học, lầm lì ít nói, thường xuyên bỏ nhà đi chơi nhiều ngày. Mặc dù được nhà trường thông báo nhiều lần về việc L bỏ học, nhưng mẹ L cũng “làm ngơ”, không giáo dục, chỉ bảo. Ngoài ra, L còn là “sản phẩm” của game bạo lực. Nghiện game khiến cho L không thể kiểm soát được bản thân, kéo theo đó là tình trạng rối loạn tâm, sinh lý, hành động đồi bại, man rợ...
Ở một số trường học, việc quản lý học sinh chưa đảm bảo, chỉ chú trọng đến việc quản lý các em trong thời gian học tập ở trường mà chưa phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm, sinh lý của từng em, qua đó có phương pháp giảng dạy và uốn nắn kịp thời khi các em có những biểu hiện sai trái, lệch lạc. Việc giáo dục đạo đức vẫn bị “coi nhẹ”, nặng về lý thuyết mà không đi sâu giáo dục cho trẻ em về nhân cách, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử…
Trách nhiệm không của riêng ai
Ngăn chặn tình trạng phạm tội ở trẻ vị thành niên là bài toán đặt ra cho các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trước hàng loạt các vụ trọng án do trẻ em gây ra, nhiều người cho rằng, cần tăng nặng khung hình phạt để tăng tính răn đe, đồng thời nghiêm trị những kẻ phạm tội. Tuy nhiên, khung hình phạt để hạn chế trẻ em phạm tội chỉ là cách giải quyết mang nặng tính chất tình thế và đi ngược lại với xu thế của thời đại. Phải làm sao để giúp trẻ tự phòng ngừa, tự nhận thức và làm chủ hành vi mới chính là gốc rễ của vấn đề.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho lứa tuổi thanh, thiếu niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đổi mới, nâng cao chất lượng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật với phương châm “đa dạng, phong phú, linh hoạt, thiết thực và hiệu quả”. Toàn tỉnh đã củng cố và duy trì hoạt động thường xuyên của 60 câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội; câu lạc bộ phòng, chống ma túy - tội phạm; câu lạc bộ gia đình trẻ. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức 30 buổi tuyên truyền cho 15.000 lượt đoàn viên, thanh, thiếu nhi và nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh; cấp phát 1.000 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền; tổ chức 34 buổi nói chuyện, tọa đàm, tuyên truyền tại các phiên chợ vùng cao… góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân. Để tạo sân chơi bổ ích cho thanh, thiếu niên, nhiều hoạt động đã được triển khai, gây hiệu ứng xã hội tích cực, như Chương trình “5 ngày khác biệt - hành trình khám phá bản thân”; “Học kỳ trong quân đội”; “Con đã lớn khôn”… Thành công của các chương trình đã khẳng định vai trò của giáo dục kỹ năng sống trong việc hình thành đạo đức, lối sống của trẻ em.
Với nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm, Phòng PC45, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo công an các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác “Đấu tranh phòng, chống tội xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên” giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền các mô hình điểm về công tác phòng ngừa tội phạm, quản lý trẻ em, trẻ em làm trái và vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư. Trong năm 2014, Phòng PC45 đã tổ chức được 3 buổi tuyên truyền pháp luật về công tác phòng ngừa trẻ em bị xâm hại với chủ đề “Phòng, chống tội phạm mua bán người” tại Trường THPT số 1 TP Lào Cai và Trường PTDT Nội trú tỉnh, với hơn 3.500 giáo viên và học sinh tham gia.
Ngoài ra, 100% trường THPT trên địa bàn tỉnh đã xây dựng câu lạc bộ pháp luật. Tại các buổi sinh hoạt thường kỳ, các câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến học sinh. Bên cạnh đó, các nhà trường thường xuyên liên hệ chặt chẽ với gia đình để thông báo kịp thời kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cũng như các biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống của học sinh để phối hợp giáo dục, quản lý. Về phía gia đình, nơi đầu tiên hình thành nhân cách của trẻ, các bậc phụ huynh cần quan tâm tới sự phát triển tâm, sinh lý và việc học tập của con em mình. Hãy là “người bạn” cùng con chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, từ đó phát hiện, uốn nắn những tư tưởng, hành động sai lệch.
Mọi yếu tố của xã hội đều có ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Vì thế, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội cần sát sao hơn trong mỗi bước đi của con trẻ, để các em bước vào ngưỡng cửa cuộc đời với những gì tốt đẹp nhất.