Chúng tôi đến thôn Na Nhung 1, xã Bản Lầu (Mường Khương) đúng thời điểm thôn họp chuẩn bị cho việc tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sau 2 hồi kẻng của Trưởng thôn Hoàng Thị Hoa, bà con từ các ngõ xóm lần lượt kéo đến Nhà văn hóa thôn.
Chị Hoa cho biết, mình cũng mới được bàn giao quyền gõ chiếc kẻng thôn hơn một năm nay. Trước đó, ông Nông Văn Dùng, Bí thư Chi bộ Na Nhung là người đánh chiếc kẻng này suốt 20 năm qua. Là người sống ở đây từ nhỏ, ông Nông Văn Dùng cũng không nhớ chiếc kẻng thôn có từ bao giờ. Những năm còn hợp tác xã, tiếng kẻng là hiệu lệnh lao động, sản xuất của bà con trong thôn. Trước đây, chiếc kẻng là thanh sắt hình chữ nhật. Khi còn nhỏ, ông nghe nhiều người già trong thôn kể, nó là một phần của cột cờ Pháp dựng ở xã được người dân trong thôn tháo về, sau đó không rõ chiếc kẻng ấy đi đâu, nên được thay bằng chiếc lazăng xe tải.
Năm 1991, sau khi nghỉ công tác ở UBND xã Bản Lầu, ông Dùng về sinh sống tại thôn Na Nhung và được người dân bầu làm trưởng thôn. Cũng từ đó, ông nhận trọng trách đánh kẻng thôn.
Chiếc kẻng đặt ở giữa thôn, trở thành hiệu lệnh báo cho mọi người trong thôn mỗi khi có việc chung. Theo quy ước đã được các hộ trong thôn thông qua, tiếng kẻng có nhiều hiệu lệnh khác nhau. Ba hồi, ba tiếng là thông báo họp triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương. Hai hồi, ba tiếng là thông báo các cuộc họp thường kỳ của thôn. Một hồi, ba tiếng là thông báo tất cả mọi người cùng đi làm các công việc chung như dọn dẹp, vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương chuẩn bị cho vụ mùa mới…
![]() |
Ông Nông Văn Dùng gắn bó với chiếc kẻng thôn suốt 20 năm qua. |
Không chỉ quy ước từng hiệu lệnh khác nhau, người dân trong thôn còn quy định chặt chẽ việc ai là người có quyền đánh kẻng thôn. Theo đó, chỉ có trưởng thôn mới được đánh kẻng để triệu tập người dân khi có việc chung, trưởng thôn đi vắng, nếu có việc đột xuất thì phó thôn kiêm công an viên sẽ được đánh. “Hiệu lệnh kẻng thôn ai cũng thuộc, nên ai cũng biết đánh, nhưng không phải cứ muốn là đánh được” - ông Dùng nói với chúng tôi.
Cũng vì lý do này, mà mỗi cuộc họp bầu trưởng thôn được người dân gọi là một lần chọn người đánh kẻng. Ngoài ra, thôn cũng quy định chỉ những việc quan trọng cần huy động tất cả các hộ dân thì mới được đánh kẻng, còn nếu họp đoàn thể, hay họp chi bộ thì người tổ chức tự thông báo bằng cách khác.
- Sao thôn mình không dùng loa để gọi bà con đi họp? - Tôi hỏi.
- Thôn rộng lắm, loa chỉ gọi được 1, 2 hướng thôi, tiếng kẻng thì cả thôn đều nghe thấy. Hơn nữa, khi có việc gì đột xuất mà lại mất điện thì loa làm sao mà gọi được!
Không chỉ gọi người dân đi họp, chiếc kẻng còn góp phần quan trọng đảm bảo an ninh trật tự trong thôn. Ông Dùng cho biết, trước đây tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp, nhất là tình trạng trộm cắp vặt xảy ra nhiều khiến người dân hoang mang. Trong buổi họp thôn, bà con đưa ra ý kiến dùng tiếng kẻng để báo động khi phát hiện kẻ trộm, để mọi người cùng vây bắt. “Khi ấy, hiệu lệnh từ tiếng kẻng báo động sẽ được đánh liên hồi” - ông Dùng cho biết.
Tiếng kẻng khiến những kẻ có ý định vào thôn làm chuyện xấu chột dạ; khi tình hình an ninh trật tự trong thôn dần ổn định, tiếng kẻng báo động thưa hơn. Đã 10 năm nay, tiếng kẻng báo động chưa phải vang lên lần nào và hiện nay, chủ yếu dùng để báo cho người dân đi họp thôn. “Trước đây, có khi một tuần tôi phải đánh kẻng báo động 3 lần, lâu lắm rồi tôi không phải đánh tiếng kẻng này nữa, bây giờ tự nhiên đánh lên là bà con giật mình đấy” - ông Dùng phân trần khi chúng tôi định đề nghị ông đánh thử một hồi để ghi hình.
Hơn 20 năm giữ tiếng kẻng thôn, ông Nông Văn Dùng hiểu tiếng kẻng không chỉ là hiệu lệnh với người dân trong thôn mà đã trở thành những âm thanh gần gũi, không thể thiếu trong cuộc sống của bà con nơi đây. Cũng vì thế, khi được giao trọng trách này, ông đã làm công việc đó với tất cả trách nhiệm của mình bởi với ông, đây cũng là một vinh dự.