Ngày 20/5, số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 4 đã tăng 2,1%, vượt mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương (BoJ) đề ra và là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 4 đã tăng 2,1%, mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua. |
Theo Chính phủ Nhật Bản, lạm phát tăng cao chủ yếu do giá năng lượng và hàng hóa tăng, gây ra áp lực cho các hộ gia đình. Giá tiêu dùng tăng cao tạo áp lực cho BoJ trong việc tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Chỉ số CPI lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm chi phí năng lượng biến động. Trong đó, xung đột tại Ukraine cũng đẩy giá năng lượng tăng 2,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng nhanh nhất trong một tháng kể từ tháng 3/2015.
Tháng 3/2022, Nhật Bản ghi nhận CPI tăng 0,8% do tác động của việc cắt giảm phí điện thoại di động từ tháng 4 năm ngoái đã kéo CPI chung giảm.
CPI lõi trên toàn quốc đã tăng trong 8 tháng liên tiếp, do giá nhiên liệu tăng cao và đồng yen yếu làm tăng chi phí nhập khẩu năng lượng và các nguyên liệu thô khác.
Việc tăng giá tiêu dùng có thể khiến BoJ đối mặt với khó khăn để duy trì chính sách tiền tệ lỏng. BoJ vẫn duy trì biện pháp kích thích tiền tệ lớn khi tìm cách duy trì lạm phát ổn định ở mức 2% ngay cả khi đồng yen yếu hơn, đẩy giá thực phẩm và năng lượng lên cao và các ngân hàng trung ương lớn khác đang thực hiện việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cắt giảm dự báo tăng tưởng kinh tế của Nhật Bản, đồng thời thúc giục các nhà hoạch định chính sách cân nhắc chuẩn bị kế hoạch đối phó trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đang làm chệch hướng sự phục hồi nền kinh tế vốn mong manh này.
IMF cho biết, trong khi giá hàng hóa tăng có thể đẩy lạm phát leo thang, BoJ cần phải duy trì chính sách siêu lỏng trong thời gian dài để đạt được mục tiêu lạm phát ở mức 2%.
Tổ chức tài chính này cho rằng, trong bối cảnh sự bất ổn đang gia tăng bao gồm đại dịch và xung đột ở Ukraine, các nhà chức trách có thể xem xét về một kế hoạch dự phòng trong trường hợp nền kinh tế phải đối mặt với một cú sốc nghiêm trọng.
IMF dự kiến nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo 3,3% được đưa ra hồi tháng 1 vừa qua do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda mới đây cũng nhấn mạnh căng thẳng leo thang tại Ukraine là một rủi ro mới đối với dự báo của Ngân hàng Trung ương về triển vọng phục hồi nền kinh tế. Ông Haruhiko Kuroda cho rằng: “Căng thẳng leo thang tại Ukraine đã làm tăng giá nhiên liệu và hàng hóa, điều này có thể có những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng toàn cầu và Nhật Bản không phải ngoại lệ”./.