Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ (ICG) đã ra tuyên bố chính thức hôm 24/12 về việc này.
Hỏa hoạn bùng phát trên tàu Chem Pluto sau khi UAV đánh trúng phương tiện, đám cháy sau đó được dập tắt. Không có thương vong trong vụ tập kích. Theo hãng tư vấn an ninh hàng hải Ambrey có trụ sở tại Anh, vụ tập kích khiến kết cấu tàu Chem Pluto bị hư hại và nước tràn vào bên trong.
Thông tin từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ấn Độ xác nhận, vụ hỏa hoạn đã được dập tắt ngay sau đó. Hiện tàu và các thủy thủ đã được đảm bảo an toàn.
Tàu chở hóa chất Chem Pluto sau vụ tập kích vào ngày 23/12.
Các quan chức địa phương cho biết, Hải quân Ấn Độ đã mở cuộc điều tra xem liệu thiết bị bay không người lái (UAV) được dùng để thực hiện vụ tấn công tàu nói trên được phóng từ xa hay từ một tàu gần đó.
Tàu chiến INS Mormugao của Hải quân Ấn Độ đã tiếp cận được tàu chở hàng MV Chem Pluto và đã xác định được một số chi tiết chắc chắn trong vụ tấn công. Tàu ICG Vikram của ICG đang hộ tống tàu MV Chem Pluto về bờ và dự kiến 2 tàu sẽ cập cảng Mumbai trong ngày 25/12.
Trước đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc thông tin, tàu MV Chem Pluto chở hóa chất mang cờ Liberia, do Nhật Bản sở hữu và do Hà Lan vận hành, đã bị một UAV tấn công ở Ấn Độ Dương, cách bờ biển Ấn Độ khoảng 200 hải lý.
"Tàu chở hóa chất Chem Pluto treo cờ Liberia, thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản và do doanh nghiệp Hà Lan vận hành, bị máy bay không người lái (UAV) tự sát phóng từ Iran tấn công trên Ấn Độ Dương, cách bờ biển Ấn Độ 200 hải lý (khoảng 370 km)", phát ngôn viên Lầu Năm Góc vào ngày 23/12 tuyên bố.
Iran chưa bình luận về thông tin của Mỹ. Hiện chưa có bên nào nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công tàu Chem Pluto.
Tàu MV Chem Pluto được biết đang vận chuyển dầu thô từ Saudi Arabia đến Ấn Độ.
Vụ tấn công tàu nói trên diễn ra trong bối cảnh nhiều tàu hàng đi qua Biển Đỏ bị lực lượng Houthi tại Yemen tập kích bằng UAV và tên lửa. Theo Lầu Năm Góc, Houthi đã thực hiện ít nhất 100 vụ tấn công vào 10 tàu hàng trong khu vực. Loạt vụ tập kích khiến Mỹ lập lực lượng hải quân chuyên trách với hơn 20 nước tham gia để bảo vệ các tàu hàng.