Các chuyên gia cho rằng ông Donald Trump đang quá ưu tiên giải quyết vấn đề Triều Tiên mà xao lãng phần còn lại của châu Á.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đều đã có những chuyến công du châu Á trong vòng chưa đầy 100 ngày cầm quyền của Tổng thống Donald Trump nhưng giới phân tích vẫn cho rằng Mỹ thiếu một chiến lược rõ ràng và chặt chẽ đối với cả khu vực này.
Vấn đề Triều Tiên bao trùm cuộc gặp giữa Tổng thống Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hồi đầu tháng 4. |
Một “đại liên minh” chống Triều Tiên?
Các quan chức Mỹ ngày 30/4 cho biết ông Trump đã điện đàm với Thủ tướng Thái Lan và Thủ tướng Singapore về mối đe dọa của chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên và “thảo luận việc duy trì sức ép ngoại giao, kinh tế đối với Triều Tiên”.
Các cuộc điện đàm cho các nguyên thủ quốc gia ở châu Á, bao gồm cả Tổng thống Philippines, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử tên lửa nữa, dù thất bại nhưng vẫn bị lên án gay gắt.
“Chúng tôi cần sự hợp tác ở một mức độ nào đó với càng nhiều đối tác trong khu vực này càng tốt để đảm bảo rằng chúng tôi đã sẵn sàng” - Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus phát biểu trên đài ABC ngày 30/4. "Vì vậy, nếu có gì đó xảy ra tại Triều Tiên thì chúng tôi đã có được sự ủng hộ của mọi người trong kế hoạch hành động có thể phải cần đến tất cả các đối tác của chúng tôi trong khu vực."
Adam M. Smith, một chuyên gia về các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ thời ông Obama, cho biết bài học từ việc hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran cho thấy, áp lực từ việc hợp tác đa phương bao giờ cũng hiệu quả hơn.
"Tôi nghĩ việc Mỹ cố gắng mở rộng mạng lưới đồng minh thì tốt hơn là việc chỉ dựa vào Bắc Kinh. Đây có thể là một sự khởi đầu tốt về đa phương hóa", ông Smith nêu rõ.
Trung Quốc vẫn là “át chủ bài”
Ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 4, ông Trump từng lớn tiếng tuyên bố Mỹ có thể tự giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không cần có Trung Quốc.
Tuy nhiên, dường như ông Trump vẫn “đặt cược” rất lớn vào mối quan hệ tốt đẹp mới nhen nhóm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này cũng dễ hiểu khi xét tới sức ảnh hưởng rất lớn của Trung Quốc đối với Triều Tiên.
Trong một phỏng vấn đài CBS phát ngày 30/4, Tổng thống Trump cho biết ông chẳng vui vẻ gì nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân và ông tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như vậy.
Chính quyền của Tổng thống Trump có thể đang giành thắng lợi trong “cuộc chiến giành tình cảm” (charm offensive) từ Trung Quốc để cùng nhau hành động chống lại Triều Tiên nhưng Washington có thể thua trong một cuộc chiến lớn hơn, đó là việc giành ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Mê Trung Quốc, ông Trump quên đồng minh
Tổng thống Trump đã gây “sốc” cho Hàn Quốc khi tuần trước tuyên bố Seoul có thể phải chi trả 1 tỷ USD cho Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ chuẩn bị triển khai ở đây.
Lập luận của ông Trump là THAAD được triển khai để bảo vệ Hàn Quốc trước nguy cơ tấn công từ Triều Tiên nhưng Seoul không ngần ngại bác yêu cầu chi trả đó.
Bởi họ hiểu rõ hệ thống phòng thủ tên lửa này còn quan trọng hơn với Washington. Nó không chỉ là lá chắn đầu tiên của Mỹ trước nguy cơ tấn công từ Triều Tiên mà còn là sự hiện diện quân sự chiến lược của Mỹ ở Đông Bắc Á. Dường như ông Trump phải lùi bước khi Cố vấn an ninh quốc gia hai nước Mỹ và Hàn Quốc hôm 30/4 tái khẳng định không có sự thay đổi trong thỏa thuận về việc triển khai THAAD.
Câu chuyện này làm dư luận nhớ tới việc ông Trump, khi mới đắc cử, đã cho rằng các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc không chi trả khoản tiền “đáng nhẽ họ nên chi” để duy trì an ninh mà đặt toàn bộ gánh nặng quốc phòng lên vai Mỹ.
Quên phần còn lại của châu Á?
Trong một bài báo gần đây trên tờ Washington Post dẫn lời các quan chức cấp cao của Nhật Bản kêu gọi Nhà Trắng không chỉ làm rõ chính sách ngắn hạn với Triều Tiên mà còn là chính sách dài hạn với Trung Quốc.
Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh những cánh tay từ Bắc Kinh đang “thọc” sâu xuống Biển Đông khiến các nước láng giềng trong khu vực quan ngại sâu sắc.
Bản thân ông Trump trong chiến dịch tranh cử và những ngày đầu nhiệm kỳ cũng từng mạnh bạo chỉ trích Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Thế nhưng tình hình giờ đây dường như thay đổi.
“Trung Quốc đang rất hoan hỉ vì vấn đề này giờ đang nằm ngoài radar quan sát”, Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án về Sức mạnh Trung Hoa tại Trung Tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) chia sẻ với Business Insider về vấn đề Biển Đông.
“Quan điểm của tôi là thực sự cần có một chiến lược khu vực mà Triều Tiên phải là một phần trong đó”, bà Glaser nêu rõ.
“Khi bạn tiếp cận Trung Quốc, đó là một ý tưởng tốt vì cần phải đặt ra những ưu tiên. Nhưng nếu bạn ném 5 vấn đề khác nhau vào họ và bạn chẳng nói rõ cái nào mới là ưu tiên thì khó có khả năng bạn nhận được bất cứ sự hồi đáp nào”, bà Glaser nói.
Tham vọng của Tổng thống Donald Trump với châu Á là rất lớn. Ông muốn tái cấu trúc quan hệ Mỹ - châu Á. Nhưng chuyên gia Bonnie Glaser chỉ ra rằng chính quyền của ông chưa có bất cứ động thái bào xem xét lại chính sách với khu vực này.
Trong chiến dịch tự do đi lại trên Biển Đông (FONOP), tàu của Hải quân Mỹ sẽ “lượn lờ” quanh các đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và Mỹ vẫn dùng cách này để khẳng định sự hiện diện của họ ở Biển Đông cũng như trấn an các đồng minh của Washington trong khu vực.
“Một số người nói [những yêu cầu về chiến dịch nói trên] đang nằm trên bàn của [Bộ trưởng Quốc phòng] Mattis, vài người lại bảo chúng đang ở Hội đồng An ninh Quốc gia”, bà Glaser chia sẻ. Dù ở đâu giữa tầng tầng lớp lớp các cơ quan quân sự của Mỹ thì một chiến lược rộng lớn về châu Á của Tổng thống Trump vẫn là một ẩn số.
Trong khi đó, niềm tin vào Mỹ của các đồng minh ở Thái Bình Dương đang xói mòn trông thấy. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây phát biểu:“Chúng ta không thể ngăn Trung Quốc làm điều này” khi nói về hoạt động của Trung Quốc xây dựng, bối đắp các đảo ở Biển Đông, bất chấp việc Philippines đã tiến hành một vụ kiện Trung Quốc liên quan tới vấn đề này tại Tòa Trọng tài thường trực quốc tế ở La Haye (Hà Lan).
“Đến người Mỹ cũng không thể ngăn được họ làm chuyện đó”, ông Duterte nói. “Các bạn muốn tôi phải làm gì? Tuyên chiến với Trung Quốc ư? Tôi không thể, chúng ta sẽ không hy sinh toàn bộ quân đội và cảnh sát trong nay mai”.
Vì thế, theo chuyên gia Bonnie Glaser, trong khi Tổng thống Trump thể hiện rằn ông sẵn sàng điều động binh lực áp sát Triều Tiên, Mỹ vẫn cần khả năng “đối phó với nhiều điểm nóng cùng một lúc”./.