LCĐT - Trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước. Do đó, để trẻ em được sống và phát triển trong môi trường lành mạnh, an toàn thì cần sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc cũng như chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Bảo Yên liên tiếp xảy ra 2 vụ xâm hại gây hoang mang dư luận mà nạn nhân là trẻ em. Theo đó, ngày 21/4, người dân ở bản Thâu 3 thuộc xã Xuân Thượng không khỏi bàng hoàng khi nghe tin đối tượng Bàn Văn Thắng (sinh năm 1988) dùng lá ngón để đầu độc 3 người con của mình. Vụ việc khiến 1 cháu nhỏ 5 tuổi tử vong, 2 cháu (7 tuổi và 4 tuổi) phải nhập viện cấp cứu. Sau đó 1 ngày, tại Trường THCS số 2 xã Thượng Hà lại xảy ra vụ việc thầy giáo dạy môn Toán - Tin học bị tố hiếp dâm 1 học sinh lớp 8 (13 tuổi) của trường mang thai 2 tháng. Vụ việc đã được Công an huyện Bảo Yên điều tra và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Những thủ phạm gây ra 2 vụ việc trên chắc chắn sẽ đối diện những hình phạt thích đáng trước pháp luật, tuy nhiên hậu quả để lại rất lớn đối với tương lai của các nạn nhân là các em nhỏ.
![]() |
Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. |
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 230.000 trẻ em (chiếm 32% dân số toàn tỉnh), trong đó có gần 149.000 trẻ em là người dân tộc thiểu số, hơn 50.000 trẻ em nghèo, hơn 10.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo các cơ quan chức năng, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt thuộc nhóm có nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại, đồng thời còn có nguy cơ bị bỏ rơi, mồ côi, không nơi nương tựa, bị tai nạn thương tích…
Trên thực tế, không chỉ có nguy cơ bị bạo hành thương tâm trong chính gia đình của mình, còn rất nhiều trẻ em có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực tại trường học và ngoài xã hội với các hành vi bạo hành về thể chất, tinh thần và xâm hại tình dục. Đặc biệt, đáng báo động nhất là các vụ bạo lực, xâm hại đã và đang xảy ra tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông. Nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành không được phát hiện hoặc có được phát hiện song những người chứng kiến coi đó là hành vi bình thường.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), hầu hết nguyên nhân xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em là do nhận thức của gia đình về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn hạn chế. Vẫn còn một số cha mẹ tự cho mình quyền được hành hạ, đánh đập cả về thể xác lẫn tinh thần mỗi khi con em mình phạm lỗi. Nhiều trẻ trở thành nạn nhân của những cơn trút giận từ bố mẹ sau những áp lực của cuộc sống, nạn cờ bạc, rượu chè… Bên cạnh đó, nhận thức của người dân còn chưa đúng, chưa đủ về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Với mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng thụ sự phát triển một cách bình đẳng, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, vận dụng các chính sách cho trẻ em, trong đó đặc biệt quan tâm làm tốt các chính sách cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội… Đồng thời, tỉnh tích cực huy động xã hội hóa, vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em để hỗ trợ hàng nghìn trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nhu cầu cần được chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ học tập của trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh là rất lớn và quan trọng.
Để từng bước hạn chế nạn bạo lực, xâm hại trẻ em, cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong chỉ đạo, quản lý và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phát động phong trào toàn dân tham gia chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, triển khai các hoạt động mùa hè an toàn cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được sống, học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh, không bạo lực, không bị xâm hại.