Người Hà Nhì tạ ơn thần rừng

LCĐT - Nghi lễ tạ ơn thần rừng “Gạ Ma Do” không chỉ nhắc nhở các thế hệ người Hà Nhì trong thôn, bản cần có ý thức bảo vệ khu rừng thiêng, là nơi không được xâm phạm mà còn là dịp để dân bản được thể hiện ước nguyện trước các vị thần linh về cuộc sống yên bình cho cả năm.

Người Hà Nhì ở Lào Cai thuộc nhóm Hà Nhì đen, với hơn 4.000 người, cư trú tập trung ở các xã Nậm Pung, Y Tý, A Lù, A Mú Sung, Trịnh Tường (Bát Xát) còn bảo tồn được nhiều nghi lễ truyền thống, trong đó có nghi lễ tạ ơn rừng thiêng “Gạ Ma Do”. Đây là nghi lễ lớn và quan trọng nhất trong năm của người Hà Nhì.

Người Hà Nhì tạ ơn thần rừng ảnh 1
Nghi lễ tạ ơn thần linh (Dứ dò dò) của người Hà Nhì đen.

“Gạ Ma Do” có nghĩa là khu rừng thiêng, nơi ngự của các thần linh tốt, luôn bảo vệ thôn, bản tránh được cái xấu, đuổi đi con ma ác làm hại dân bản. Đây là khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt bằng các quy định trong hương ước của thôn, bản. Người Hà Nhì luôn quan niệm thôn, bản có bình yên, con người có mạnh khỏe, vật nuôi có sinh sôi phát triển, cây trồng có tươi tốt phụ thuộc rất nhiều vào khu rừng thiêng này, nếu vi phạm đến sự tôn nghiêm của khu rừng sẽ bị thần linh trừng phạt. Do đó, để cầu cho dân bản được bình yên, phát triển thì hằng năm đều phải chuẩn bị tổ chức nghi lễ cúng “Gạ Ma Do” thật chu đáo, mọi người đến phải thành tâm, tuân thủ đúng những quy định từ cha ông để lại.

Theo tập quán của người Hà Nhì ở Lào Cai, trước ngày diễn ra Lễ cúng “Gạ Ma Do” phải tổ chức nghi lễ cấm bản “Ga Tu Tu”. Lễ cấm bản được tổ chức tôn nghiêm. Họ cho rằng làm như vậy sẽ cấm được các loại ma xấu vào làm hại dân bản, nếu là người bản khác, người ở nơi xa đến thì không được vào bản, bởi vào bản thì con ma xấu sẽ theo vào. Nếu ai cố tình vào sẽ bị cả bản “phạt vạ”.

Để chuẩn bị cho nghi lễ rước nước về làm lễ cúng “Gạ Ma Do”, đại diện các gia đình trong bản sẽ mang lễ vật là 1 đôi gà, kẹp xôi màu vàng, rượu, hương… ra đầu nguồn nước của bản để làm lễ tạ ơn thần nước. Nghi lễ này nhằm tạ ơn thần nước đã cung cấp nước sinh hoạt và trồng cấy trong suốt một năm qua, cầu mong năm mới nước vẫn cứ đầy và chảy mãi không cạn trong thôn, bản. Sau nghi lễ này, những người phục vụ sẽ lấy ống bương xin nước thần về làm lễ cúng “Gạ Ma Do”.

Buổi chiều cùng ngày, đại diện các gia đình được phép tham gia theo quy định sẽ tập trung tại nhà trưởng bản hoặc thầy cúng chính để mang lễ vật lên rừng thiêng. Hai ông “Khư dù” sẽ cùng dân bản dắt 1 con lợn, 1 con gà trống cùng các loại lễ vật khác lên rừng thiêng. Hai ông thầy cúng “gạ ma guy” sẽ gùi lên rừng thiêng các vật dụng phục vụ việc cúng thần linh. Theo quan niệm của người Hà Nhì, thần rừng cũng có đôi, cũng có rừng chồng “Gạ ma à gư” và rừng vợ “Gạ ma à guy”. Tuy nhiên, trong nghi lễ cúng rừng “Gạ Ma Do” này, họ chỉ thực hiện ở khu vực thờ rừng chồng, đây là nơi thờ chính các vị thần cai quản tất cả hoạt động của thôn, bản. Hai ông thầy cúng “gạ ma guy” sẽ thỉnh cầu các vị thần linh về bảo vệ cho cuộc sống của dân bản được bình an, mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển, mưa thuận gió hòa, xua đi cái xấu, những rủi ro, những điều dữ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của dân bản.

Trong mỗi thôn, bản người Hà Nhì đen ở Bát Xát đều có các khu rừng cấm, nguồn nước thiêng bao bọc, chở che. Rừng thiêng “Gạ Ma Do” luôn được coi là khu rừng quan trọng nhất, luôn nằm ở vị trí cao hơn thôn, bản. Từ trên rừng thiêng này, các vị thần có thể quan sát được hết các hoạt động của mọi người để bảo vệ thôn, bản được tốt hơn. Nơi đặt bàn thờ cũng phải là nơi trung tâm của khu rừng, luôn được các loại cây cổ thụ bao quanh, tỏa bóng mát cho khu vực thờ thần. Ở nơi thờ này, người dân sẽ chọn một gốc cây to hoặc giữa chỗ trống để cùng lấy những phiến đá lớn, bằng phẳng kê đặt thành một bàn thờ lớn với đầy đủ cả lưng ghế và hai tay ghế.

Khi thực hành nghi lễ, lễ vật dâng cúng thường bao gồm: Một con lợn đực màu đen, 1 đôi con gà, 1 kẹp xôi màu vàng có quả trứng già luộc chín ở giữa, 1 ống rượu nếp ủ sống không qua chưng cất được đựng trong ống tre cũ kỹ, 1 ống hút rượu bằng cành trúc nhỏ, 1 ống nước được lấy từ nguồn nước thiêng, 1 đôi thớt gỗ và 9 cái bát sứ, 2 đôi đũa. Trong đó, đôi thớt gỗ được sử dụng với 2 mục đích, 1 chiếc dùng để thái thịt gà, lợn; 1 chiếc được sử dụng như một chiếc mâm, khi sắp lễ vật 9 cái bát được đặt trên mâm gỗ này. Những dụng cụ trên đều là đồ vật chung của thôn, bản, được làm ra từ khi lập bản và được lưu truyền từ đời này sang đời khác, mỗi năm chỉ được mang ra làm lễ cúng thần 3 lần gồm: Lễ cúng nguồn nước “lú khù sụ”, lễ cúng rừng thiêng “Gạ Ma Do” và lễ hội Khô già già. Sau khi tổ chức xong nghi lễ, toàn bộ dụng cụ này được hai ông thầy “gạ ma guy” mang ra nguồn nước thiêng rửa sạch và mang về nhà ông thầy chính bảo quản trên sàn gác.

Trưa ngày Thìn, khi lễ vật được mang lên tới rừng, mọi người sẽ bỏ hết giày dép ở bên ngoài rừng, sau đó cùng vào và chia nhau đi làm lễ. Hai ông thầy thắp một bó hương và xin thần linh được dọn dẹp nơi tổ chức cúng thần. Khi các lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu, hai ông thầy sẽ làm lễ. Hai ông phải làm lễ 3 lần, mỗi lần 3 cái và sau mỗi lần lễ sẽ lại tiếp lễ vật lên bàn 1 lần. Sau lần làm lễ cuối cùng, tất cả những người tham dự sẽ đến trước bàn thờ thần linh quỳ lạy 1 lạy nhằm cầu mong thần linh phù hộ, che chở. Khi mọi việc đã xong, lễ vật được hạ xuống và chia đều cho mọi người cùng hưởng lộc ban của thánh thần. Cuối cùng sẽ là bữa ăn đoàn kết của tất cả mọi người, nhưng riêng hai ông “Gạ ma guy” ngồi một mâm riêng trước bàn thờ thần linh. Mọi lễ vật phải được ăn hết, không được mang thức ăn thừa về thôn, bản. Sau khi kết thúc, mọi thứ vương vãi trên bãi ngồi được mọi người thu dọn vào trong hố đã có từ trước để không làm ô uế đến thần linh. Phiến đá được đặt lên trên, sau 3 ngày, 2 ông thầy cúng ra xem lại phiến đá đậy trên hố có xê dịch không để biết được năm ấy dân bản yên ổn hay không.

Theo phong tục của người Hà Nhì, trước và sau lễ cúng “Gạ Ma Do” 2 ngày, vào ngày Ngọ, người Hà Nhì tổ chức lễ “Dứ dò dò” tại nhà thầy cúng chính để làm lễ tạ ơn thần rừng và cảm ơn thầy cúng. Đây là lễ cúng có sự tham gia đông đủ nhất gồm trẻ con, người lớn, người già, kể cả người nơi khác tới cũng có thể tham gia.

Lễ cúng “Gạ Ma Do” của người Hà Nhì ở Lào Cai là nghi lễ lớn nhất trong năm, mang giá trị giáo dục sâu sắc, không chỉ là môi trường giữ gìn bản sắc văn hóa của tộc người, mà còn tạo sự cố kết bền chặt của cộng đồng, thể hiện sự tôn thờ các vị thần nước, thần rừng với ước nguyện về cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sáng trong một người thầy

Sáng trong một người thầy

Tôi biết ơn thầy nhiều lắm, sau cha tôi là thầy, cha sinh ra tôi nhưng thầy là người dưỡng dục. Nếu không có thầy làm sao tôi có được như ngày hôm nay, từ đứa bé nhà quê chân lấm tay bùn, “đầu tắt mặt tối” quanh năm... được học đại học rồi trở về cống hiến cho quê hương!

Sức lan tỏa từ lời kêu gọi của Mặt trận

Sức lan tỏa từ lời kêu gọi của Mặt trận

Kế thừa truyền thống vẻ vang trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm qua (18/11/1930 - 18/11/2024), với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nét đẹp văn hóa Việt Nam qua múa rối nước dưới góc nhìn của truyền thông Trung Quốc

Nét đẹp văn hóa Việt Nam qua múa rối nước dưới góc nhìn của truyền thông Trung Quốc

Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024

Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024

Tối 16/11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), lễ khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024 đã chính thức diễn ra. Đây là sự kiện thường niên, hướng tới việc tôn vinh truyền thống đại đoàn kết dân tộc và di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em.

Nghề làm mã ở Bảo Hà

Nghề làm mã ở Bảo Hà

Cầm tinh tuổi Ngọ, như lời ông nói đó cũng là nhân duyên khi ông được coi là người đầu tiên đưa nghề làm mã về đất Bảo Hà. Năm nay đã gần 60 tuổi, ông Trần Văn Nghị ở bản Bảo Vinh, xã Bảo Hà (Bảo Yên) hào hứng nhớ lại câu chuyện của 24 năm về trước, ông khăn gói về Yên Bái học nghề đan và làm mã.

Thưởng trà, ngắm tranh - sức hút mới từ thú vui tao nhã

Thưởng trà, ngắm tranh - sức hút mới từ thú vui tao nhã

Văn hóa thưởng trà của người Việt vốn ấm cúng, gần gũi và mộc mạc. Trải qua thời gian, văn hóa ấy không ngừng được bổ sung những giá trị mới. Trong đó, có thể tới nhiều mô hình: thưởng trà nghe nhạc, thưởng trà mạn đàm, thưởng trà vịnh thơ... và thời gian gần đây còn là "trà - tranh"một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống

Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống

Thành phố Lào Cai là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống văn hóa. Sự đa sắc màu của tộc người, với những lễ hội độc đáo, nét văn hóa riêng biệt đã làm nên bức tranh văn hóa đầy màu sắc của thành phố biên cương. Để tiếp nối mạch nguồn lặng lẽ chảy suốt ngàn năm, thành phố Lào Cai đã và đang bảo tồn, phát huy các giá trị để văn hóa thực sự là nền tảng, là trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển.

fbytzltw