Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, tọa đàm là sự kiện để các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, những nhà quản lý đô thị và di sản thảo luận về các thiết kế, sắp đặt các pavilion, sắp đặt không gian nghệ thuật; những bài học thực tế về việc đưa di sản văn hóa tham gia trực tiếp vào các hoạt động sáng tạo trong thành phố, những giá trị truyền thống Việt Nam của di sản văn hoá tham gia vào sự sáng tạo của đô thị.
Sáng tạo “đánh thức” di sản kiến trúc
Hà Nội với vị thế trung tâm đất nước hơn một thiên niên kỷ, mang trong mình quá nhiều di sản, trong đó những công trình kiến trúc là khối di sản làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị. Đặc biệt, các công trình trên trục phố Lý Thái Tổ - Tràng Tiền - Lê Thánh Tông, trục chính của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024, có ý nghĩa đặt nền móng cho một Hà Nội mang hình thái hiện đại, trải từ cuối thế kỷ XIX đến nửa sau thế kỷ XX. Và các hoạt động sáng tạo tại Lễ hội này có thể nói đã góp phần “đánh thức”, tạo ra một cơ hội để người dân được tiếp cận gần hơn các di sản kiến trúc đặc sắc như: Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ -12 Ngô Quyền), Tòa nhà Viện Đại học Đông Dương (nay là Đại học Tổng hợp - số 19 Lê Thánh Tông)…
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ: “Có lẽ sống quá lâu với Hà Nội chúng ta sẽ “chai lì” với những gì Hà Nội có nhưng phải nói Hà Nội là thành phố “lạm phát” sự đặc sắc. Lễ hội đã “đánh thức” để chúng ta không thờ ơ với thành phố mình đang sống. Tôi rất trân trọng sự dũng cảm của các KTS, các nghệ sĩ với những tác phẩm ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để làm sống lại những di sản”.
KTS Nguyễn Hồng Quang cũng nhận định: “Lễ hội là một không gian thú vị để nhiều đối tượng hưởng lợi đặc biệt là cộng đồng sáng tạo. Chúng ta có không gian để khoe được tác phẩm của mình, để liên ngành, đưa ra những sáng tạo mới mẻ hơn. Mỗi tác phẩm giống như một lối vào để công chúng được tiếp cận với những viên ngọc quý - đó là các di sản kiến trúc”.
Và câu hỏi về sáng tạo bền vững
Bên cạnh việc đánh giá vai trò của di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo, các chuyên gia cũng đặt ra những câu hỏi đầy trăn trở về tính bền vững của các sáng tạo đang được tạo ra trong lòng các di sản kiến trúc.
KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: “Công nghiệp sáng tạo đang trở thành động lực, nhân tố chính trong phát triển kinh tế xã hội Thủ đô. Trải qua 4 kỳ lễ hội và chúng tôi nhận thấy di sản văn hóa luôn luôn được quan tâm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Làm sao để việc phát huy di sản có tính chiến lược? Làm sao để sau 1 tuần lễ hội chúng ta không phải “đóng gói” tác phẩm rồi không biết cất đâu? Làm sao để có một kịch bản đồng bộ có khả năng kết nối các năm, năm nay kế thừa cho năm sau?”.
Theo KTS Nguyễn Hồng Quang, rút kinh nghiệm của những Lễ hội trước, năm nay Ban tổ chức đã dành một khoảng thời gian dài để nghiên cứu làm sao có được những tác phẩm có tính bền vững. Các pavilion năm nay được làm tiết chếhơn, đặt để trong những không gian ổn định, có thể tiếp cận người xem lâu hơn chẳng hạn như tại sân Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… Còn theo giám tuyển Vân Đỗ, với những công trình đã “ngủ quên” như Cung thiếu nhi Hà Nội, nơi tổ chức khoảng 40 hoạt động dịp này, có những tác phẩm chỉ mang tính thời điểm, cũng có những tác phẩm sẽ được để lại làm sân chơi cho thiếu nhi sau lễ hội. “Làm thế nào để sự đầu tư của các bên liên quan vào di sản này để lại tác động lâu dài hơn là một trăn trở. Chúng tôi cố gắng khích lệ một không gian đang ngủ quên với hy vọng có thể là nơi nuôi dưỡng sáng tạo không chỉ cho thiếu nhi mà cả cho người lớn”, giám tuyển Vân Đỗ chia sẻ.
Từ kinh nghiệm làm sống lại nhiều di sản kiến trúc trên địa bàn, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm cho rằng cần phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị trong việc vận hành, khai thác các tác phẩm sau lễ hội. Ông cũng hy vọng, với việc Luật Thủ đô được thông qua, sẽ mở ra nhiều hướng trong hợp tác, khai thác sử dụng hiệu quả các không gian di sản, cũng như những tác phẩm độc đáo sau khi Lễ hội kết thúc.