Cơ quan kỹ thuật vũ trụ Trung Quốc thông báo mảnh tên lửa Trường Chinh 5B mất kiểm soát đã trở lại bầu khí quyển của Trái đất trên bầu trời Ấn Độ Dương và bốc cháy.
Mảnh rác không gian này là lõi CZ-5B của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B được sử dụng hôm 29/4 để phóng module Thiên Hà, module lõi đầu tiên cho trạm vũ trụ mới của Trung Quốc định xây dựng trên không gian.
Trước đó, các ước tính ban đầu từ Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc (CMSE) đã đặt mục tiêu trở lại của CZ-5B ở Đông Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, CMSE cho biết tên lửa đã quay về 10h24 sáng 9/5 (giờ Bắc Kinh) và rơi xuống vùng biển rộng khoảng 72,47 kinh độ Đông và 2,65 vĩ độ Bắc. Đa phần đã bị cháy rụi khi trở lại bầu khí quyển, vì Trường Chinh lao xuống với vận tốc trung bình 8km/s.
Một tuyên bố trước đó từ cùng cơ quan này cho biết, mảnh vỡ quay trở về ở 34,43 độ vĩ bắc và 28,38 độ kinh đông, phía trên Biển Địa Trung Hải, cách bờ biển phía nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 200km.
Vài phút trước khi tuyên bố xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, các nhân chứng cho biết đã quan sát thấy một vật thể sáng xuất hiện trên bầu trời đêm ở Trung Đông, với các thông tin và video nổi lên ở các quốc gia như Jordan và Oman.
Theo những người theo dõi trực tuyến, sau cú bay ngoạn mục, tên lửa hướng qua Ấn Độ Dương và bay qua Perth, Australia.
Việc hạ cánh mất kiểm soát của lõi tên lửa đẩy dài 30m, nặng hơn 22 tấn, đã khiến giới truyền thông trên toàn thế giới xôn xao trong nhiều ngày, vì không ai có thể đoán được nó có thể rơi xuống địa điểm nào và liệu có gây thiệt hại nếu rơi vào khu dân cư.
Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định tên lửa được làm từ vật liệu được thiết kế bốc cháy sau khi trở lại trái đất nên “Mối đe dọa đối với hàng không và các vật thể trên mặt đất là cực kỳ thấp”.