LCĐT - Men theo ký ức về Dền Thàng, thôn cao, xa xôi và cách trở nhất của xã Tả Van (thị xã Sa Pa), chúng tôi ngược dốc trong một ngày cuối xuân. Định chuẩn bị cho một chuyến đi đầy nhọc nhằn với gần 21 km đường dốc núi trơn trượt, lổn nhổn đá cuội, vậy nhưng từ trong bát ngát cây rừng, con đường bê tông rộng dài như sợi chỉ trắng vắt ngang những đỉnh núi xếp tầng, cung đường đẹp như mơ. Thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống giờ nhộn nhịp ô tô, xe máy vào ra, hàng hóa ngược xuôi, sự trù phú, sinh sôi hiển hiện trên mảnh đất non cao.
![]() |
Tả Van trù phú dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn. Ảnh: Ngọc Bằng |
Bên dòng suối ngọt
Lâu nay, đến Tả Van, nói đường đến thôn Séo Mý Tỷ, người phương xa không khỏi rùng mình bởi sự gian khó, nhưng ít ai biết, vượt qua Séo Mý Tỷ gần 6 km mới là Dền Thàng. Nằm cách trung tâm xã hơn 20 km đường khó, lại nằm cheo leo trên dãy Hoàng Liên, ẩn sâu trong rừng già, biệt lập với các thôn khác, nên đến Dền Thàng dễ cho ta cảm giác như đến một ốc đảo.
Trời mưa mù nên tiết trời hôm nay lạnh giá như mùa đông của vùng thấp. Ngồi bên bếp lửa đượm than hồng của ngôi nhà ngay trung tâm thôn, ông Hầu A Bâu, người có uy tín của bản đưa tôi bát nước đun từ lá cây rừng thơm phức. Giọng ông Bâu chầm chậm như đưa tôi về thế giới cổ tích. Theo câu chuyện xa xưa kể lại, trước đây, Dền Thàng là chốn thâm sơn, người và muông thú sống gần nhau. Trong mấy dòng suối chảy quanh thôn có dòng suối nhỏ chảy từ khe đá ra, nước trong vắt, chim chóc, hươu, nai thường về đây uống nước. Thấy dòng suối lành, người dân cũng lấy thân cây làm ống đưa nước về nhà sử dụng và đặt tên là Dềnh Thàng (dòng nước ngọt). Tên thôn được đặt theo dòng suối và gọi chệch đi thành Dền Thàng.
Bản Mông nằm lọt thỏm trong khu rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Cuộc sống chật vật quẩn quanh với cây lúa, cây ngô 1 vụ giống địa phương năng suất thấp, nên người dân nơi đây chủ yếu mưu sinh từ rừng. Rừng trở thành “cứu cánh” đối với họ. Cũng vì thế, từ năm 1996 trở về trước, rừng Dền Thàng bị xâm hại khá nhiều, động vật hoang dã thưa vắng dần, tình trạng đốt rừng làm nương gây ra những vụ cháy rừng.
Anh Vàng Văn Phui, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tả Van, người bạn đường của tôi hòa chung câu chuyện: Trước tình hình đó, lực lượng kiểm lâm, UBND xã kêu gọi người dân phát huy ý thức bảo vệ và phát triển rừng. Một trong những hoạt động được đặc biệt chú trọng là phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng và thôn, bản tự quản để tuyên truyền, vận động, xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời, tìm hướng phát triển kinh tế mới cho bà con bằng việc đưa một số giống cây, loại mới vào sản xuất, đây là hướng “lấy ngắn nuôi dài” cho rừng được giữ vững.
Nhờ định hướng đó, Dền Thàng là một trong những thôn đầu tiên của xã xây dựng tổ bảo vệ rừng, tự xây dựng quy định về việc bảo vệ rừng với 15 thành viên. Các thành viên trong tổ bảo vệ đều là thanh niên, có sức khỏe, đảm trách tốt công việc bảo vệ phần đất rừng nhận khoán và đất rừng của chính các hộ trong thôn. Công việc đầu tiên của họ là vận động mọi người trong gia đình mình không chặt phá cây rừng hoặc đốt rừng làm nương, đồng thời tích cực phủ xanh những diện tích đất còn hoang hóa. Nhưng nhiệm vụ nặng nề hơn cả là kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành động phá rừng của kẻ xấu. Để có màu xanh ngút ngàn như hôm nay, tổ bảo vệ rừng chia làm 3 đội canh giữ các cửa rừng. Không kể ngày nắng, mưa, bão, tuyết, bước chân của những người trong tổ bảo vệ vẫn trải đều trên các cánh rừng của thôn.
![]() |
Người dân thôn Dền Thàng nuôi cá nước lạnh. |
Hoa nở từ dòng nước mát
Rừng được bảo vệ, giữ gìn nên những dòng nước ở Dền Thàng cũng róc rách đêm ngày. Nào là suối Đá, suối Thông, suối Hù Mít, suối Dềnh Thàng yên bình chảy quanh thôn. Chính những dòng nước mát lạnh đã giúp cuộc sống người dân Dền Thàng bước sang trang mới rực rỡ hơn. Ông Bâu bảo: Trước đây, người dân trồng thảo quả cũng có thu nhập cao. Tuy nhiên, qua mấy mùa băng tuyết, thảo quả mất mùa, lại được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về tác hại của việc trồng thảo quả dưới tán rừng già khiến cây nhỏ không thể phát triển, nên bà con dần chuyển hướng phát triển kinh tế sang nuôi cá nước lạnh.
Anh Hầu A Chứ là người nuôi cá hồi đầu tiên ở thôn. Năm nay 29 tuổi nhưng anh Chứ đã có 7 năm thức, ngủ với cá hồi vân. Khi được hỏi vì sao lại mạo hiểm, chọn nuôi loại cá lạ hoắc chưa ai từng nuôi ở thôn, chàng thanh niên người Mông cười tươi: Mình đã đi tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá hồi ở Bản Khoang (Sa Pa), nơi có điều kiện khí hậu, nguồn nước tương đồng, nên mình nghĩ cá hồi phát triển rất tốt ở vùng đó, chắc chắn sẽ như vậy khi về với thôn mình.
Để khẳng định những suy nghĩ của mình là đúng, Hầu A Chứ miệt mài đêm ngày.
Đầu năm 2015, hai nghìn con cá hồi giống chính thức “nhập khẩu” vào Dền Thàng. Đàn cá của Chứ thích nghi dần và sinh trưởng tốt. Nhìn đàn cá lưng xanh đen với chiếc bụng bạc bơi lội tung tăng trên cái ao lưng chừng núi, bà con thích thú và thầm cảm phục ý chí của Chứ. Giữa năm 2016, Chứ thu được mẻ cá đầu tiên với hơn 2 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí, Chứ thu lợi 100 triệu đồng.
Thấy anh Chứ nuôi cá hồi thành công, một số hộ trong thôn cũng làm theo. Đến giờ, cả thôn có 128 hộ thì có đến 70 hộ đang nuôi loài cá đặc hữu của nước lạnh trong ao nhà, nhà nhiều hơn vạn cá, nhà ít 3.000 - 4.000 con.
Cá hồi, cá tầm đã trở thành sản phẩm thương hiệu của người dân Dền Thàng, sản lượng mỗi năm hơn 30 tấn. Các thương lái chọn mua cá Dền Thàng bởi chất lượng cá ở đây được cho là tuyệt phẩm khi được sống trong dòng nước lạnh trong, sạch, khí hậu mát mẻ. Tuy nhiên, vài năm trước, khi đường còn là cấp phối, xe cộ đi lại khó khăn, hành trình đến với người ăn của sản phẩm cá nơi đây rất vất vả, nên thường không được giá so với những nơi thuận lợi.
“Nếu cứ mãi là con đường mòn của hơn chục năm trước và là con đường cấp phối xuống cấp của hơn chục năm trở lại đây thì gay to nhà báo ạ! Người đi không đã khó, nói gì đến giao thương để phát triển. Vậy nên, con đường được đổ bê tông hơn 1 năm nay được ví như “cuộc cách mạng” với dân làng. Không chỉ đi lại thuận tiện, giao thương phát triển, mà mọi mặt đời sống của người dân đều được nâng lên…”, ông Hầu A Bâu giọng đầy phấn khởi.
Hơn 1 năm nay, con đường được làm mới khiến bà con trong thôn buôn bán thuận lợi. Cũng năm ngoái, 70 hộ nuôi cá trong thôn còn thành lập Tổ Nuôi cá nước lạnh Dền Thàng. Các thành viên trong tổ thi đua sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mở mang sản xuất, dư nợ sau 1 năm đạt hơn 1 tỷ đồng.
![]() |
Đường lên thôn Dền Thàng, xã Tả Van (thị xã Sa Pa). |
Vẫn còn những ước mong
Đứng trên lưng chừng núi Đề Cáo Dế (núi Suối Đá), ngọn núi cao nhất thôn Dền Thàng, Trưởng thôn Hầu A Seng trăn trở: Đường đã đến với trung tâm thôn, cuộc sống bà con dần được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn gần 2 km đường thôn đến với hơn 20 hộ khu vực núi Đề Cáo Dế là đường cấp phối. Người dân mong đoạn đường sớm được đổ bê tông để việc đi lại đỡ nhọc nhằn.
Tôi hiểu trăn trở của anh Seng, bởi nhớ khi nãy ngồi sau xe anh Phui, tôi phải cố lắm mới giữ mình không bị hất văng khỏi xe. Cùng với độ dốc mấy chục phần trăm, lại thêm đã được đổ cấp phối lâu năm, trải qua vô số trận mưa lũ nên con đường chỉ còn lại hình hài rộng 3 m, còn mặt đường, lề đường bị trồi sụt, tạo hố sâu hoắm, chưa kể những tảng đá hộc to tướng cứ chềnh ềnh chắn lối.
Con đường khó còn là đường sinh kế của người dân, bởi trên khu vực Đề Cáo Dế là khoảng 1/3 trại cá trong thôn. Đường khó nên việc vận chuyển vật liệu làm trại cá, vận chuyển giống, thức ăn cho cá và cả việc vận chuyển cá đi bán là một chuỗi gian nan. Cũng bởi thế mà giá cá thương phẩm ở khu vực phía trong thường thấp hơn giá ở khu trung tâm thôn từ 0,5 đến 1 giá.
Cùng với con đường khó, người dân Dền Thàng cũng mong lắm những cây cầu kiên cố bắc qua những dòng suối trong thôn. Cả thôn có 3 cây cầu tạm bắc qua các dòng suối. Qua mỗi cây cầu là nhóm khoảng 15 - 20 hộ. Mùa mưa, nước suối không đủ thành cơn lũ dữ nhưng cũng có lúc gây chia cắt cục bộ khi cuốn phăng cây cầu gỗ.
Cầu gỗ tạm chỉ vừa xe máy qua, ô tô không thể qua. Mỗi khi các gia đình có việc vận chuyển số lượng lớn nông sản hoặc vật liệu ra, vào thôn lại phải tăng bo bằng xe máy qua cầu để đến nơi tập kết...
Chia tay Dền Thàng trong bát ngát hương rừng, mang theo bao chuyện về việc giữ rừng, việc phát triển kinh tế và cả ước mong của những người dân ven dòng suối ngọt, thấy yêu và tự hào hơn về những cư dân của núi rừng. Với tình yêu rừng, họ đang từng ngày, từng giờ viết tiếp bài ca về mảnh đất nơi đầu núi, cho rừng Đề Cáo Dế mãi xanh.