Triển lãm “Không gian văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc bộ, Việt
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ, Việt Nam” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện từ năm 2012 - 2013.
Đình làng là biểu tượng thể hiện thẩm mỹ và hồn cốt của người Việt. Đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt, mà còn là kho tàng về di sản văn hoá Việt như diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, thần tích, truyền thuyết về các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, người có công mở đất dựng làng, vị tổ nghề…
Là trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của làng xã, đình làng quy tụ và gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng. Không gian văn hóa đình làng Bắc bộ do cộng đồng làng xã tạo dựng nên, xuất phát từ nhu cầu, niềm tin và ước vọng của người Việt.
Với mục đích giới thiệu đến công chúng không gian văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ, Việt Nam, triển lãm bao gồm nhiều hoạt động như: trưng bày ảnh tư liệu về nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc và phiên bản chạm khắc đình làng; phim tư liệu về lễ hội đình làng, hình tượng rồng tiên trên chạm khắc đình làng, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ.
Tại lễ khai mạc, diễn xướng cửa đình do các nghệ nhân thực hiện, bao gồm: trống rước, múa bỏ bộ, hát ca trù… cũng thu hút sự quan tâm của công chúng.
Ông Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Trong quá trình phát triển của xã hội hiện đại, vị thế và diện mạo đình làng – ngôi nhà chung của làng xã, đang có nguy cơ mất dần vai trò của nó với cộng đồng, trong đó nguyên nhân chính là sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức trân trọng, giữ gìn của con người. Điều đó cho thấy sự cần thiết, cũng như ý nghĩa của những triển lãm nghệ thuật, các hoạt động nghiên cứu học thuật và giáo dục có mục đích hướng đến đình làng, nơi bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống”./.