Tiếp tục duy trì hai sắc màu xanh - đỏ của phiên giao dịch trước, giá dầu WTI nhích nhẹ 0,19 USD, Brent “neo” ở mức 106,8 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 15 phút ngày 21-4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 được giao dịch ở mức 102,8 USD/thùng, tăng 0,19 USD, tương đương 0,19%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 6 “neo” ở mức 106,8 USD/thùng.
Giá dầu Brent và WTI duy trì thế đối đầu. |
Giá dầu gần như không đổi tại phiên giao dịch ngày 20-4 do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu đình trệ trong khi nguồn cung bị thắt chặt.
Cụ thể, giá dầu Brent giao sau giảm 45 cent, tương đương 0,42%, xuống 106,8 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 19 xu lên 102,75 USD/thùng.
Giá dầu đã được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn sau các lệnh trừng phạt đối với Nga - nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới và là nhà cung cấp chính của châu Âu vì nước này đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch and Associates ở Galena, Illinois cho biết, xung đột Nga-Ukraine leo thang, khả năng kéo dài thời gian xung đột tăng lên và khả năng mất nguồn cung của Nga cho thị trường cũng tăng lên.
Thị trường cũng được hỗ trợ bởi một báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 8 triệu thùng trong tuần trước do xuất khẩu tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn hai năm qua.
Tuy nhiên, cả Brent và WTI đã giảm khoảng 5% hôm 19-4 sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (ÌM) cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu gần như toàn bộ điểm phần trăm với lý do tác động kinh tế của cuộc xung đột Nga-Ukraine. IMF cũng cảnh báo rằng lạm phát đã trở thành một "mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại" đối với nhiều nước.
Theo nhà phân tích Stephen Greenock của P.M, tăng trưởng suy yếu và áp lực lạm phát gia tăng có nghĩa là bóng ma lạm phát đình trệ đang bao trùm nền kinh tế thế giới.
Việc tiếp tục biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc nhằm kiềm chế sự lây lan của SARS-CoV-2 cũng ảnh hưởng đến nhu cầu ở quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này và đang đè nặng lên giá cả.
Reuters dẫn một nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) rằng, Ủy ban châu Âu đang nỗ lực đẩy mạnh các nguồn cung năng lượng thay thế sẵn có để giảm thiệt hại do việc cấm nhập khẩu dầu Nga.
Trong khi đó, Libya, một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã buộc phải giảm sản lượng 550.000 thùng/ngày do làn sóng phong tỏa các mỏ dầu lớn và các bến xuất khẩu, theo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC).
Tháng 3 vừa qua, OPEC và các đồng minh đã sản xuất thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với mục tiêu sản xuất do sản lượng của Nga bắt đầu giảm sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21-4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 26.471 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 27.317 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.380 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.027 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.
Giá xăng dầu nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công thương vào chiều nay. Dự kiến, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng khoảng 600-800 đồng/lít (kg).