Đầu tư từ công nghệ sản xuất đến bao bì
Chị Hà Thị Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thịt chua Thanh Sơn Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ), cho biết, để chuẩn bị phục vụ mùa Tết, ngay từ đầu quý 4/2024, HTX đã chủ động nguồn nguyên liệu, liên kết với hộ chăn nuôi lợn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương gia tăng sản lượng thịt phục vụ sản xuất.
Không chỉ tập trung vào chất lượng, nhiều đơn vị còn đầu tư vào dây chuyền công nghệ sản xuất.
Theo chị Phạm Thị Hảo (HTX nông nghiệp Hảo Anh, tỉnh Lào Cai), với mong muốn đưa các sản phẩm đặc trưng của địa phương như gạo Séng Cù Mường Vi và gạo nếp nương Mường Khương, gạo nếp cẩm Tây Bắc… đến gần hơn với người tiêu dùng, HTX đã đầu tư lắp đặt dây chuyền xay xát gạo công nghệ cao.
Nắm bắt nhu cầu thị trường từ sớm, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp sen Đông Hòa (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã tăng 40% sản lượng. Giám đốc HTX Phạm Thị Bích Thủy chia sẻ, HTX có 6 sản phẩm chế biến từ sen đạt OCOP 3 sao.
Ngoài các sản phẩm làm từ hạt sen, tim sen, HTX đã nghiên cứu thêm các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như: Trà lá sen, trà sen đá, trà củ sen… Hiện nay, HTX tập trung nhân lực, nguồn hàng đảm bảo an toàn, sản xuất theo đúng kỹ thuật và phương pháp truyền thống, đóng gói sản phẩm bắt mắt, phù hợp với nhu cầu sử dụng làm quà tặng.
Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhiều chủ thể OCOP đã đầu tư, lên ý tưởng về mẫu giỏ quà từ tre, hộp giấy và các phụ kiện phù hợp với tính bản địa của sản phẩm. Theo chị Trịnh Kim Thư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MD Queens, sản phẩm chủ đạo của công ty là trà xạ đen đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao.
Để đưa những hộp trà vào bộ quà Tết, công ty đã nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ thị hiếu của khách hàng, tập trung vào yếu tố cá nhân hóa, giá cả phù hợp (bộ quà có giá từ 200.000 đồng trở lên). Đặc biệt, công ty còn thiết kế những sản phẩm phù hợp dâng cúng gia tiên hoặc đền, chùa đầu xuân mới.
Liên kết để tăng tính cạnh tranh
Một nét đáng chú ý trên thị trường giỏ quà Tết năm nay là sự xuất hiện bộ sản phẩm, thể hiện sự liên kết giữa các chủ thể OCOP, thay vì những sản phẩm đơn lẻ.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, thương hiệu trầm hương Thiên Tâm Hương (tỉnh Hà Tĩnh), cho biết: "Tôi đã đầu tư thiết kế các túi, hộp với mẫu mã bắt mắt, ghép nhiều sản phẩm OCOP địa phương như nụ trầm hương, trà, trái cây sấy… thành bộ quà để đáp ứng nhu cầu mua làm quà biếu tặng của khách hàng. Với mức giá hơn 600.000 đồng cho một bộ quà, các giỏ quà sản phẩm OCOP hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng".
Đây cũng là cách mà chị Lê Hồng Vân (tỉnh Bắc Giang) áp dụng để kết hợp những sản phẩm Tết truyền thống như bánh chè lam, bánh phồng, mạch nha… của doanh nghiệp cùng với các đơn vị khác chuyên về trà, các loại hạt khô, trái cây sấy dẻo… để bộ quà Tết đa dạng hơn.
"Nếu các sản phẩm OCOP quảng bá đơn lẻ thì khó bán hàng hơn, sức cạnh tranh cũng yếu hơn. Việc liên kết giữa các chủ thể, đơn vị sản xuất tạo nên bộ sản phẩm vừa đa dạng, dễ tiếp cận khách hàng hơn, vừa tiêu thụ được nhiều sản phẩm cho địa phương, đặc biệt là nông sản của vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa", chị Nguyễn Thị Bình (nhóm Đặc sản nông sản Thái Nguyên) cho biết.
Đồng quan điểm, anh Anh Đào Quang Vũ, người sáng lập và vận hành gian hàng "Đặc sản xứ Nghệ", chia sẻ thêm, với vai trò là nơi trưng bày, kinh doanh sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Nghệ An, hiện gian hàng có 300 mã sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Đối tượng khách hàng mà gian hàng hướng đến là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng làm quà biếu, là những người xứ Nghệ xa quê muốn thưởng thức hương vị đặc sản quê hương. Từ sự liên kết này, chúng tôi hy vọng không chỉ là thị trường Tết mà còn là những thị trường tiềm năng khác".