Hơn 3 tháng sau đợt mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ra, dòng sông Chảy trở lại vẻ hiền hòa nhưng khu vực xung quanh Nhà máy thủy điện Nậm Lúc vẫn ngổn ngang đất đá, những vạt đồi loang lổ vết sạt trượt, tuyến đường chính dẫn vào nhà máy chưa được khắc phục hoàn toàn, hiểm nguy vẫn rình rập.
Những ngày mưa lũ, sạt lở đất gây ra sự cố tại đây, việc tiếp cận ứng cứu rất vất vả, các tuyến đường đi đến nhà máy đều bị cô lập. Sau 10 ngày xảy ra sạt lở đất, vùi lấp nhà điều hành và ngập lụt nhà máy, cán bộ, công nhân mới có thể đi bộ vào hiện trường đánh giá thiệt hại.
Gần 1 tháng sau, xe ô tô mới có thể tiếp cận khu vực nhà máy và bắt đầu dọn dẹp đất đá. Do các thiết bị của nhà máy vẫn còn đang ngập trong nước, bùn nên các kỹ sư, công nhân phải sử dụng máy phát điện bơm toàn bộ nước trong hầm thủy điện ra để khắc hậu quả. Cũng do bị ngâm trong nước quá lâu dẫn đến hầu hết thiết bị điện phải thay mới dẫn đến chi phí sửa chữa, khắc phục bị đội lên.
Anh Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc so sánh thủy điện Bảo Nhai 2 cũng trên dòng chính sông Chảy, là bậc ngay phía trên của thủy điện Nậm Lúc gặp sự cố tương tự nhưng nhờ tiếp cận sớm, ứng cứu kịp thời đã giảm thiệt hại đáng kể.
Những ngày này, cán bộ, kỹ sư, công nhân Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc đang khẩn trương nạo vét bùn đất phía hạ nguồn nhà máy để đóng cửa van ngăn nước chảy ngược vào hầm thủy điện.
Nhiều công nhân vừa thoát nạn trong trận lũ quét cách đây 3 tháng vượt qua nỗi ám ảnh khi chứng kiến đồng nghiệp tử nạn hôm nay lại nỗ lực đóng góp công sức để nhà máy sớm phát điện trở lại.
Đoạn sông Chảy khu vực đứng chân thủy điện Nậm Lúc có địa hình, địa chất rất phức tạp khiến công tác khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Các công nhân phải đắp đê tạm để nắn dòng nước, sau đó dùng máy bơm công suất lớn bơm nước ra ngoài, kết hợp với sử dụng 3 chiếc máy xúc cỡ lớn nạo vét bùn đất nhưng nước ngầm vẫn cứ xối xả chảy ngược trở lại.
Anh Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc cho biết thêm: Khi xảy ra mưa lũ, bùn đất đã bịt kín cửa van cả ở thượng lưu và hạ lưu khiến các tổ máy bị ngâm dưới nước gần 4 tháng nay.
Vì vậy, phải nạo vét hết lượng bùn đất ở 2 phía thân đập, sau đó hạ cửa van xuống để ngăn nước sông tràn vào hầm thủy điện, tiếp đó mới tiến hành tháo dỡ 2 tổ máy để sửa chữa. Các công nhân, kỹ sư đã làm việc cật lực hơn 1 tháng nay mới kéo được 1 tổ máy lên. Với tiến độ như thế này thì cần 10 ngày nữa mới đưa được toàn bộ 2 tổ máy ra ngoài để xử lý.
Hiện chủ đầu tư đã thuê các đơn vị có kinh nghiệm, huy động 20 kỹ sư tay nghề cao tiến hành đánh giá tình trạng thiết bị và khẩn trương khắc phục. Trước đó, chủ đầu tư đã huy động hàng chục cán bộ, kỹ sư, công nhân tháo dỡ, vệ sinh thiết bị điện, hệ thống điều khiển nhà máy.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có 26/74 công trình thủy điện (tổng công suất 293,65 MW) bị hư hỏng hạng mục công trình và phải dừng phát điện, trong đó Nhà máy Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc bị thiệt hại nặng nề nhất.
Anh Nguyễn Quang Vinh cho biết, ngoài mất mát về con người, ước tính thiệt hại về tài sản, thiết bị, cơ sở hạ tầng lên tới hơn 100 tỷ đồng, chưa tính đến thời gian dừng vận hành để sửa chữa nhà máy và không có doanh thu.
Mặc dù đã được ngân hàng hỗ trợ miễn giảm lãi vay và cung cấp khoản tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để đầu tư trang thiết bị, sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng quá trình khắc phục sự cố để đưa nhà máy hoạt động còn rất gian nan.
Hai tổ máy đã bị ngâm trong nước quá lâu nên cần thời gian nhất định để sấy khô và hiệu chỉnh các thông số. Các công nhân, kỹ sư Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc và đội ngũ chuyên gia đang nỗ lực ngày đêm, phấn đấu trước tết Nguyên đán sẽ đưa được 1 tổ máy vào vị trí và trong quý II/2025 sẽ đưa nhà máy vào vận hành trở lại.