LCĐT - Bao giờ cũng thế, những phiên chợ tết bắt đầu từ đầu tháng Chạp. Gọi là chợ tết không đơn thuần chỉ vì diễn ra dịp Tết, mà còn bởi không khí tết như được khởi nguồn, nhen nhóm từ những phiên chợ ngày cuối năm.
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến tết Nguyên đán. Những ngày này, chiếc xe bán hàng của tiểu thương rong ruổi khắp các buổi chợ phiên vùng cao phải làm việc “hết công suất”. Bà Vương Thị Phượng ở thôn Bản Sinh, xã Lùng Vai (Mường Khương) thường xuyên bán các loại vải vóc, chỉ may, len, kim tuyến để may trang phục truyền thống của người Nùng, người Giáy. Từ tờ mờ sáng, những tấm vải lớn đủ sắc màu, chất liệu được cuộn lại thành từng thanh, xếp từng lớp gọn ghẽ vào những bao tải lớn, chồng lên xe rồi theo bà Phượng xuống chợ. Chợ vùng cao mỗi tuần chỉ họp 1 đến 2 buổi, vậy nên bà Phượng luân phiên “chạy” khắp các chợ khu vực Lùng Vai, Bản Lầu, Bản Sen của huyện Mường Khương để bán hàng. Chợ cuối năm bao giờ cũng đông khách, đây là dịp được tiểu thương mong mỏi nhất và cũng là thời điểm vất vả hơn cả mỗi dịp Tết đến, xuân về.
“Áo trẻ em may sẵn thì từ 150 đến 180 nghìn đồng một chiếc, áo người lớn từ 200 đến 230 nghìn đồng, còn áo nam giới, áo cho các cụ cao tuổi thì 300 nghìn đồng, các loại vải bán theo mét… Người biết may thường mua vải mang về tự may, người không biết may thì mua áo may sẵn. Ngày trước chủ yếu bán vải, giờ người biết may ít, lại mất thời gian cả tuần trời, nên chủ yếu khách mua áo may sẵn” - bà Phượng tươi cười chỉ vào sạp hàng bán trang phục của mình giới thiệu.
Bà Vương Thị Phượng (trái ảnh) bán trang phục truyền thống may sẵn cho người dân Bản Lầu chuẩn bị đón Tết. |
Cũng theo bà Phượng, không giống như bán trang phục thường ngày, những bộ trang phục dân tộc Giáy, Nùng chỉ đông khách mua vào dịp Tết. Thời điểm khác trong năm, thường chỉ khi nào có đám cưới, có lễ hoặc nghi thức truyền thống nào đó mới có khách đến mua hàng. Trang phục truyền thống ngày càng ít người mặc bởi khó cạnh tranh với các mặt hàng thời trang đủ mẫu mã, sắc màu, chất liệu được bày bán khắp nơi. Mỗi năm, bà Phượng đều mong ngóng dịp Tết, không chỉ bởi bán được nhiều hàng, mà còn vì mỗi bộ trang phục được bán đi, lại có thêm một sản phẩm mang đậm sắc màu truyền thống của dân tộc được gìn giữ. Mỗi vị khách đến còn cùng chủ hàng nói với nhau vài câu chuyện, về đám cưới, tục lệ, nếp quê, lề lối mỗi vùng miền, về những chiếc áo dân tộc đang dần vắng bóng trong mỗi nếp nhà…
Cuối năm, khắp các nẻo đường hiện hữu dáng hình những bộ trang phục sặc sỡ hoa văn, sắc màu của đồng bào dân tộc vùng cao, dập dìu từ những con đường nhỏ kéo dài từ khắp làng bản đổ về, tụ lại đông như có hội. Trên lưng ngựa, trên chiếc xe máy hay những chiếc gùi khoác sau lưng, có người mang theo một vài món hàng, vài thức quà quê, đem ra chợ bán để có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cho ngày Tết.
Hàng hóa bày bán tại chợ phiên bao giờ cũng rất phong phú, từ trang phục thổ cẩm đến các mặt hàng nông sản, vật dụng gia đình. Không kể những tiểu thương chuyên “chạy chợ”, cuối năm thường là thời điểm rộ lên các sạp hàng nhỏ của người dân khắp nơi mang đến bán. Các mặt hàng thường do người dân trong vùng làm ra, mang đi chợ bán như lợn cắp nách, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, rau củ, đỗ tương... Những mặt hàng thủ công như trang sức bạc, đồ gỗ, đồ gia dụng, mây tre đan, hương... cũng được bày bán nhiều hơn thường lệ.
Góc chợ phiên vùng cao những ngày cuối năm. |
Bà Tẩn Seo Hoa không ngoại lệ. Ở vùng cao Tả Ngài Chồ (Mường Khương) quê bà, cuối năm không phải ngày mùa; ngô, lúa đã thu hoạch và có tiểu thương đến tận nhà mua. Tiền để sắm Tết cũng đã “hòm hòm”, nhưng tiện chuyến ra chợ phiên ở trung tâm thị trấn Mường Khương, bà xách theo đôi gà, bỏ mấy bó rau cải, rau đậu Hà Lan và túi ớt khô vào chiếc gùi rồi lên xe theo chồng ra chợ. Vừa đến đầu chợ, đôi gà ngon đã nhanh chóng về với chủ mới. Còn một gùi rau, bà Hoa trải chiếc bao tải cũ xuống sạp hàng ở góc chợ, bày ra bán. Số rau này, bà Hoa bán 2 tiếng đồng hồ buổi sáng thì hết, thu về gần 100 nghìn đồng. Số tiền tuy nhỏ, nhưng niềm vui đem đến cho bà lại rất lớn. Bà Hoa bỏ xấp tiền trong túi ra xếp những tờ polyme lại thành một xấp, tiền lẻ thành một xấp riêng. “Cuối năm rồi, nhà có gà, có rau, củ gì không dùng hết cũng đem ra chợ bán, được thêm đồng nào hay đồng đấy. Bán chẳng được mấy đâu nhưng mà vui, có tiền mua cho cháu quả bóng bay, ít bánh kẹo, đồ chơi, coi như trả công hôm qua chúng nó phụ hái rau, nhặt lá” - bà Hoa cười mủm mỉm đầy hạnh phúc.
Bán xong gùi rau cũng là lúc chồng bà Hoa ăn sáng, đi chơi ở chợ chim về, xách theo một chiếc lồng mới cho đôi chim chào mào ở nhà. Hai vợ chồng dù đã luống tuổi vẫn kiên nhẫn cùng nhau tỉ mẩn chọn từng món đồ cho dịp Tết. Chiếc gùi khi đi đầy ắp rau xanh, thì khi về được chất vào đó nào là bánh trái, áo quần, đồ gia dụng. Khi chiếc gùi nặng, bà Hoa chuyển chiếc gùi sang cho chồng. Mua đủ đồ, 2 vợ chồng cùng nhau đi ăn trưa, mỗi người một tô phở lớn nghi ngút khói.
Ông Thào Seo Quáng - chồng bà Hoa - cười lớn, cất giọng sang sảng: Người Mông đi chợ tết không chỉ là sắm tết đâu. Với người trẻ, chợ tết còn là nơi hẹn hò, tâm tình đấy. Ngày xưa tôi hẹn hò với bà Hoa suốt 4 phiên chợ trước Tết, đến phiên chợ đầu xuân thì chính thức kéo về làm vợ. Mình già rồi không hẹn hò yêu nhau như ngày xưa thì bạn bè gặp nhau buổi chợ để trò chuyện, uống rượu. Vui lắm!
Bà Hoa thầm cười đồng tình với tính chân thực của câu chuyện ông Quáng vừa kể.
Những phiên chợ cuối năm luôn nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Mỗi người giữ trong mình những nỗi băn khoăn riêng, những niềm háo hức riêng. Phiên chợ ấy, không đơn thuần chỉ là nơi giao thương hàng hóa, không chỉ có những “bán - mua” thường ngày, mà nhìn những sạp hàng cuối năm, không khó để nhận ra những dịch chuyển từ kinh tế tới văn hóa của người dân vùng cao qua từng chi tiết nhỏ. Có những năm kinh tế đi lên, việc bán mua tấp nập, rộn ràng. Có những năm kinh tế kém hơn, những sạp hàng cũng bởi thế mà đìu hiu, buồn bã. Những sạp hàng nhỏ dịp cuối năm cứ thế tự nó giữ cho mình một không khí rất Tết, những trăn trở được “bán” đi, mua lại những háo hức để chuẩn bị đón chào một năm mới đang đến rất gần…