Bitcoin bùng nổ trong năm 2017, thu hút không chỉ các nhà đầu tư ở Phố Wall mà còn cả các nhà đầu tư tư nhân dù nhiều người vẫn đang cố hiểu xem thực chất đồng tiền ảo này là gì. Sự phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử cũng buộc giới chức phải cân nhắc có các biện pháp cụ thể sau nhiều năm chỉ đơn thuần đưa ra các cảnh báo.
Ảnh minh họa. |
Tháng 1/2017, 1 bitcoin mới chỉ trị giá 1.000 USD, song tới giữa tháng 12/2017 đã đạt mức 20.000 USD, một sự tăng vọt khiến không ít người trong giới tài chính vốn đã quá quen thuộc với những lo ngại và bất ổn cũng phải cảnh giác trước nguy cơ vỡ bong bóng.
Chuyên gia Nigel Green, làm việc cho Tập đoàn đầu tư deVere Group, nói: “Bitcoin là một trò mạo hiểm lớn bởi nó là thứ tài sản chưa được khám phá. Một loại tài sản nhanh chóng tăng vọt về giá trị luôn khiến giới đầu tư phải cảnh giác”. Tuy nhiên, ông cho rằng việc bitcoin tăng giá nhanh chóng cho thấy nhu cầu lớn về đồng tiền ảo này trên thế giới.
Đồng bitcoin thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận từ ngày 10/12 khi 2 sàn giao dịch lớn tại Chicago được chính quyền Mỹ cho phép tiến hành giao dịch các hợp đồng tương lai của đồng tiền này. Ông Timothy Enneking, làm việc cho Crypto Asset Management, nói: “Đây là năm bitcoin và nhiều đồng tiền ảo khác được công nhận là hợp pháp”.
Với hệ thống thanh toán bằng hình thức chuyển khoản dựa trên công nghệ “chuỗi khối” (cung cấp dữ liệu phân cấp để lưu trữ toàn bộ thông tin giao dịch và đều được mã hóa), bitcoin đang dần tạo dựng một vị thế không hề nhỏ. Tại nhiều thị trấn, người tiêu dùng có thể dùng bitcoin để thanh toán hóa đơn ăn uống, mua xe hơi hay thậm chí là mua nhà ở.
Những người ủng hộ bitcoin muốn nhân cơn sốt này thúc đẩy Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC) cho phép thành lập các quỹ trao đổi bằng đồng bitcoin để các nhà đầu tư thông thường có thể giữ các khoản tiết kiệm của mình. Ông Bob Fitzsimmons, làm việc tại cơ quan an ninh Wedbush Securities, cho rằng điều này cần có thời gian và đó sẽ là một kế hoạch rất quy mô. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn, thường cho phép những giao dịch mạo hiểm hơn nhiều, lại tỏ ra hoài nghi, viện dẫn lý do thiếu minh bạch về tỷ giá trao đổi của bitcoin và lo ngại bất ổn đối với thị trường.
Được tạo ra từ năm 2009, bitcoin được giao dịch trên mạng internet mà không hề có bất kỳ quy định hay nguyên tắc quản lý nào. Không giống đồng USD hay euro, không có ngân hàng trung ương hay chính phủ nào đứng sau đồng tiền này song nó được vận hành nhờ các thuật toán phức tạp do máy tính thực hiện. Các khoản thanh toán được tiến hành trực tiếp trong khi người trao đổi không cần cung cấp thông tin cá nhân cụ thể. Điều này cùng việc thiếu những quy định rõ ràng là miếng mồi béo bở với những kẻ buôn lậu hay tội phạm khác.
Bà Kathryn Haun, cựu công tố viên liên bang Mỹ, hiện đang là một trong các lãnh đạo của Coinbase, cho rằng nhiều người đã sai khi nghĩ là giới chức tài chính chần chừ trong việc đưa ra các quy định với tiền điện tử. Bà nói: “Điều mà ngành công nghiệp tài chính không muốn là những quy định bấp bênh và hay thay đổi”.
Trước khi thực sự bắt tay vào việc ra các quy định, nhiều quỹ đầu cơ và các thể chế tài chính muốn biết quan điểm cụ thể của các nhà chức trách an ninh và ngân hàng đối với các tài sản điện tử… Nhiều người vẫn kiên nhẫn chờ cho tới khi có được một sự rõ ràng nào đó và tới khi ấy, các doanh nghiệp cũng như các thể chế chính thống sẽ thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với lĩnh vực này”. Bà Haun, hiện đang giảng dạy về tiền điện tử tại Trường kinh doanh Stanford, so sánh những ồn ào xung quanh bitcoin giống như những gì từng diễn ra khi người ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của internet vào những năm 1990.
Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên thừa nhận bitcoin và đã xây dựng lòng tin bằng cách hợp pháp hóa các loại tiền kỹ thuật số. Gần đây, một công ty Nhật Bản tuyên bố bắt đầu trả một phần lương nhân viên bằng bitcoin.
Trừ Nhật Bản, quốc gia đã chính thức công nhận bitcoin là một hình thức thanh toán hợp pháp vào tháng 4 vừa qua, các nền kinh tế lớn đều không chào đón loại tiền điện tử này. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen nói rằng bitcoin không phải là hình thức thanh toán hợp pháp và yêu cầu các ngân hàng bảo đảm các giao dịch số tôn trọng quy chế chống rửa tiền. Trao đổi với báo giới gần đây, bà nhấn mạnh: “Đây là một tài sản rất đáng nghi”.
Australia cũng chấp nhận tiền kỹ thuật số, nhưng hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh loại hình này bởi làn sóng các nhà đầu tư không chuyên đang đổ vào thị trường.
Liệu có công bằng khi nói rằng châu Á đang thúc đẩy cơn sốt bitcoin?
Có thời điểm các nhà đầu tư Trung Quốc được cho chiếm ít nhất 80% quyền sở hữu bitcoin, nhưng Bắc Kinh hiện đang rất thận trọng. Lo ngại dòng tiền chảy vào thị trường, Trung Quốc đã cấm tiền kỹ thuật số bằng cách cấm huy động vốn bằng tiền ảo (ICOs). Và Trung Quốc không đơn độc trong sự thay đổi này. Ấn Độ và Indonesia đang xem xét các quy định liên quan.
Trong tuần này, Singapore đã đổi từ thái độ ôn hòa sang cảnh báo một cách thận trọng đối với người dân về những rủi ro “đáng kể” có thể xảy ra nếu họ tiếp tục đầu tư vào tiền ảo. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản các nhà đầu tư ở đây thử vận may của họ.
Tại một cuộc trao đổi về bitcoin ở Singapore, một nhóm người đam mê đồng bitcoin đã bỏ ra khoảng 100 USD mỗi tuần để mua tiền ảo. Một người đàn ông nói rằng “đó là tiền tệ của tương lai”.
“Tiền nhanh”
Bitcoin xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó thường được xem như đơn vị tiền tệ được lựa chọn bởi thế hệ Y, hoặc các nhóm rửa tiền, bọn tội phạm, người mua ma túy và dân môi giới kinh doanh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người châu Á bắt đầu thấy nó như một cách kiếm tiền nhanh, đồng thời là cách để bảo vệ tiền tiết kiệm của họ trước khủng hoảng chính trị và lãi suất thấp.
Zann Kwan, người sáng lập Bitcoin Exchange nói:“Nhiều khách hàng coi đó là một loại vàng kỹ thuật số. Đó là sự tiếp nối với tư duy tiết kiệm hay hình thức tiết kiệm của người châu Á”.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng môi trường lãi suất thấp hoặc bằng không ở Nhật Bản, những quy định nghiêm ngặt về việc rút tiền ra khỏi Trung Quốc và lo ngại cuộc khủng hoảng Triều Tiên ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc là lý do tại sao rất nhiều người ở châu Á đang cố gắng kiếm tiền từ cơn sốt bitcoin. Tuy nhiên, bitcoin cũng rất khó lường, như rượu dễ bay hơi. Không ai dám chắc nó có đủ để giúp bạn mua một hay hai ly cocktail trong tương lai hay không.