Chính quyền Biden gia tăng sức ép “tứ bề” với Trung Quốc trên Biển Đông

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lập trường cứng rắn đối với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự tiếp nối chính sách của Mỹ tại châu Á nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Gia tăng tần suất FONOP

Trong hoạt động tự do hàng hải (FONOP) mới nhất, được tiến hành ngày 17/2 ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam - ND) ở Biển Đông.

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Trước đó, tàu hải quân USS John S McCain của Mỹ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp – ND). Hồi đầu tháng này, Hải quân Mỹ đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz and Theodore Roosevelt tham gia tập trận ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên hoạt động này diễn ra dưới thời Biden.

Không chỉ tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông, chính quyền mới của Mỹ cũng giữ vững quan điểm ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại đối với Luật Hải cảnh gây tranh cãi mà Bắc Kinh vừa thông qua, cho đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm “khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật của nước này ở Biển Đông”. Luật này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ vì cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc, với sự hỗ trợ của các tàu bán quân sự, sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” bao gồm cả vũ lực nhằm vào tàu thuyền nước ngoài khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm.

Các động thái quân sự mới nhất của Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất” của Mỹ và cáo buộc Bắc Kinh “tấn công trực diện vào hệ thống quản trị toàn cầu” được hình thành sau Thế chiến thứ 2, do Mỹ dẫn đầu.

Mặc dù để ngỏ sự hợp tác với Trung Quốc nhưng tân tổng thống Mỹ phần lớn vẫn áp dụng các biện pháp mạnh tay của chính phủ tiền nhiệm nhằm đối phó với những hành vi ngang ngược của Bắc Kinh tại các vùng biển ở châu Á.

Trong 30 ngày đầu lên nắm quyền, chính quyền Biden đã tiến hành ít nhất 3 hoạt động hàng hải lớn tại các vùng biển gần Trung Quốc, trong đó có cả màn phô diễn sức mạnh quân sự lớn nhất trong một thập kỷ qua.

Tuyên bố của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ nêu rõ: “Hoạt động tự do hàng hải (FONOP) duy trì các quyền tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được công nhận trong luật pháp quốc tế".

Trong 4 năm qua, trung bình Mỹ tiến hành hơn 6 hoạt động như vậy mỗi năm, gia tăng đáng kể so với thời chính quyền Tổng thống Obama. Trước đây, cựu Tổng thống Obama từng cam kết sẽ thực hiện các hoạt động FONOP ít nhất 3 tháng 1 lần vào giữa những năm 2010, nhưng chỉ có 2 hoạt động như vậy được tiến hành vào năm 2015 và 1 vào năm 2016.

Tần suất các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông đã tăng lên đều đặn dưới thời Donald Trump, với 4 lượt vào năm 2017, 6 lượt vào năm 2018, 8 lượt vào năm 2019 và 9 lượt vào năm 2020, theo Foreign Policy.

Căn cứ vào tình hình thực tế, có thể thấy rằng chính quyền Tổng thống Biden đang tiếp nối xu hướng, thậm chí có khả năng vượt qua người tiền nhiệm Donald Trump khi thực hiện các biện pháp thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Điều này chứng tỏ đảng Dân chủ ngày càng nghiêng về việc theo đuổi quan điểm cứng rắn trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc.

 “Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, giao thương và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông", ông Joe Keily, người phát ngôn của Hạm đội 7 nêu rõ.

Washington cho rằng, việc tiến hành FONOP là cần thiết để kiềm chế tham vọng hàng hải của Bắc Kinh và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các quốc gia nhỏ hơn có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.  

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo Trung Quốc chớ “đơn phương áp đặt quyền kiểm soát đối với việc tự do đi lại ở Biển Đông”. Bộ này khẳng định FONOP là phù hợp với luật lệ quốc tế và cam kết tiếp tục bảo vệ sự tự do trong hoạt động đi lại và thương mại trên biển.

Hội tụ sức mạnh đồng minh, gây sức ép “tứ bề”

Không chỉ riêng Mỹ mà nhiều đồng minh của nước này cũng gia tăng lo ngại về tham vọng hàng hải của Trung Quốc đối với an ninh khu vực. Hồi đầu tháng 2/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này đã triển khai  tàu ngầm hạt nhân SNA Emeraude đến Biển Đông, còn Anh và Đức đang có kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận lớn tại các vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc trong những tháng tới. Trong một diễn biến riêng rẽ, Hải quân Hoàng gia Canada đã điều tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan để tham gia tập trận với các đối tác Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Ông Michael Shoebridge, giám đốc chương trình an ninh quốc gia và quốc phòng thuộc Viện chính sách chiến lược Australia nhận định: “Tình hình hiện giờ trở nên phức tạp hơn. Với luật Hải cảnh mới được thông qua, lực lượng tuần duyên Trung Quốc giống như những “chiến binh sói” trên biển, sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí vũ khí sát thương để bảo vệ cái gọi là các lợi ích của Trung Quốc”.

Trong số các đồng minh lớn của Mỹ, Nhật Bản dường như là quốc gia lo lắng nhiều nhất trước luật Hải cảnh mới của Trung Quốc. Trước đó, chính phủ Nhật trao công hàm phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc đến gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước ở Biển Hoa Đông – hành động này diễn ra ngay sau khi luật nói trên được thông qua. Tokyo cũng cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng bất cứ mối đe dọa hoặc hành vi bạo lực nào của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng ngôn ngữ trong luật Hải cảnh có hàm ý "nhằm đe dọa các nước láng giềng của Trung Quốc". Bộ này hối thúc Trung Quốc và tất cả lực lượng khác hoạt động trên Biển Đông cần “hành động với sự chuyên nghiệp và kiềm chế trong việc thực thi quyền của mình”./.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 17/11 ra tuyên bố chung kêu gọi hợp tác đa phương hiệu quả để đối phó với nhiều thách thức trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới trong năm 2023 đã tăng 20% so với năm trước đó lên 10,3 triệu ca, cho thấy khoảng trống đáng báo động trong việc bao phủ vaccine ngừa bệnh. Đây là kết quả của một nghiên cứu, được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, công bố ngày 14/11.

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

Ngày 12/11 tại cuộc tọa đàm ở trụ sở Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ở thủ đô Paris, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam có sự ổn định chính trị-xã hội cao, cùng với sự thận trọng trong việc điều hành các công cụ chính sách, trong đó có ngân sách và tiền tệ. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức hút và triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc.

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Ông Ishiba Shigeru đã tái đắc cử chức Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội ngày 11/11 và sẽ thành lập một chính phủ thiểu số. Trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, nội các của ông Ishiba đã từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Ngày 9/11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, Majed Al Ansari, tuyên bố nước này tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về một lệnh ngừng bắn và trao trả con tin tại Dải Gaza cho tới khi Hamas và Israel chứng minh được “thái độ nghiêm túc” trong đối thoại.

fbytzltw