Hiện tại, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 52%. Vì thế, việc tăng diện tích rừng không phải là “sức ép” lớn như nhiều năm trước nữa, song, đòi hỏi chất lượng rừng cần phải được quan tâm. Muốn tăng thu nhập từ rừng, nâng cao chất lượng rừng thì không chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước hay sự vào cuộc của ngành lâm nghiệp mà chính người dân phải hiểu, xác định và chủ động được việc trồng và chăm sóc rừng.

Vườn ươm cây giống lâm nghiệp ở Bảo Thắng.
Nhiều năm nay, việc đầu tư trồng rừng trên địa bàn tỉnh vẫn theo hình thức hỗ trợ thông qua ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, các công ty lâm nghiệp và một phần nữa từ các doanh nghiệp lâm nghiệp. Các đơn vị trên hằng năm được Nhà nước (tỉnh, huyện) giao kế hoạch trồng rừng cùng với kinh phí hỗ trợ theo chính sách hiện hành. Để hoàn thành kế hoạch, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, động viên người dân đăng ký tham gia trồng rừng sản xuất; căn cứ vào khối lượng đăng ký các đơn vị tổ chức xây dựng hồ sơ thiết kế và thực hiện cấp phát cây giống cho nhân dân trồng theo từng thời vụ, kế hoạch trong năm. Việc này phần nào giảm bớt khó khăn đối với người dân nghèo khi chưa có vốn đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, một số người dân chưa thật sự hiểu thấu đáo chính sách hỗ trợ này. Các hộ dân được phát cây giống đem trồng trên nương, nhiều khi bất chấp thời tiết xấu, dẫn đến tỷ lệ cây sống không cao. Sau đó, quy trình chăm sóc không được chú trọng, do ban quản lý có ít người không thể lúc nào cũng “kè kè” bên người dân để đốc thúc. Cũng bởi cây giống được hỗ trợ, nên người dân vẫn còn tâm lý theo kiểu “trồng hộ” người khác, có nơi phát cây giống 4-5 ngày sau, thậm chí hàng chục ngày họ mới trồng... Tất cả những vấn đề đó ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả các chính sách, dự án phát triển rừng trên địa bàn.
Nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng, nên chăng cần có chủ trương hỗ trợ sau đầu tư? Thực tế, những năm gần đây, ở một số địa phương như Bảo Thắng, Bảo Yên và vùng thấp huyện Bắc Hà người dân đã có kinh nghiệm trồng rừng, nhận thức rõ hiệu quả của việc trồng rừng, nên nhiều hộ không có sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn bỏ vốn đầu tư trồng rừng. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết diện tích người dân tự bỏ vốn trồng rừng đều sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đặng Đình Trường, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Văn Bàn cho biết: Mặc dù diện tích rừng do người dân tự trồng về mặt kỹ thuật chưa được đảm bảo do trồng mật độ dày, nhưng tỷ lệ sống cao do người dân chủ động được từ khâu lựa chọn giống, trồng đúng thời vụ và đảm bảo việc chăm sóc. Năm 2013, diện tích rừng ở xã Văn Sơn thực hiện theo phương thức sau khi người dân trồng xong, Ban Quản lý rừng đến kiểm tra và thẩm định để hỗ trợ theo chính sách của tỉnh… Làm theo cách thức này bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Ông Trường cho rằng với hình thức này, nguồn hỗ trợ sau đầu tư mới trở thành động lực để thúc đẩy họ trong việc chăm sóc rừng trồng phát triển tốt hơn. Đồng thời, sẽ giảm bớt gánh nặng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện trong khâu đôn đốc người dân trồng rừng, chăm sóc rừng.
Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan sản xuất giống phải đảm bảo nguồn giống tốt cho người dân. Ban quản lý rừng phòng hộ có trách nhiệm thông báo cho người dân biết địa chỉ giống tin cậy. Mặt khác, nếu thực hiện hỗ trợ đầu tư theo cách này, không nên “ép” về diện tích, số lượng cây trồng hằng năm, mà phải hướng đến chất lượng rừng. Theo đó, người dân phải trồng theo cơ cấu cây lâm nghiệp của tỉnh mới được hỗ trợ. Yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ trong khâu sản xuất giống tại cơ sở, để đảm bảo nguồn giống cho nhân dân trồng có tỷ lệ sống cao, cây giống có chất lượng.