Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Lào Cai cho rằng: Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn các trạm khí tượng tại các địa phương, nhất là các huyện vùng cao có khí hậu khắc nghiệt, như Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa để việc dự báo thời tiết chính xác và kịp thời hơn.
Hiện, 9 huyện, thành phố của tỉnh mới có 4 trạm khí tượng đặt tại thành phố Lào Cai, huyện Bắc Hà, Sa Pa và Bảo Yên.
Mưa đá xảy ra đồng thời tại 3 huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà vào đêm về sáng ngày 27/3 và tiếp đó là huyện Sa Pa, Bảo Yên là biểu hiện bất thường của thời tiết, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng tới cuộc sống và sản xuất của người dân.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Lào Cai, nguyên nhân trực tiếp là do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh từ phía Bắc tràn về, nén rãnh áp thấp nóng phía Tây đã gây mưa rào và giông rải rác và các trận mưa đá vừa qua.
Các đám mây đối lưu xuất hiện ở tầng cao, đỉnh của nó có thể từ 15-18km, thăng, giáng nhiều lần nên các lớp băng liên tiếp phủ lên nhau, cho tới khi chúng đủ nặng để thành mưa đá rơi xuống.
Sức đối lưu của các tầng áp thấp càng cao, kích thước của viên đá có thể càng lớn.
Huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương thuộc vùng núi cao, nguy cơ xảy ra mưa đá là rất lớn.
Theo người dân địa phương, tại Mường Khương hàng năm đều xuất hiện mưa đá nhưng kích thước viên đá nhỏ.
Trận mưa đá lớn gần đây nhất là vào năm 1980 và năm 1982 tại các khu vực như Lùng Khấu Nhin, Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Bản Lầu, Bản Xen có kích thước viên đá khá lớn và mức độ gây hại gần bằng trận mưa lịch sử ngày 26/3 vừa qua.
Theo khuyến cáo của cơ quan khí tượng, đầu mùa mưa thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, sét, mưa đá nên người dân cần chủ động các biện pháp đề phòng và ứng phó.