Cùng với Quốc lộ 4E, Quốc lộ 70 là tuyến đường quan trọng kết nối giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bảo Thắng và đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Tuy nhiên, do việc cải tạo nâng cấp chưa đồng bộ, hệ thống rãnh thu gom nước dọc tuyến bị thu hẹp và nhiều điểm cống thoát nước ngang đường quá nhỏ khiến việc tiêu thoát nước kém hiệu quả nên hễ có mưa to là xảy ra ngập úng.
Phản ánh với phóng viên, nhiều hộ dân ở các địa phương như thị trấn Nông trường Phong Hải, các xã Bản Cầm, Phong Niên (huyện Bảo Thắng) cho biết, mấy năm qua, cứ vào mùa mưa lũ là tình trạng ngập úng cục bộ ở một số điểm trên Quốc lộ 70 lại xảy ra, nhất là đoạn từ Km160 đến Km189. Tình trạng ngập úng không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn khiến hàng trăm hộ dân nằm ven hai bên đường chịu cảnh nước tràn vào nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của họ.
Sống ở khu vực thường xuyên bị ngập úng mỗi khi có mưa to, bà Nguyễn Thị Hòa, tổ dân phố số 1, thị trấn Nông trường Phong Hải cho biết: “Mấy năm nay, cứ vào mùa mưa lũ là gia đình tôi lại sống trong lo lắng vì tình trạng ngập úng luôn trực chờ. Hễ cứ trời mưa to kéo dài là nước từ ngoài đường tràn vào nhà và khu vực làm dịch vụ xay xát làm ngập đồ đạc, máy móc. Ban đêm nếu không thu dọn kịp là đồ đạc trong nhà hư hỏng hết. Chúng tôi mong chính quyền các cấp sớm có giải pháp giảm bớt ngập lụt”.
Tình trạng ngập úng cũng thường xuyên xảy ra tại khu vực tổ dân phố số 3 và số 4, thị trấn Nông trường Phong Hải. Theo phản ánh của người dân, đoạn Quốc lộ 70 (Km170) đi qua khu dân cư ở đây dù đã được nâng cấp cải tạo và chính quyền địa phương đã làm hành lang nhưng hầu như không có hố ga thu nước và rãnh thoát nước hai bên đường. Vì vậy, vào mùa mưa, toàn bộ nước mưa từ trên đồi chảy xuống và từ các khe, suối ở thượng nguồn đổ về không có lối thoát gây nên tình trạng ngập úng.
“5 năm qua, năm nào cũng vậy, cứ có mưa to là các nhà dân nằm hai ven đường đều chịu cảnh nước tràn vào nhà, ngập úng gây hư hỏng tài sản, khiến cuộc sống đảo lộn. Cực chẳng đã, đầu năm vừa rồi, nhà tôi phải nâng cao nền nhà để tránh ngập nhưng cũng chưa an toàn. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền và đơn vị quản lý đường bộ tìm giải pháp khắc phục nhưng đến nay chưa thấy chuyển biến”, bà Trịnh Thị Điệp ở tổ dân phố số 4, thị trấn Nông trường Phong Hải nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải cho biết: UBND thị trấn đã rà soát các hộ dân có công trình xây dựng lấn chiếm các khe, suối ven Quốc lộ 70 để yêu cầu tháo dỡ, trả lại dòng chảy giúp tiêu thoát lũ nhưng tình trạng ngập úng vẫn xảy ra. Cùng với đó, trong 2 năm qua, chính quyền địa phương có nhiều văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Đường bộ 242 (đơn vị quản lý, bảo dưỡng Quốc lộ 70) sớm có giải pháp khắc phục những bất cập của hệ thống thoát nước, nhất là tại những điểm thường xảy ra ngập úng, tuy nhiên chưa thấy đơn vị này triển khai.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên Quốc lộ 70, đoạn qua huyện Bảo Thắng hiện có 5 điểm thường xuyên xảy ra ngập úng (xã Phong Niên có 1 điểm tại thôn An Hồ, Bản Cầm có 1 điểm trước cổng UBND xã và thị trấn Nông trường Phong Hải có 3 điểm tại tổ dân phố số 1 và số 4).
Theo ông Trần Thanh Tùng, đại diện Văn phòng Quản lý đường bộ I.3 (Khu Quản lý đường bộ I) cho biết: Nguyên nhân gây ngập úng cục bộ ở một số điểm trên Quốc lộ 70, đoạn qua huyện Bảo Thắng là do tuyến đường được xây dựng từ lâu, hệ thống cống thoát nước cũ không đáp ứng được lưu lượng dòng chảy lớn như hiện nay. Cùng với đó, nhiều đoạn người dân san lấp, lấn chiếm rãnh thoát nước hai bên đường nên khi có mưa lớn nước bị ùn ứ. Ngoài ra, các khe suối ở hạ lưu cũng bị thu hẹp hoặc san lấp khiến nước không tiêu thoát kịp.
Mưa lớn, Quốc lộ 70 đoạn qua thị trấn Nông trường Phong Hải ngập nặng
Nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng cục bộ trên Quốc lộ 70, đoạn qua huyện Bảo Thắng đã rõ, tuy nhiên để khắc phục thì đơn vị quản lý, bảo dưỡng Quốc lộ 70 và chính quyền địa phương cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như nâng cấp hệ thống rãnh thoát nước mặt, cống thoát nước ngang đường; mở rộng các khe, suối hai bên đường để tạo dòng chảy thuận lợi xuống hạ lưu… Ngoài ra, cần tuyên truyền để người dân không xây dựng, san lấp, chặn rãnh thoát nước làm lối đi vào nhà gây ùn ứ nước.