LCĐT - Nậm Chăn (theo tiếng địa phương nghĩa là dòng nước đẹp) bắt nguồn từ hợp lưu các suối Nậm Si Tan và Nậm Khóa thuộc xã Nậm Xé (huyện Văn Bàn), chảy về hướng Đông Nam. Nơi dòng nước đẹp chảy qua, những nông dân cần cù, chất phác, bằng đôi tay chịu thương, chịu khó đã gieo những màu xanh, làm giàu cho thôn, bản. Giữa cái se se lạnh của làn mưa bụi trong những ngày đầu xuân mới, chúng tôi thấy ấm lòng khi chứng kiến những đổi thay mà cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp đã đem lại tín hiệu vui về một cuộc sống ấm no trên mảnh đất từng trải qua nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Vượt qua những cơ cực của nghề nông, người dân Văn Bàn vẫn luôn gửi niềm tin vào đất, thủy chung với đồng ruộng quê mình, biến khó khăn thành những cơ hội để phát triển.
Trù phú bên dòng Nậm Chăn. |
Trên các cánh đồng trải dài từ Võ Lao vào thị trấn Khánh Yên, ngược lên Hòa Mạc, Dương Quỳ hoặc xuôi Khánh Yên Hạ, Chiềng Ken… những ruộng su hào, bắp cải đang chuẩn bị thu hoạch, những thửa ruộng đã thu hoạch xong hoa màu vụ đông, được cày ải, đang thảnh thơi nằm nghỉ chuẩn bị cho một vụ lúa xuân.
Ngược dòng Nậm Chăn, ngắm nhìn cánh đồng của Bản Mạc, Bản Nòm, Bản Chút (xã Hòa Mạc) được phủ xanh bởi hơn 90 ha ngô đông và rau màu các loại. Người dân đang hối hả thu rau màu, trên những gương mặt rám nắng vẫn hiện rõ sự vui tươi. Những cây bắp cải, su hào, khoai lang, rau đậu… lần lượt được chở ra chợ tết.
Trên cánh đồng Tông Pháy, xã Dương Quỳ, bà Nguyễn Thị Lân cười tươi khoe những bẹ cải Đông Dư xanh tốt. Tận dụng đất cát pha thịt phù hợp để trồng rau, năm nay, bà Lân mạnh dạn thử nghiệm nhiều giống rau, củ và vui mừng khi hoa màu bội thu. “Mấy năm gần đây, gia đình tôi và các hộ xung quanh không còn để đất trống sau khi thu hoạch xong lúa. Chúng tôi cùng trồng rau, củ để tết mang ra chợ bán hoặc sẽ có thương lái đến tận vườn thu mua. Bà con rất phấn khởi và yên tâm sản xuất, hy vọng thu nhập từ rau, màu sẽ mang lại cái tết đủ đầy hơn".
Người dân Văn Bàn chăm sóc rau vụ đông. |
Thời vụ đuổi nhau, đất và người không để nhiều ngày ngơi nghỉ, đồng ruộng quay vòng liên tiếp luôn phủ màu tươi xanh. Với công thức canh tác này, giá trị sản xuất trên 1 ha đất được tăng lên. Không chỉ cần cù, nông dân còn nhanh chóng tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, nhất là về giống. Các giống cây trồng cũ dần được thay bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Ngoài ra, người dân cũng biết đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác. Để những mầm xanh được vươn lên và mang đến những vụ đông bội thu, là sự vào cuộc tích cực của cán bộ khuyến nông xuống các thôn, bản hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc.
Những năm qua, cùng với sản xuất 2 vụ chính, nông dân các xã của huyện Văn Bàn còn chú trọng phát triển cây trồng vụ đông, đặc biệt là các loại rau, màu. Ðến nay, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất thứ 3 trong năm có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ngay khi bà con thu hoạch xong lúa vụ mùa, lãnh đạo UBND các xã đã chỉ đạo công chức, viên chức trực tiếp xuống các thôn tuyên truyền cho bà con đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ đông. Thu hoạch lúa tới đâu, giải phóng đất tới đó, đặc biệt là vận động các hộ đăng ký trồng gối vụ, đưa các loại rau, củ có năng suất, giá trị kinh tế cao vào gieo trồng. Đến cuối năm 2021, huyện Văn Bàn đã gieo trồng được 1.244 ha cây vụ đông, đạt gần 74% kế hoạch.
Trên các cánh đồng, niềm vui như được nhân đôi bởi hiệu quả kinh tế bước đầu mà mô hình này mang lại. Trong tiết trời se lạnh, nông dân hăng say lao động trong không khí tươi vui, hối hả, lòng người háo hức hướng đến một năm mới trọn vẹn, đủ đầy. Người thì khẩn trương thu hoạch cà chua chín, người thu bắp cải, su hào, người làm đất, xuống giống chuẩn bị cho vụ mới mang niềm tin, hy vọng trong mùa xuân mới…