Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden và các đồng minh của ông luôn khẳng định sự cần thiết phải rút Mỹ khỏi các cuộc chiến tranh bế tắc và tốn kém để chuyển sang giải quyết những vấn đề ưu tiên.
Khó rút khỏi bãi lầy
Làn sóng bạo lực cùng nỗi thống khổ mà người dân sống trong các khu vực xung đột đang phải chịu đựng, đã thử thách quyết tâm của Tổng thống Joe Biden trong việc thay đổi trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ và rút quân ra khỏi các điểm nóng xung đột ở Trung Đông và Afghanistan, đồng thời mang lại cơ hội cho các đối thủ của ông Biden tại quê nhà.
Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: BBC |
Tổng thống Biden và những người ủng hộ ông cho biết, bằng cách chuyển trọng tâm quân sự và ngoại giao của Mỹ ra khỏi các điểm nóng xung đột mà nước này đã sa lầy trong thời gian dài, chính quyền của ông đang đặt dấu chấm hết cho những chính sách thất bại khiến xung đột kéo dài hơn, đồng thời tạo điều kiện cho các quốc gia khác giải quyết những vấn đề an ninh và chính trị của riêng họ. Nhưng giao tranh đã bùng phát tại một số khu vực nằm trong kế hoạch cắt giảm sự can dự của Mỹ.
Vòng xoáy xung đột leo thang tại Dải Gaza giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine đã nổ ra ngay khi Tổng thống Biden cố gắng thoái lui khỏi cuộc khủng hoảng này. Quang cảnh đổ nát, tang thương và sự rạn nứt ngày càng gia tăng trong đảng Dân chủ về chính sách với Israel, Palestine đã đặt ra câu hỏi về liệu ông có nên hành động nhiều hơn hay không. Israel và Hamas đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 20/5 sau các cuộc không kích và tấn công tên lửa kéo dài hơn 10 ngày khiến ít nhất 230 người Palestine và 12 người Israel thiệt mạng.
Tuy vậy các nhà ngoại giao và chuyên gia về Trung Đông cảnh báo thỏa thuận này rất mong manh. Sau khi công bố thỏa thuận, văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo “tình hình trên thực địa sẽ quyết định liệu hành động quân sự có tiếp diễn hay không”. Còn người phát ngôn của Hamas Taher al-Nono khẳng định “Hamas sẽ tuân thủ thỏa thuận nếu như Israel cũng thực thi nghiêm túc”.
Tại Afghanistan – điểm nóng ở Nam Á, nỗi sợ hãi về sự chiếm đóng của Taliban và nguy cơ tái diễn cuộc nội chiến đang gia tăng trước thời điểm Tổng thống Biden rút toàn bộ quân ra khỏi nước này. Còn ở bên ngoài các thành phố đang bị bao vây của Yemen, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đang thúc đẩy một cuộc tấn công sau khi ông Biden chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ đối với chiến dịch quân sự kéo dài 6 năm do Saudi Arabia dẫn đầu.
Nhà lãnh đạo Mỹ có lẽ biết rõ rằng, bạo lực bùng phát ở Trung Đông và Afghanistan sẽ là điều khó tránh sau khi Mỹ rút khỏi các cuộc xung đột trong khu vực để đối phó với những thách thức lớn hơn xuất hiện ở các nơi khác. Nhưng nếu không làm như vậy, Mỹ sẽ tiếp tục phải đối mặt với bài toán không có lời giải.
Tuy nhiên, chiến lược của ông đã vấp phải một số chỉ trích. Tổng tham mưu trưởng quân đội Yemen, Tướng Sagheer Bin Aziz khẳng định: “Quyết định của người Mỹ làm tổn thương chúng tôi và chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ thay đổi quyết định của họ”. Còn Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Tom Cotton, bang Arkansas cho rằng, động thái của Tổng thống Biden “đã khuyến khích hành vi gây hấn của Houthi và đây là một bài học mà chính quyền cần phải nhớ”.
Quyết tâm bị thách thức
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden và các đồng minh của ông luôn khẳng định sự cần thiết phải rút Mỹ khỏi các cuộc chiến tranh bế tắc và tốn kém để chuyển sang giải quyết các vấn đề dài hạn, như cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và biến đổi khí hậu.
Đối với cuộc xung đột tại Dải Gaza, khi giao tranh giữa Israel và các nhóm chiến binh Palestine leo thang lên mức nghiêm trọng nhất kể từ năm 2014, Tổng thống Biden vẫn giữ thái độ dè dặt. Chính quyền Biden chỉ bắt đầu gây sức ép sau khi các nhà lập pháp trung dung cùng phe cấp tiến của đảng Dân chủ hối thúc ông cứng rắn hơn với Israel.
“Sẽ có nhiều dân thường bị thương vong một cách không cần thiết nếu Mỹ không hành động ngay lập tức để ngăn chặn bạo lực”, Hạ nghị sỹ David Price – thành viên đảng Dân chủ tại bang Bắc Carolina cho biết.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Palestine được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden và cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép đối với Israel, đồng thời kêu gọi các bên giảm leo thang căng thẳng.
Ngay sau đó, ông Biden đã ca ngợi quyết định của Thủ tướng Israel Netanyahu nhằm “chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài chưa đầy 11 ngày”, quay trở lại lập trường ủng hộ truyền thống của Mỹ đối với đồng minh thân cận tại Trung Đông.
Đối với cuộc xung đột tại Yemen, Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thành viên đảng Dân chủ tại Connecticut cho biết: “Tại một thời điểm nào đó, bạn phải chấp nhận sự thật diễn ra trên thực địa. Mỹ đã can dự vào tình hình chiến sự tại Yemen khoảng 6 đến 7 năm nhưng trong quãng thời gian đó, Yemen ngày càng rời xa nền hòa bình”.
“Kể từ vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, tất cả những gì chúng ta làm là tham gia hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác trong khu vực và khiến đất nước của chúng ta trở nên kém an toàn hơn. Vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh về chính sách nếu Mỹ muốn bảo vệ các lợi ích của mình”, ông Chris Murphy nói.
Dù cắt giảm vai trò quân sự, nhưng chính quyền Tổng thống Biden vẫn tiếp nối các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng trong khu vực. Chẳng hạn đối với cuộc khủng hoảng Yemen, các nhà ngoại giao của Mỹ luôn tích cực thúc đẩy đối thoại về tiến trình hòa bình. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Mỹ nhằm giảm bớt tình trạng đối đầu với Iran cũng thúc đẩy những nỗ lực hòa giải tại Trung Đông. Vào tháng 4 vừa qua, Saudi Arabia đã có cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên với Iran nhằm hàn gắn quan hệ sau nhiều năm căng thẳng. Ali Vaez - chuyên gia về Iran thuộc tổ chức nghiên cứu khủng hoảng Quốc tế cho rằng, ngay cả trước khi ông Biden lên nắm quyền, các nước Arab, trong đó có UAE đã nhận ra rằng việc tham gia chiến lược gây sức ép tối đa với Iran dưới thời cựu Tổng thống Trump chỉ làm tình hình thêm xấu hơn.
Marwan Muasher, cựu Ngoại trưởng Jordan đánh giá: “Dù Mỹ không còn coi khu vực này là một ưu tiên nữa. Nhưng một số cam kết của nước này vẫn rất quan trọng”. Và cách thức Tổng thống Biden thực hiện chiến lược xoay trục về ngoại giao, quân sự cùng những gì xảy ra tiếp theo ở các điểm nóng xung đột sẽ hình thành nên di sản đối ngoại của ông trong suốt nhiệm kỳ.