LCĐT - Sự xuất hiện của cây ngô lai trong cơ cấu mùa vụ đã làm thay đổi cuộc sống của đồng bào vùng cao. Mỗi mùa gieo hạt là một mùa người dân gặt hái sự đổi đời.
Từ cây xóa đói, sang cây làm giàu
Dù vẫn biết, việc đưa các mô hình ngô lên vùng cao ban đầu chưa được đón nhận hoặc không mấy “mặn mà”, lại có năm mất mùa do hạn hán, sâu bệnh, hoặc có năm rơi vào nghịch lý “được mùa mất giá”, dù qua nhiều thăng trầm, đến nay vùng ngô hàng hóa trên địa bàn các huyện vùng cao, đất đá dốc đã hình thành, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Đó là thành công vượt trên sự mong đợi của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp trong nỗ lực đưa cây ngô lai lên đất vùng cao.
Người dân Si Ma Cai sống bằng nghề nông, đa số các gia đình thu nhập từ canh tác ngô trên đất dốc. Toàn huyện hiện có 4.920 ha ngô được trồng trên các rẻo đất từ ven bờ sông Chảy lên đến gần đỉnh núi cao nhất của huyện (1.600 m so với mực nước biển).
Đồng hành với nông dân trong việc tiếp cận giống ngô lai mới, từ năm 2010 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện Si Ma Cai đã thực hiện nhiều mô hình ngô trình diễn. Trạm đã phối hợp với các công ty: Mosanto, Bảo vệ thực vật An Giang, Syngenta tiến hành chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân trồng các giống ngô lai: DK9901, DK8868, DK 6919, NK6326 và 8868, NK54... Hầu hết các mô hình đều qua đánh giá, khẳng định việc đưa các giống ngô lai vào canh tác trên đất dốc Si Ma Cai có hiệu quả.
![]() |
Người dân Si Ma Cai chăm sóc ngô. Ảnh: Quang Minh |
Còn tại huyện Bắc Hà, cũng từ năm 2010, được nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nông dân đã chuyển đổi sang trồng các giống ngô lai có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ ngô lai được mở rộng và dần ổn định. Cây ngô lai đã được đồng bào các dân tộc trong huyện chấp nhận và coi là “cây xoá đói, giảm nghèo”. Nhờ vậy, diện tích, năng suất, sản lượng ngô toàn huyện Bắc Hà đã tăng liên tục qua các năm. Các giống ngô mới, tiến bộ kỹ thuật được áp dụng mạnh vào sản xuất. Trình độ thâm canh ngô của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt. Sau 10 năm, khẳng định “chỗ đứng” trong canh tác nông nghiệp ở Bắc Hà, từ cây xóa nghèo, đến nay, cây ngô lai đã trở thành cây làm giàu cho nông dân nơi đây. Năm 2010, diện tích gieo trồng ngô của huyện đạt 4.705 ha, năng suất 30,4 tạ/ha, sản lượng đạt 14.290 tấn, tỷ lệ sử dụng giống mới chỉ đạt 46,7%. Đến năm 2015, diện tích gieo trồng ngô của huyện đạt 5.556ha (tăng 851 ha), năng suất 34,44 tạ/ha (tăng 4,04 tạ), sản lượng đạt 19.133 tấn (tăng 4.843 tấn), tỷ lệ sử dụng giống mới đạt 84,8% (tăng 38,1% so với năm 2010).
Nhờ cây ngô lai, không biết bao nhiêu gia đình người Mông ở vùng cao đã đổi đời. Với họ, tìm ra một nguồn nước, vỡ hoang một thửa ruộng bậc thang rất quan trọng, nhưng tìm được một giống ngô tốt, phù hợp với đồng đất nơi họ sinh sống, mang nguồn thu nhập khá, mang về cho họ ti vi, tủ lạnh, xe máy, thậm chí cả xe ô tô thì còn quan trọng gấp bội phần. Chính vì thế, ngành nông nghiệp tỉnh ví cây ngô lai đưa vào canh tác trên đồng ruộng như một “cuộc cách mạng trong nông nghiệp”, để cuộc đời người Mông sang một trang mới...
Nhà của anh Tráng Mìn Phà, thôn Lũng Pâu 1, xã Tung Chung Phố (Mường Khương) xếp kín những bao ngô hạt. Tráng Mìn Phà cho biết: Năm nào cũng vậy, gia đình trồng khoảng 30 kg ngô giống, cho nguồn thu trên 50 triệu đồng. Tráng Mìn Phà cho biết thêm: Thôn Lũng Pâu 1 có 74 hộ thì cả 74 hộ đều trồng ngô, trung bình mỗi nhà trồng 20kg giống; trong đó nhà ông Tráng Vần Diu, trồng nhiều ngô nhất thôn, năm 2014, trồng trên 40kg ngô giống. Ở vùng cao núi đá này, người dân chỉ sống nhờ vào cây ngô, sau khi hoàn thành sứ mệnh “thoát nghèo” cây ngô giờ đang là cây làm giàu cho nhiều nông dân....
Nghe dở chừng câu chuyện, chợt nhớ năm ngoái, lần đến Cốc Ly (Bắc Hà) đúng vụ thu hoạch ngô. Anh Giàng Seo Lử, Trưởng thôn Phìn Giàng B khoe: Cả thôn nhà nào cũng trồng ngô, mấy năm nay, nhiều gia đình giàu lên nhờ trồng ngô đấy”. Trong thôn Phìn Giàng, có hộ mỗi vụ trồng đến 40 - 50 kg ngô giống, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Còn với Sùng Seo Sủ, thôn Phìn Giàng B, người dân trong thôn thường gọi vui là “triệu phú trồng ngô”. Sùng Seo Sủ chăm nhất bản, hiếm khi nào thấy anh ở nhà. Bất cứ mảnh đất trống nào, Sùng Seo Sủ đều trồng ngô, mỗi vụ anh trồng tới 60 kg giống, thu được trăm triệu đồng từ trồng ngô là bình thường. Năm nay ngô được mùa, gia đình anh ước tính thu được 120 triệu đồng. Sùng Seo Sủ đã tích cực sản xuất trồng ngô, nuôi thêm lợn gà, lúc nông nhàn, anh còn tranh thủ đi làm công thợ mộc… Tuy bận rộn nhưng anh Sùng Seo Sủ cảm thấy hạnh phúc, bởi công sức và mồ hôi đã tạo ra của cải, cuộc sống của gia đình anh đã thay đổi từng ngày. Tiền bán ngô hạt, anh Sùng Seo Sủ đã mua được xe máy, ti vi, điện thoại di động và các vật dụng khác trong gia đình.
Đối với huyện Si Ma Cai, trung bình các hộ trồng ngô có thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm; nhiều hộ có thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ trồng ngô. Lão nông Lồ Minh Di, thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng cười tươi, bây giờ đang là mùa giáp hạt nhưng người vùng cao giờ không còn phải ăn mèn mén thay cơm nữa rồi, ngô giờ chỉ để bán lấy tiền thôi. Mỗi năm gia đình ông Di trồng 12 kg giống, thu và bán được 20 triệu đồng... Cũng giống ông Di, nhiều hộ gia đình Sùng A Say, Cư A Trang (thôn Chu Lìn Chồ), Ly A Lao (thôn Sảng Sín Pao)... mỗi năm trồng từ 25 - 30 kg ngô giống, thu nhập hàng chục triệu đồng từ ngô lai.
Đếm tiền tại nương
Cũng trong vụ ngô năm trước, chúng tôi có dịp lên Mường Khương khi nông dân đang gùi ngô từ trên nương xuống chân đồi dốc. Phía dưới từng đoàn người vác từng tải ngô trĩu nặng để xếp lên xe tải... Thế đấy, ký ức ngô “treo đèn” hay ngô chất trên sàn gác giờ không còn phổ biến nữa, người nông dân làm ra hàng hóa, có tư thương đến thu mua tận nương. Khỏi phải nói, khi đã hình thành vùng hàng hóa, câu chuyện “cung - cầu” đã xoay chiều khi nông dân không phải lo bán ở đâu.
Mỗi khi vào vụ thu hoạch, vùng cao Si Ma Cai tấp nập những chuyến xe vào tận nương, đồi để chở ngô. Anh Đào Văn Hay, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Si Ma Cai cho biết: Hầu hết, những năm gần đây, các xưởng sơ chế nông sản hoặc các tư thương thu mua gom để xuất bán đều “đặt cọc” trước với người dân ngay từ đầu vụ hoặc mua cả nương lúc ngô mới trổ cờ, phun râu. Như năm nay, ngay từ đầu vụ, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thỏa thuận mua ngô bắp tươi với giá 4.000 đồng/kg. Hiện tại chúng tôi đang thực hiện mô hình liên kết 4 nhà, doanh nghiệp cung ứng giống thực hiện cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm ngô hạt cho nông dân. Có lẽ, người vùng cao hiện cảm thấy “sướng” hơn rất nhiều, bởi tư thương đến tận nương thu mua ngô và họ chỉ việc đếm tiền ngay tại nương.
Tại Lào Cai hiện có nhiều doanh nghiệp và xưởng thu mua, chế biến nông sản, hằng năm thu mua và bao tiêu toàn bộ sản phẩm ngô hàng hóa cho nông dân. Điều đáng nói, ngô thương phẩm của Lào Cai được đánh giá có phẩm cấp cao, chất lượng tốt, nhiều công ty chế biến thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Điều đó dễ hiểu cho việc nhiều tư thương, công ty tranh nhau, thậm chí đặt tiền trước cho người trồng ngô. Vì thế, người dân ở Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, mỗi vụ ngô “chín”, niềm vui của họ tràn ngập nương đồi, bởi tháng năm vất vả, lam lũ gieo hạt, bây giờ là lúc họ gặt hái sự đổi đời.
Bài cuối: Thêm niềm tin vào cây ngô lai