Dưới nắng vàng, xã Bản Cầm như bức tranh sống động của vùng nông thôn đang chuyển mình. Những tuyến đường bê tông uốn lượn qua các thôn bản, những cánh đồng xanh mướt trải dài và nụ cười rạng rỡ của người dân nơi đây là minh chứng cho hành trình xây dựng nông thôn mới đầy ấn tượng.
Xã Bản Cầm có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, từng đối mặt với không ít khó khăn khi bắt đầu chương trình xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, Bản Cầm đã vươn mình, trở thành điểm sáng. Kết thúc năm 2024, có 4 thôn của xã, gồm Nậm Choỏng, Bản Cầm, Na Năng, Nậm Tang đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thôn còn lại là Bản Lọt, Nậm Chủ tiếp tục giữ vững danh hiệu thôn kiểu mẫu.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Nậm Tang - thôn vừa hoàn thành các tiêu chí cuối cùng để cán đích nông thôn mới. Đưa chúng tôi đi trên đường liên thôn vừa được mở rộng, đổ bê tông phẳng lì, ông Đào Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cầm kể: "Ngày trước, đường ở đây chật hẹp, xuống cấp, mưa lầy, nắng bụi. Từ khi xã triển khai mở rộng đường từ 5 m lên 7 m, bà con chung tay hiến đất, góp công, giờ đi lại thuận tiện lắm, đời sống cũng nhờ đó nâng lên".
Để đạt được thành quả như hôm nay, ít ai biết Nậm Tang đã phải trải qua hành trình dài, đầy thử thách. Trước kia, Nậm Tang là một trong những thôn nghèo với tỷ lệ hộ nghèo hơn 40% (năm 2021), có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống. Để có tiếng nói chung của cộng đồng thì đảng viên Lý Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nậm Tang đóng vai trò rất quan trọng. Ông Thành cùng những người có uy tín và các đảng viên đã tích cực tuyên truyền người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Gia đình anh Giàng Seo Hòa trước kia là hộ nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nương ngô, ruộng lúa. Mạnh dạn chuyển sang trồng dứa, chuối và có nguồn thu nhập ổn định, anh Hòa bộc bạch: "Gia đình đông con, lại chỉ trông vào mấy sào ruộng nên nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. Từ khi được tuyên truyền, hướng dẫn chuyển sang mô hình kinh tế mới, gia đình tôi đã thoát nghèo".
Rời Nậm Tang, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Bản Lọt, nơi đã vượt qua không ít khó khăn để 4 năm liền duy trì danh hiệu thôn kiểu mẫu. Nậm Tang là minh chứng cho sự thay đổi về hạ tầng, kinh tế và đời sống thì Bản Lọt lại đại diện cho bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao chất lượng sống. Những tuyến đường ở đây không chỉ sạch mà còn được trang trí bởi hàng cây xanh mát; hệ thống đèn chiếu sáng dọc lối đi; nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng sôi nổi với các hoạt động văn nghệ, thể thao…

Trong hành trình đạt được danh hiệu thôn kiểu mẫu, có dấu ấn không nhỏ của những đảng viên, người đứng đầu thôn và sự đồng lòng của bà con Bản Lọt. Theo ông Đặng Văn Quang, Trưởng thôn Bản Lọt, đạt danh hiệu thôn kiểu mẫu đã khó, việc duy trì còn khó hơn. Vì vậy, nhiều năm qua, ông Quang cùng các đảng viên Chi bộ thôn Bản Lọt đã làm tốt vai trò “đầu tàu”. Với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các đảng viên đã nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của xã, thôn phát động.
Không chỉ gương mẫu đi trước, chúng tôi còn kiên nhẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, mỗi khi thôn có việc, chúng tôi đều tổ chức họp, lấy ý kiến của bà con trước. Toàn dân cùng bàn, cùng làm, việc khó cũng thành việc dễ - ông Đặng Văn Quang chia sẻ.

Thành công của Bản Cầm không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là nguồn cảm hứng cho các xã khác trong huyện Bảo Thắng. Ông Đào Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cầm khẳng định: Mục tiêu của chúng tôi không dừng lại ở việc duy trì thành quả mà là hướng tới đích đến cao hơn.
Để làm được điều đó, chúng tôi tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” của đảng viên để khơi dậy sức mạnh trong Nhân dân.