LCĐT - Chúng tôi đã đi bộ 12 tiếng đồng hồ, xuyên qua hơn 20 km đường rừng với dốc cao, vực thẳm. Theo chân những người tuần rừng, chúng tôi được trải nghiệm nơi đại ngàn, tự hào đứng giữa ranh giới hai tỉnh Lào Cai - Yên Bái phóng tầm mắt để thấy và chiêm ngưỡng núi non trùng điệp.
Trước khi vào bữa cơm trưa, Thào A Páo nói: Mọi người ăn xong, tranh thủ nghỉ ngơi, bởi quãng đường buổi chiều rất dài và nhiều dốc, phải đi nhanh hơn buổi sáng thì mới kịp đến chỗ nghỉ tối nay. Nghe vậy, ai cũng vội vàng ăn cho xong bữa để có thêm thời gian chợp mắt, lấy lại sức cho chuyến tuần rừng chiều nay. Chỉ có mấy chàng trai trong Tổ bảo vệ rừng của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh còn ngồi lại, tranh thủ uống với nhau vài chén rượu. Chợp mắt được một lúc thì Páo gọi chúng tôi dậy, tiếp tục lên đường. Khác hẳn buổi sáng, đầu giờ chiều, nắng càng gay gắt, có được cơn gió “mồ côi” cũng là thứ xa xỉ. Tuyến đường càng đi càng dốc, trong khi chúng tôi lại “phơi” mình dưới cái nắng như thiêu như đốt, nên chỉ đi được khoảng 15 phút là áo đã đẫm mồ hôi. Có đoạn đường, chỉ đi được 10 bước chân, phải dừng nghỉ, bởi dốc quá cao, những chai nước mang theo không đáp ứng đủ cơn khát. Đi 2 tiếng đồng hồ, nhưng chưa được nửa chặng đường, đã có lúc, chúng tôi và một số thành viên khác cũng thấy nản. Để động viên mọi người, Thào A Páo bảo: Đi 1 tiếng đồng hồ nữa là đến khu có loài bách tán Đài Loan, cũng là nơi có lán nghỉ. Nói rồi, Páo nhanh chân bước, chúng tôi cặm cụi theo sau. Khi nắng chiều dịu bớt cũng là lúc cả đoàn đặt chân đến “vương quốc” bách tán Đài Loan. Đứng trên đỉnh núi, chỉ tay về phía xa, kiểm lâm viên Nguyễn Huy Hoàng nói: Anh thấy cây cao nhất kia không, đó là bách tán Đài Loan đấy. Khu vực này là nơi phân bố loài bách tán Đài Loan, được bảo vệ rất nghiêm ngặt do Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn quản lý.
![]() |
Cây pơ mu cổ thụ được bảo vệ nghiêm ngặt. |
Nhiều người tưởng sắp đến điểm dừng nghỉ, nhưng Thào A Páo lại động viên với câu nói quen thuộc: Còn khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa là đến nơi, cố lên. Một số người vừa mệt, vừa buồn cười vì cách động viên của chàng trai người Mông. Nhưng với những cán bộ, kiểm lâm viên thì họ đã quá quen, bởi nhiều lần đi tuần rừng cùng nhau, Thào A Páo đều nói như vậy. Rồi, khi mặt trời sắp lặn sau dãy núi, chúng tôi cũng đến được lán nghỉ số 2, lúc này đã là 6 giờ chiều, nghĩa là cả đoàn đã đi bộ đường rừng hơn 4 tiếng đồng hồ. Đặt chân đến lán nghỉ, việc đầu tiên, chúng tôi cởi bỏ ba lô, ngồi bệt xuống sàn, trong khi 5 chàng trai trong Tổ bảo vệ rừng của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh khẩn trương lấy từ trong ba lô các thực phẩm cho bữa tối: Gạo, thịt lợn, xoong nồi, bát và bó rau cần rừng. Thấy vậy, tôi và một số người “mắt tròn, mắt dẹt”, bởi ba lô của mình có một bộ quần áo, đi rừng đã thấy nặng đến vài kg, trong khi mấy chàng trai người Mông, người Tày đeo trên vai trung bình 10 kg/người.
Dưới sự chỉ đạo của Mai Văn Dương, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng, các thành viên chia nhau, người lấy nước, người lấy củi, người rửa rau, vo gạo… Chỉ một lúc, khói bếp đã tỏa trên mái lán, ánh lửa bập bùng soi tỏ những khuôn mặt đen sạm vì nắng gió đại ngàn. Tôi xung phong đi cùng Tráng A Sử chặt trúc làm đũa. Đôi tay Sử thoăn thoắt đưa con dao, chưa đầy 5 phút đã có 20 đôi đũa trúc. Ngoài rau cần rừng, thịt lợn, bữa tối này có thêm “hải sản nướng” - theo thông báo của anh Phạm Ngọc Oanh. Tôi còn chưa hết ngạc nhiên thì anh Oanh lý giải: Đó là cá khô, do không có dầu rán, nên phải nướng trên than hồng. Ăn ngon đáo để. Sự ngạc nhiên của tôi còn chưa dừng lại ở đó, bởi lán nghỉ bỗng sáng bừng ánh điện. Người mang ánh điện vào rừng chính là kiểm lâm viên Nguyễn Huy Hoàng. Do có kinh nghiệm đi rừng nên trước khi đi tuần rừng lần này, Hoàng đã mang theo bóng điện và ắc quy xe máy, nhờ đó, chúng tôi cảm thấy mình như đang ở nhà.
Trong lúc chờ mọi người nấu cơm, Tráng A Thông rửa sạch từng con cá khô, tách làm đôi, bỏ xương rồi kẹp chặt bằng hai đoạn trúc. Đặt 3 xiên cá khô trên than hồng, Tráng A Thông thi thoảng lật đi lật lại, khuôn mặt đỏ bừng vì nóng. Với “tài nghệ” của các chàng trai trong Tổ bảo vệ rừng, một tiếng sau cả đoàn được thưởng thức bữa cơm tươm tất, với thịt ướp thảo quả nướng, rau cần rừng xào, đặc biệt là món “hải sản nướng” thơm lừng đến “chảy nước miếng” và không thể thiếu bát muối trộn với ớt xanh nướng. Không chế biến quá cầu kỳ, không đủ đầy gia vị, nhưng chúng tôi đều cảm thấy bữa cơm rất ngon và đầm ấm. Chỉ chốc lát, hai nồi gang đã sạch cơm, thức ăn cũng hết trong sự tiếc nuối của nhiều người.
![]() |
Bữa cơm của những người tuần rừng. |
Do đi bộ cả ngày, nên ăn xong, một số người đi ngủ luôn. Lúc này, tôi và đồng nghiệp có thời gian tâm sự với 5 thành viên Tổ bảo vệ rừng của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển năng lượng Phúc Khánh. Không như chúng tôi nghĩ, họ rất vui tính và sẵn sàng chia sẻ về cuộc sống của mình. Tổ bảo vệ rừng có 12 thành viên, trong đó có 4 đảng viên, là những chàng trai dân tộc Mông, Tày trên địa bàn xã Khánh Yên Hạ, Liêm Phú, Nậm Tha, được công ty tuyển chọn. Họ đáp ứng được những yêu cầu: Sức khỏe tốt, yêu nghề, có kinh nghiệm đi rừng. Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Mai Văn Dương tâm sự: Trên tuyến tuần rừng Nậm Tha - Liêm Phú, công ty có 3 chốt, mỗi chốt có 4 người. Nắng mưa, bão, tuyết, chúng em đều nếm trải, nhưng không ngại bằng đối mặt với những đối tượng khai thác gỗ trái phép. Dương và anh em trong Tổ bảo vệ rừng không bao giờ quên sự việc xảy ra vào tháng 5/2016. Trong lúc đi tuần rừng, Tổ bảo vệ phát hiện nhóm người (10 đối tượng) vào rừng khai thác gỗ trái phép. Dương gọi điện báo cáo lãnh đạo công ty, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Thấy vậy, các đối tượng bỏ chạy lên trên đỉnh, chúng liên tục chửi bới, đe dọa, rồi lăn đá vào các thành viên. Với những kỹ năng được đào tạo, tập huấn, các thành viên trong Tổ bảo vệ rừng đã bình tĩnh xử lý, khiến các đối tượng bỏ đi trong sự giận dữ. Nhiều lần khác, lợi dụng khi anh em đi tuần, kẻ xấu đã vào lán đổ gạo ra đất, lấy trộm đồ ăn, khiến các thành viên phải bấm bụng chịu đói, chờ người mang đồ tiếp tế. Góp thêm vào câu chuyện, Thào A Páo cho biết: Đã chọn nghề này phải chấp nhận, chúng em đã bỏ nhà lên ở rừng, bởi mỗi người ở rừng 26 ngày/tháng. “Có khi về, con cũng không nhận ra bố cũng nên”, Thào A Páo đùa vui.
Trong những câu chuyện của người tuần rừng, Ngân Văn Lự luôn tỏ ra thích thú khi nhắc đến những lần giáp mặt đàn linh trưởng trên cung đường Nậm Tha - Liêm Phú. “Ở cung đường này có 3 đàn linh trưởng, đặc biệt nhất là đàn vượn đen, mà chúng tôi hay gọi là con đăng, với số lượng khoảng 13 con, con đầu đàn rất lớn, khoảng 30 kg. Không rõ chúng có cảm nhận được sự an toàn và thân thiện của những người bảo vệ rừng hay không, nhưng gặp chúng tôi, đàn linh trưởng tỏ ra khá thân thiện, có khi cách vài mét, chúng cũng vẫn không bỏ chạy. Nhiều hôm, chúng còn xuống gần chốt bảo vệ rừng lấy măng ăn, thậm chí có lần gặp tôi, chúng còn ngồi trên cây ném quả xuống trêu đùa và tỏ ra thích thú. Trong 5 năm qua, riêng tôi đã gặp những đàn linh trưởng này khoảng 40 lần, mỗi lần gặp, tôi lại dành thời gian để đếm số lượng cho đến khi chúng biến mất vào những tán lá, thật vui vì đàn linh trưởng vẫn ổn định, thậm chí còn tăng hơn. Hy vọng, rừng càng xanh, chúng càng sinh sôi, nảy nở” - Ngân Văn Lự chia sẻ. Câu chuyện những người tuần rừng kể cho chúng tôi nghe có cả hỉ, nộ, ái, ố, nhưng với họ đó là “một phần tất yếu của cuộc sống”.
Không muốn chúng tôi nghe thêm những cực nhọc của người tuần rừng, Tráng A Thông liền lấy cây sáo và thổi một bài dân ca của dân tộc mình. Giữa đêm khuya, tiếng sáo ngân vang, chúng tôi cảm thấy đại ngàn thanh bình đến thế.
Bài cuối: Hạ Sơn