Nhiều mối lo trong mùa lễ hội
Theo thống kê của ngành chức năng, dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, toàn tỉnh có hơn 50 lễ hội, nghi lễ được tổ chức, chủ yếu là lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc và lễ hội tại các di tích, đền, chùa. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức các chương trình nghệ thuật chào xuân và một số hoạt động gắn với nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc.
Cuộc sống hiện đại, lễ hội ngày càng được mở rộng về quy mô, hình thức tổ chức, không đơn thuần chỉ phục vụ một nhóm cộng đồng tại nơi đó mà ngày càng gia tăng về số lượng người tham dự, thậm chí còn có nhiều du khách trong và ngoài nước. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng tới công tác tổ chức, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong mùa lễ hội.
Soi chiếu qua lăng kính tín ngưỡng, lễ hội được xem là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, phản ánh nét đẹp văn hóa, mang tính giáo dục đạo đức, lối sống, gắn kết tinh thần cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, phần lễ tại một số lễ hội hiện nay được tổ chức có phần giản đơn hơn, thậm chí bị lược đi một số hoạt động tín ngưỡng quan trọng, trong khi phần hội chiếm lĩnh đa số thời gian. Yếu tố tâm linh suy giảm, giá trị kinh tế lấn át giá trị thực hành văn hóa dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức, coi lễ hội truyền thống là nguồn lợi riêng của địa phương. Mặc dù không thể phủ nhận việc khai thác lễ hội truyền thống để phát triển du lịch, đã mang lại một nguồn lợi đáng kể cho người dân. Song, nếu vì mục đích đó mà làm đơn giản hóa lễ hội sẽ ảnh hưởng tới môi trường văn hoá và nghi lễ truyền thống của các dân tộc.
Thực tế cho thấy, tại một số địa phương, công tác quản lý lễ hội có phần lúng túng khi chưa dự báo đúng tình hình, bị động trong những tình huống phát sinh. Quá trình quản lý an ninh trật tự, giám sát lễ hội còn nhiều khó khăn. Việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe nên các vi phạm vẫn tái diễn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do việc xả rác thải bừa bãi tại các khu tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi; hiện tượng bói toán, lên đồng, thương mại hóa trong hoạt động di tích, lễ hội, gây ảnh hưởng lớn, làm giảm tính tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa truyền thống....
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Với 25 dân tộc anh em cùng chung sống, tỉnh Lào Cai có một kho tàng đồ sộ về nghi lễ và lễ hội trong cộng đồng. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng, nằm trong định hướng phát triển du lịch - lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cùng với đó, vai trò và ảnh hưởng của lễ hội trong đời sống văn hóa ở các cộng đồng cư dân trên địa bàn tỉnh rất lớn và có tác dụng tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước; xây dựng đời sống đoàn kết, văn hóa khu dân cư; thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.
Để đảm bảo an toàn cho các lễ hội, hằng năm, Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với các ngành chức năng tham mưu việc tổ chức lễ hội đảm bảo văn minh, an toàn, tiết kiệm; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật và tố giác, đấu tranh với các hoạt động trái pháp luật, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan. Đồng thời, công an các cấp trên địa bàn tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn trong suốt quá trình diễn ra lễ hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm các hoạt động gây rối trật tự công cộng, vi phạm nồng độ cồn; đảm bảo lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ; phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong quản lý lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, không để các đối tượng lợi dụng các hoạt động của lễ hội biến tướng, trục lợi, bất chính trở thành mục tiêu để các đối tượng lợi dụng tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước...
Lực lượng công an tham gia bảo vệ các sự kiện văn hóa trong dịp tết.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, cũng như bảo đảm an toàn cho các lễ hội cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đồng thời tạo khí thế vui vẻ, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách thập phương về con người, vùng đất Lào Cai khi tham dự các lễ hội.