LCĐT - Sau 5 ngày xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể (do ăn tiết canh ngựa nhiễm khuẩn) tại thôn Làng Ha, xã Bản Lầu (Mường Khương), có mặt tại đây, chúng tôi dễ dàng nhận thấy nỗi khiếp sợ vẫn còn trên khuôn mặt mỗi người. Tuy nhiên, khi nỗi sợ chưa qua, thì một số người dân vẫn tỏ rõ thái độ “coi thường” tính mạng, bởi theo họ, nếu biết rõ nguồn gốc gia súc thì vẫn vô tư thưởng thức tiết canh.

Khi tiếp xúc với phóng viên, nhiều bệnh nhân vẫn khẳng định không “quay lưng” với tiết canh. Ảnh: Ba Zin
Đến hôm nay, ông Phàn Văn T, người bị ngộ độc thực phẩm, vẫn còn mệt mỏi vì “miệng nôn, trôn tháo”. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chúng tôi, ông T vẫn thản nhiên cho rằng: Nếu mua ngựa về, nuôi thêm 2 - 3 tuần, thì vẫn có thể đánh tiết canh. Và ông T cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột: Khi đó, tôi vẫn thưởng thức món tiết canh ngựa. Còn Trưởng thôn Làng Ha Nguyễn Thế Thùy cho rằng: Theo truyền thống, nếu các gia đình trong thôn tổ chức đám cưới, vào nhà mới, chắc chắn sẽ mổ lợn hoặc mổ ngựa để mừng. Cùng với món thắng cố thì món tiết canh ngựa không thể thiếu trong ngày vui, đây là món ăn ngon và được nhiều người thưởng thức. Cũng vì thế, việc các ban, ngành của xã mặc dù đã tích cực tuyên truyền về nguy hại do ăn tiết canh, nhưng bà con vẫn bỏ ngoài tai, bởi “ăn mãi có ai làm sao đâu” - ông Thùy khẳng định. Cũng theo ông Thùy, vụ ngộ độc do ăn tiết canh ngựa lần này, trước mắt sẽ khiến nhiều người sợ, nhưng lâu dài, do truyền thống của thôn, việc mổ ngựa, làm tiết canh sẽ vẫn diễn ra và khi đó, chắc không mấy người quay lưng với món ăn “khoái khẩu” này.
Vụ ngộ độc tập thể do ăn tiết canh nhiễm khuẩn tại thôn Làng Ha chỉ là một trong nhiều vụ ngộ độc xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn “điếc không sợ súng”. Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ ngộc độc thực phẩm, trong đó có 5 vụ ngộ độc do ăn tiết canh (4 vụ ngộ độc do ăn tiết canh ngựa và 1 vụ ngộ độc do ăn tiết canh lợn). Theo bà Nguyễn Thị Hải Anh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, việc xảy ra các vụ ngộ độc do ăn tiết canh là khó tránh khỏi. Khẳng định của bà Hải Anh là hoàn toàn cơ sở, bởi nhìn vào kết quả điều tra kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm do Chi cục thực hiện trong năm 2012, sẽ khiến nhiều người không khỏi “giật mình”. Trong thời gian 3 tháng (7 - 9/2012), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phát phiếu điều tra đối với 1.560 người, thuộc 4 nhóm đối tượng, gồm lãnh đạo quản lý; người sản xuất, chế biến thực phẩm; người kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Có đến 97,3% số người được phỏng vấn đều biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm do ăn tiết canh, nhưng có 34,3% số người (thuộc cả 4 nhóm đối tượng) khẳng định vẫn ăn tiết canh. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hải Anh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người dân “khoái” món tiết canh là do văn hóa ăn uống chưa được người dân quan tâm, họ vẫn vô tư ăn tiết canh, mặc dù biết rằng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu những biện pháp mạnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, chính quyền cơ sở và các ban, ngành chức năng cần vào cuộc tích cực hơn. Cùng với tuyên truyền, chính quyền cơ sở phải có biện pháp mạnh, yêu cầu các gia đình khi tổ chức ăn uống đông người phải ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các địa phương cần đưa tiêu chí an toàn thực phẩm vào bình xét danh hiệu gia đình văn hóa; thôn, bản văn hóa hằng năm. Đã đến lúc, người dân cần thay đổi nhận thức, hành vi, tạo thói quen tốt khi ăn uống, không nên coi thường, “điếc không sợ súng”, chỉ vì thiếu kiểm soát trong ăn uống mà đánh đổi tính mạng của chính mình.