Với đường kính 500 m, gấp 30 lần so với kích thước của một sân bóng, kính thiên văn này được các nhà khoa học hy vọng sẽ thu được tín hiệu sóng radio từ các hành tinh xa xôi trong dải ngân hà.
Kính thiên văn FAST của Trung Quốc. |
Ông Douglas Vakoch, Chủ tịch Tổ chức quốc tế METI - một tổ chức chuyên săn tìm dấu vết của người ngoài hành tinh, nhận xét: “Kính thiên văn khổng lồ của Trung Quốc rất có thể cung cấp những phát hiện mới về sự sống ngoài Trái đất”.
Được triển khai lắp đặt trên vùng núi rộng lớn phía tây nam Trung Quốc, kính thiên văn hình cầu với khẩu độ 500 m, có tên gọi FAST, sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 25/9. Nếu hoạt động bình thường, FAST sẽ lập kỷ lục là kính thiên văn lớn nhất hành tinh, khi có kích thước lớn gấp đôi chiếc kính thiên văn Arecibo ở Puerto Rico hiện đang giữ danh hiệu này.
Dự án “khủng” ghép 4.450 tấm panel tam giác thành một khối mặt cầu này được các nhà khoa học Trung Quốc khởi động từ năm 2011 với tổng chi phí lên tới 185 triệu USD. Trong suốt 10 năm, nhóm khoa học đã phải thị sát hơn 400 địa điểm và cuối cùng, vùng núi hẻo lánh - nơi sinh sống của 12 hộ dân trong ngôi làng Nước xanh, tại tỉnh Quý Châu - đã được chọn lựa làm nơi triển khai dự án.
Theo ông Vakoch, kính thiên văn FAST được mong chờ sẽ mở ra kiến thức mới về nguồn gốc vũ trụ bằng việc tìm ra sự phân bổ của hydro - nguyên tố chính hình thành hầu hết các hợp chất cung cấp sự sống trên Trái đất, cũng như về quỹ đạo chuyển động của các vì sao, sóng hấp dẫn... Tuy nhiên, tham vọng lớn nhất khi các nhà khoa học chế tạo ra chiếc kính thiên văn này là tìm được dấu vết về sự sống của người ngoài hành tinh.
Còn ông Peng Bo, Giám đốc Phòng thí nghiệm kỹ thuật thiên văn (NAO) của Trung Quốc cho biết, tiềm lực của FAST có thể gấp từ 5 đến 10 lần so với khả năng của các thiết bị hiện hành.
Tuy nhiên, một nhược điểm mà FAST cũng như các thiết bị thiên văn hiện nay vẫn chưa được khắc phục đó là việc không thể phát hiện và cảnh báo về những mảnh thiên thạch và tiểu hành tinh có thể lao vào Trái đất và hủy diệt sự sống con người.
FAST là sản phẩm tiếp theo cho thấy tham vọng lớn của Trung Quốc trong việc phát triển chương trình không gian. Trước đó, Bắc Kinh cũng phóng Trạm vũ trụ thứ hai có tên là Thiên Cung 2 (Tiangong-2) từ Trung tâm phóng vệ tinh Cửu Tuyền ở Sa mạc Gobi. Mục tiêu dài hạn hơn là sẽ đưa con người lên Mặt trăng và gửi máy thăm dò robot lên sao Hỏa.