Chuyển đổi số và những lợi ích thiết thực đối với người dân

Chuyển đổi số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, xây dựng nền hành chính công không giấy tờ đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, tiết kiệm cả thời gian, công sức, chi phí.

Hành chính công không giấy tờ

Tháng 10 vừa qua, chị Hoàng Tú Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có chuyến công tác đột xuất nước ngoài. Khi làm thủ tục giấy tờ cho chuyến công tác, chị mới phát hiện hộ chiếu phổ thông của mình đã hết hạn. Đang lo lắng tìm cách giải quyết, chị được đồng nghiệp hướng dẫn vào Cổng dịch vụ công Bộ Công an làm thủ tục cấp lại hộ chiếu phổ thông online. Chưa đầy 5 phút khai báo online chị đã hoàn thành thủ tục và nộp tiền trực tuyến. Chị chọn hình thức nhận hộ chiếu qua bưu chính. Chỉ sau 1 tuần hộ chiếu mới được giao đến tận tay cho chị. “Chuyển đổi số mang đến nhiều tiện ích cho người dân quá. Với những thủ tục hành chính trước đây mình phải đi lại rất mất thời gian, tốn công sức chờ đợi. Nay chỉ cần ở nhà thực hiện thao tác trên điện thoại là xong mọi việc”, chị Lan chia sẻ.

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ và nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang.Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ và nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang.

Nền hành chính số, hành chính không giấy tờ đã và đang mang nhiều lợi ích cho nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy mọi hoạt động được tiến hành nhanh hơn, tiện lợi, hiệu quả và minh bạch hơn. Với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, các thủ tục hành chính được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn, người dân và doanh nghiệp chỉ cần một thiết bị kết nối với internet như máy tính hoặc điện thoại để tự thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.

Sau hơn 4 năm hoạt động, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã trở thành địa chỉ tập trung, duy nhất giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính, dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng.

Dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, Cổng Dịch vụ công quốc gia thúc đẩy số hóa hồ sơ, giấy tờ và tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Ông cho rằng, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã phát huy vai trò “một cửa số”giúp minh bạch, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đây là một giải pháp quan trọng, có tính chất đột phá trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và số hóa, Việt Nam đang từng bước áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công tiến tới chuyển đổi số hoá toàn diện, đưa dữ liệu quốc gia về dân cư vào quản lý bằng công nghệ. Một trong những đột phá quan trọng nhất chính là sự ra đời của VNeID - ứng dụng số định danh cá nhân điện tử.

VNeID không chỉ mang lại lợi ích trong việc tích hợp dữ liệu dân cư mà còn góp phần đơn giản hóa và tăng cường hiệu quả của các thủ tục hành chính, mở ra kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa người dân và Chính phủ.

Ông Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, khi các tiện ích trong VNeID ngày càng được hoàn thiện và tích hợp, người dân sẽ không cần phải đi lại nhiều để hoàn tất các thủ tục hành chính, trải qua nhiều bước xác minh hoặc gặp gỡ trực tiếp với cán bộ công chức. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm sử dụng dữ liệu công dân trong hệ thống khi giải quyết các công việc liên quan đến thông tin công dân. Do đó, các rủi ro liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và những phiền hà không cần thiết sẽ giảm đáng kể, dần loại bỏ được cơ chế “xin - cho” để chuyển sang một nền hành chính phục vụ. “Bên cạnh đó, ứng dụng VNeID cũng giúp giảm bớt khối lượng công việc đáng kể cho cán bộ công chức, viên chức. Đây là lợi ích rõ ràng nhất trong việc xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”, ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thanh, lợi ích mà VNeID mang lại không chỉ giới hạn ở sự tiện lợi; ứng dụng cũng đã giúp người dân tiết kiệm được khoảng 30% chi phí và 60% thời gian so với thực hiện các thủ tục hành chính theo cách truyền thống. Việc mỗi công dân được cấp một số định danh duy nhất giúp cho việc quản lý và tính chính xác của dữ liệu được nâng cao, làm giảm nguy cơ sai sót và trùng lập thông tin trong các cơ sở dữ liệu.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, từ ngày 1/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử. VneID được kỳ vọng là siêu ứng dụng chuyển đổi số quốc gia.

Hà Nội và Thừa Thiên Huế là 2 địa phương được Chính phủ lựa chọn thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến trên VNeID cho người dân. Từ ngày 22/4/2024, người dân TP. Hà Nội có thể thực hiện yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch đơn giản, nhanh chóng, trực tuyến, mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh, không còn tái diễn tình cảnh xếp hàng chờ đến lượt tại trụ sở Sở Tư pháp Hà Nội.

Theo thống kê, trong thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 22/4 - 20/6/2024, TP. Hà Nội đã thực hiện tiếp nhận trên 86% hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneiD. Dựa vào hiệu quả thực tế, mỗi người dân có thể tiết kiệm gần 400.000 đồng/1 yêu cầu cấp Phiếu (ước giảm thực tế sau 2 tháng thực hiện là 1,9 tỷ và dự kiến khoảng 10,7 tỷ đồng/năm), số lượng công dân đến Sở Tư pháp giảm từ 200 - 300 công dân/ngày xuống còn khoảng 30 - 40 công dân/ngày.

Đặc biệt, từ ngày 1/6 - 31/12/2024, người dân TP Hà Nội khi có đề nghị cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID không phải nộp phí cung cấp thông tin Lý lịch tư pháp. Đây là chính sách hỗ trợ đặc thù của TP Hà Nội.

Dịch vụ công trực tuyến ngày càng được triển khai sâu rộng, hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" Đề án Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, diễn ra ngày 10/6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Đã thực hiện tái cấu trúc quy trình đối với hầu hết các dịch vụ công thiết yếu; thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử, tái sử dụng dữ liệu số hóa giúp tiết giảm thủ tục, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Kết quả, đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Đã cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Có 62/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết về miễn giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm. Đã chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, bước đầu phát huy hiệu quả (với nhu cầu 2,6 triệu phiếu lý lịch tư pháp trên toàn quốc hằng năm, dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng mỗi năm).

Bên cạnh đó, Ứng dụng VNeID được người dân hưởng ứng sử dụng với số lượng truy cập khoảng 29,3 triệu lượt/tháng; doanh nghiệp xác thực căn cước khoảng 500.000 lượt/tháng; 100% học sinh nộp hồ sơ và xét điểm ưu tiên thông qua dữ liệu dân cư.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tự tin, đổi mới, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", phát huy quyết tâm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cân đong đo đếm được", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tập trung thực hiện các nhiệm vụ để xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, tồn tại. Trong đó, đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân. Thủ tướng đề nghị hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; khẩn trương đánh giá những dịch vụ công đang thí điểm hiệu quả như cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Thừa Thiên Huế và Hà Nội để nhân rộng trên toàn quốc.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, tạo tiền đề cho phát triển, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo vov.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần kết nối tốc độ cao để trải nghiệm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh

Người dùng cần kết nối tốc độ cao để trải nghiệm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh

Theo báo cáo mới nhất của ConsumerLab từ Ericsson, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) đang trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng smartphone 5G toàn cầu để có kết nối vượt trội, ổn định, tốc độ cao khi trải nghiệm.

Xử lý dứt điểm “điểm nghẽn” trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06

Xử lý dứt điểm “điểm nghẽn” trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06

Chiều 14/11, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 quý III/2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024.

Nâng cao năng lực kinh doanh số cho thanh niên: Thúc đẩy phát triển kinh tế số, đồng hành cùng trách

Nâng cao năng lực kinh doanh số cho thanh niên: Thúc đẩy phát triển kinh tế số, đồng hành cùng trách

Chương trình “Thúc đẩy phát triển kinh tế số - Đồng hành cùng trách nhiệm xã hội” với mục tiêu chính nhằm nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam vừa được khởi động với sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội số hóa mới cho người trẻ để có thể nắm bắt và phát triển hiệu quả.

Để “không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Để “không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Trong làn sóng phát triển của công nghệ, xã hội đang chứng kiến sự thay đổi chưa từng có về cách thức kết nối, học hỏi và làm việc. Tuy nhiên, trong hành trình dài, có người đã tiến rất nhanh, vẫn có người đang ở bước khởi đầu. Vì lẽ đó, câu hỏi đặt ra: Ai đang bị bỏ lại phía sau khi thế giới tiến vào kỷ nguyên số?

Chuyển đổi số ngành Logistics: Cơ hội và thử thách cho doanh nghiệp Việt

Chuyển đổi số ngành Logistics: Cơ hội và thử thách cho doanh nghiệp Việt

Thương mại điện tử cùng với sự phát triển của công nghệ số đang đem lại không ít cơ hội và thách thức đối với ngành logistics. Cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia và xu hướng của nền kinh tế số, các doanh nghiệp logistics Việt đang đứng trước những ngã rẽ, lựa chọn quan trọng để có thể vươn mình, bứt tốc.

fbytzltw