Phát triển công nghệ vì cộng đồng

Công nghệ hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Vậy phải làm sao để phát triển công nghệ nhằm mục tiêu không chỉ thúc đẩy kinh tế, mà còn phải tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.

2.jpg
Đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.

Đó là những nội dung mà các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng thảo luận tại hội thảo “Từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng: Sẵn sàng tham gia hiệu quả vào kinh tế số” do Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (IRSD), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI), Singapore tổ chức.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế, một số cơ quan quản lý và doanh nghiệp chia sẻ những xu hướng phát triển của công nghệ và kinh tế số, đồng thời trao đổi về những thách thức và đề xuất để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo ra các giá trị bền vững, bao trùm cho cộng đồng trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ qua bài trình bày “Từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng”, ông Keith Detros, Quản lý chương trình Viện TFGI nhận định, công nghệ số và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ được kỳ vọng là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á khi kinh tế số chiếm hơn 10% trong tổng cơ cấu GDP tại 4 quốc gia trên 6 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Ông Keith Detros, Quản lý chương trình Viện TFGI chia sẻ tại hội thảo.
Ông Keith Detros, Quản lý chương trình Viện TFGI chia sẻ tại hội thảo.

Ông Keith Detros cho biết, nền kinh tế số tại Việt Nam đóng góp 14,26% tổng GDP, cao nhất trong 6 quốc gia. Tuy nhiên, nền kinh tế số phát triển nhanh chóng đi kèm với những thách thức về bất bình đẳng, rủi ro về an ninh mạng, xu hướng việc làm và môi trường. Báo cáo cho biết 54% doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế số tham gia khảo sát ở Việt Nam có mong muốn giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững nhưng mức độ triển khai và mức độ thực sự hành động còn thấp, lần lượt ở mức 31% và 4%.

Để kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng, thì sự phối hợp chặt chẽ, chung tay giữa chính phủ, doanh nghiệp và các bên tham gia kinh tế số là vô cùng cần thiết trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh và chính sách, cũng như xây dựng xã hội số vững mạnh với hạ tầng số, kỹ năng số và nguồn nhân lực số chất lượng. Do đó, các chính sách cần được xây dựng kịp thời, thống nhất, tránh chồng chéo để tiếp tục tạo môi trường khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và tham gia vào nền kinh tế số, hướng đến mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp số và giải quyết những thách thức mới của nền kinh tế số.

Trong khi đó, báo cáo “Nền kinh tế gig với trường hợp của xe công nghệ ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (IRSD) lại đặt ra câu hỏi “Có phải thế giới đang diễn ra một cuộc cách mạng về việc làm?”.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, năm 2023, ước tính có khoảng 435 triệu người tham gia vào nền kinh tế gig (hay còn gọi là kinh tế hợp đồng/kinh tế tự do), chiếm 12% thị trường lao động toàn cầu, và tỷ lệ này ở Việt Nam là 14% và được dự báo là sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Kinh tế gig gồm nhiều loại công việc ở các trình độ khác nhau như lau dọn, văn phòng, lập trình CNTT, hoạt động nghệ thuật hay tư vấn.

Ở Việt Nam, lái xe công nghệ là một trong những công việc phổ biến nhất được biết đến của kinh tế gig. Theo khảo sát của Viện IRSD, có ba yếu tố khiến một người quyết định lựa chọn trở thành lái xe công nghệ hay đối tác tài xế của các nền tảng gọi xe công nghệ như Grab, Be, GoJek. Ba yếu tố đó là thu nhập, tính linh hoạt về thời gian và sự phát triển bền vững.

Theo đó, hơn 80% lái xe công nghệ được hỏi nhận thấy các yếu tố về thu nhập, chất lượng cuộc sống, tinh thần và thời gian cho gia đình đều tăng lên và đồng ý rằng công việc giúp họ có sự chủ động về thời gian, có thể sắp xếp nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Về yếu tố phát triển bền vững, hơn 80% lái xe được hỏi đồng ý rằng việc lái xe công nghệ giúp tận dụng tài sản cá nhân nhàn rỗi để chia sẻ, tiết kiệm tài nguyên và giảm khí thải nhờ sử dụng định vị GPS để đón, trả khách tại đúng điểm. Phần lớn những lái xe tham gia nghiên cứu xác định lái xe công nghệ là công việc chính và muốn gắn bó lâu dài trong tương lai, điều này đặt ra những vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững, hài hoà được trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp và cá nhân tham gia kinh tế số.

Cùng với các báo cáo của hai viện, phiên thảo luận mở cung cấp những góc nhìn đa chiều từ người làm chính sách, các chuyên gia trong nước, quốc tế và doanh nghiệp công nghệ về những xu hướng việc làm từ sự phát triển của kinh tế số, cũng như cách thức để tận dụng sự phát triển công nghệ, kinh tế số một cách hiệu quả và đem lại lợi ích bền vững cho cộng đồng.

TS. Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, trong thời gian tới, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được xem là lựa chọn “sống còn” cho bứt phá phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Chiến lược Phát triển Nguồn Nhân lực quốc gia nói chung và của từng địa phương nói riêng trong 10 năm tới phải chú trọng giải quyết vấn đề nguồn nhân lực chủ động thích ứng, để tiếp cận với thành tựu của khoa học công nghệ mới và hóa giải thách thức của nó.

Theo đó, cần tập trung vào một số biện pháp sau: Thứ nhất, phát triển và hoàn thiện khung năng lực số quốc gia, cũng như có chiến lược để tăng cường năng lực này cho người dân nói chung và lực lượng lao động nói riêng (thông qua việc xây dựng và triển khai đề án phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân; cũng như các chương trình đào tạo, trang bị kỹ năng kỹ thuật số cho người lao động – có sự tham gia tích cực của khu vực công và tư nhân, nhất là các doanh nghiệp công nghệ).

Thứ hai, cần đặc biệt chú trọng để có cơ chế, chính sách đào tạo đặc thù cho nhóm lao động phi chính thức (nhất là người lao động chưa qua đào tạo hay có kỹ năng thấp) để họ có thể được trang bị kiến thức và kỹ năng lao động phù hợp, trong đó có kỹ năng số, nhằm mục tiêu hỗ trợ họ chuyển đổi việc làm sang khu vực chính thức và thích ứng với sự chuyển đổi và ứng dụng công nghệ mới trong thời gian tới.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại của Grab chia sẻ một trong những khó khăn của doanh nghiệp công nghệ là nhận thức và độ cởi mở để tiếp cận những điểm mới. Chính phủ đã có rất nhiều chính sách và nỗ lực để thúc đẩy kinh tế số nhưng cần có sự đồng bộ giữa các ngành và lĩnh vực để doanh nghiệp công nghệ có thể tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế số và thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào nền kinh tế số.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS. TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh thể chế chính sách cho mô hình kinh tế mới cũng cần có tính thích ứng để tạo môi trường phát triển cho kinh tế số. Với những bước hoàn thiện về thể chế chính sách, cũng như sự thay đổi nhận thức từ phía lực lượng lao động, người dân nói chung, công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số mạnh mẽ hơn,và còn tạo ra các giá trị bền vững, bao trùm cho cộng đồng trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hệ thống báo Đảng tiên phong chuyển đổi số, đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới

Hệ thống báo Đảng tiên phong chuyển đổi số, đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới

Sáng 16/5, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc mở rộng lần thứ 30 với chủ đề “Phát huy truyền thống báo chí cách mạng, tiên phong chuyển đổi số, đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới” do Báo Hànộimới đăng cai tổ chức.

Bát Xát: Hơn 160 cán bộ, giáo viên được tập huấn chuyển đổi số

Bát Xát: Hơn 160 cán bộ, giáo viên được tập huấn chuyển đổi số

Ngày 15/5, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Bát Xát tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho 167 học viên là cán bộ quản lý, viên chức, văn thư, bí thư đoàn trường, nhân viên phụ trách công nghệ thông tin của các trường học; cán bộ phụ trách chuyển đổi số Trung tâm Y tế và văn thư các trạm y tế trên địa bàn huyện.

Quán triệt, triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lưu trữ, quản lý tài liệu trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy

Quán triệt, triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lưu trữ, quản lý tài liệu trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy

Chiều 12/5, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương.

Bước tiến mới trong dịch vụ cấp nước

Bước tiến mới trong dịch vụ cấp nước

Công ty Cổ phần Cấp nước Lào Cai đang tích cực triển khai chuyển đổi hợp đồng dịch vụ cấp nước từ bản giấy sang hợp đồng điện tử - tiến trình quan trọng trong hành trình chuyển đổi số toàn diện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội

Khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội

Chiều 9/5, tại Cơ sở 2 của Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số Thành phố (số 17 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội - thiết chế báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại đầu tiên của thành phố, được xây dựng nhằm phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin truyền thông trong kỷ nguyên số.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên: Chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

Vườn Quốc gia Hoàng Liên: Chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được ứng dụng mạnh trên mọi lĩnh vực, Vườn Quốc gia Hoàng Liên - nơi được mệnh danh là “kho báu sinh học” của vùng Tây Bắc cũng bắt nhịp với xu thế. Những năm gần đây, công tác chuyển đổi số đã và đang trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Ngân hàng chuyển đổi số

Ngân hàng chuyển đổi số

Mục tiêu của quá trình chuyển đổi số ngân hàng là đặt khách hàng làm trung tâm, giúp ngân hàng kết nối và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thực hiện nội dung này, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ số để khai thác thị phần khách hàng.

fb yt zl tw