Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News

Để “không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

0-7986.jpg

Bà Hoàng Thị Xuân, tổ dân phố Mã Tuyển, thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) thức khuya, dậy sớm để bán bánh, chưa từng nghĩ tới việc có ngày dùng điện thoại di động phát trực tiếp việc bán hàng của mình, quảng cáo món ăn hay giới thiệu cây bơ của gia đình đã vào mùa thu hoạch quả.

Dù phạm vi lan tỏa chỉ quẩn quanh hàng xóm, họ hàng sống cùng vị trí địa lý nhưng vẫn có thêm người biết tới thông điệp mà mình đã chia sẻ, bà Xuân vui lắm. Bà Xuân cho biết: "Từng trải qua thời mua nhu yếu phẩm bằng tem phiếu, tiêu tiền xu, đi bộ hàng chục cây số mới có thể tới chợ trung tâm huyện để mua một chiếc ra-đi-ô, tôi chưa từng nghĩ tới việc có ngày công nghệ phát triển đến mức có thể mua bán mà không cần gặp nhau, không cần đưa tiền mặt như bây giờ".

Thế nhưng, để có thể tiếp cận với công nghệ mới, bà Xuân phải mò mẫm, “hỏi lên hỏi xuống” những phụ nữ cùng tổ dân phố, ban đầu bấm từng đầu ngón tay trên màn hình máy tính và điện thoại... Những ngày đầu tiếp cận, công nghệ mới là rào cản đối với bà và người cùng thế hệ vốn quen với giấy bút hơn là bàn phím, màn hình. Đối với nhiều người như bà Xuân, điện thoại thông minh hay máy tính không chỉ là công cụ giao tiếp mà trở thành cánh cửa dẫn đến tri thức mới, cảm giác háo hức giống như lần đầu bà đi từ làng ra chợ huyện mua ra-đi-ô cách đây mấy chục năm trời.

120.jpg

Để giúp những phụ nữ vốn chỉ quen với công việc nương đồi, tiếp cận công nghệ số, chị Sin Hoài Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Mường Khương làm việc không tính ngày, giờ. Trưởng thành từ phong trào đoàn, từng là “chiến sĩ” sôi nổi trên mặt trận thông tin, người tiên phong trong tổ công nghệ số cộng đồng, hơn ai hết, chị Thu hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc lan tỏa “kỹ năng số”.

Thị trấn Mường Khương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vẫn có khoảng cách lớn với các đô thị miền xuôi. Phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ trung niên hoặc cao tuổi gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận tiện ích mới từ công nghệ số. “17 tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương đều có các thành viên là chi hội trưởng, hội viên của Hội Phụ nữ thị trấn. Chúng tôi luôn đồng hành, cầm tay chỉ việc, làm một lần không được thì nhiều lần, người biết nhiều hướng dẫn người chưa biết, có thể đi chậm một chút nhưng sẽ không để ai bị bỏ lại” - chị Thu chia sẻ.

Với đặc thù tỉnh miền núi, biên giới, trẻ em ở vùng xa cũng đối diện nguy cơ bỏ lại phía sau khi hạ tầng internet chưa đồng bộ. Hiện nhiều học sinh tại một số khu vực còn chưa biết đến máy tính, trong khi những bạn cùng trang lứa ở thành phố đã thành thạo kỹ năng lập trình. Hay với người cao tuổi sống ở những thôn, bản xa, việc mò mẫm ấn nút bấm trên điện thoại “cục gạch” vẫn “nhầm lên nhầm xuống” thì việc sinh trắc học nếu không có người hỗ trợ, chẳng khác gì bắt họ “lên trời” khi chưa hề được trang bị một đôi cánh phía sau.

121.jpg

Với những người đã “biết chút ít” về công nghệ số thì việc làm sao để biến công nghệ đó trở thành tiện ích phục vụ cuộc sống vẫn là hành trình dài. Dù đã được hỗ trợ lập tài khoản VNeID, thậm chí đã nâng cấp mức độ 2, vậy nhưng chị Giàng Thị Chứ ở thôn Pạc Tà, xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) vẫn chưa biết cách sử dụng ứng dụng này như thế nào. Sau khi được công chức ở bộ phận “một cửa” tư vấn, hướng dẫn lấy lại mật khẩu, chỉ từng thao tác, chị Chứ đã biết cách khai thác, sử dụng tiện ích từ ứng dụng này.

Chị Chứ chia sẻ: Tôi đến đây để làm giấy khai sinh cho con. Nghe mọi người nói có thể làm trực tuyến trên điện thoại tiện lắm nhưng tôi chỉ biết dùng điện thoại xem video, mạng xã hội, gọi điện, chat với bạn bè, chưa biết dùng tính năng này. Đến UBND xã, tôi được cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ cài lại mật khẩu tài khoản định danh mức độ 2 và làm hồ sơ rất nhanh gọn. Nếu sau này sinh thêm bé nữa, tôi nhất định sẽ tự làm tại nhà.

Trên thực tế, thách thức về công nghệ số không chỉ riêng của một nhóm người mà của toàn xã hội. Mỗi đơn vị, tổ chức, cá nhân đều có khó khăn riêng, tổ chức lớn thì khó khăn lớn, cá thể nhỏ có khó khăn của cá thể nhỏ. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các tổ chức xã hội đã có những hướng đi tích cực để khắc phục tình trạng này. Các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lớn tuổi, cải thiện hạ tầng công nghệ ở vùng xa; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp được triển khai trên cả nước. Nỗ lực này có từ sự hướng dẫn sử dụng mạng xã hội, đặt hàng, thanh toán trực tuyến, sử dụng ngân hàng số; trong cuộc đua công nghệ, cuộc đua sử dụng trí tuệ nhân tạo; việc ứng dụng từng sản phẩm, ứng dụng nhỏ, từng nền tảng chung mà các nhóm dân cư đang cùng tiếp cận... Tất cả cùng hướng đến mục tiêu mang lại trải nghiệm thực tế, tiện ích hơn cho cuộc sống của con người.

Trong kỷ nguyên số, khi công nghệ mang đến cơ hội chưa từng có, xã hội phải nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Cơ hội phát triển là của tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa lý hay hoàn cảnh sống. Có thể nói, kỷ nguyên số chỉ thực sự thành công khi mọi người đều có quyền tiếp cận và cùng tiến bước, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.

***


di-de-224-x-32-cm-224-x-275-cm.jpg

Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Làng Đào 2, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng thành lập từ đầu năm 2023 với 5 thành viên. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, tổ trở thành lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số ngay từ cơ sở.

Trong thời gian đầu mới thành lập, Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Làng Đào 2 gặp không ít khó khăn. Dân cư trong thôn chủ yếu là người dân tộc thiểu số, quanh năm chỉ làm vườn, bám ruộng nên khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế. Vì vậy, tổ đã chia nhỏ thành các nhóm, phụ trách từng hộ để “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống phát thanh; lồng ghép họp thôn để bà con hiểu rõ mục đích, tiện ích của chuyển đổi số mang lại trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bước đầu, người dân trong thôn đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt, sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống hằng ngày.

Ngay từ khi thành lập, Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Làng Đào 2 luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số. Sau hơn 1 năm hoạt động, tổ đã phát huy hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, do đặc thù là thôn vùng sâu nên vẫn còn nhiều khó khăn, do độ phủ sóng viễn thông thấp, trình độ giữa các thành viên trong tổ không đồng đều, khả năng tiếp cận công nghệ của bà con còn hạn chế… Thời gian tới, các thành viên sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức, có thêm sáng kiến, phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền về chuyển đổi số. Đồng thời, tham mưu với lãnh đạo xã tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ để Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Làng Đào 2 thực sự là “cánh tay nối dài” của ban chỉ đạo chuyển đổi số, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia quá trình chuyển đổi số.

***


11.jpg

Thời gian qua, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Mường Khương đã được quan tâm đầu tư trang - thiết bị phục vụ chuyển đổi số, đưa kỹ thuật số vào các giờ giảng, tiết học của thầy giáo, cô giáo và học sinh. Việc chuyển đổi số đã giúp việc dạy và học thuận lợi hơn.

Hiện, 100% cán bộ, giáo viên của trường đã được trang bị, máy tính xách tay để soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng, khai thác nội dung học tập trên các phần mềm, kho học liệu, đầy đủ hình ảnh minh họa về lịch sử, bản đồ địa lý… để minh chứng thêm cho các bài học trong sách giáo khoa. 100% lớp học đã được trang bị ti vi thông minh kết nối internet, để kết nối giữa giáo viên và học sinh, kết nối các tiết học trực tuyến, kết nối với các trường học khác trong và ngoài tỉnh, qua đó giúp học sinh giao lưu trực tuyến, mở rộng kiến thức.

Ngoài ra, trường cũng được trang bị 2 phòng tin học với 40 máy tính để phục vụ việc học của học sinh. Năm học 2024 - 2025, nhà trường thí điểm học bạ số đối với học sinh, giúp ích rất nhiều trong quản lý học sinh về hồ sơ, thành tích, kết quả học tập của từng năm học cho đến khi học sinh ra trường.

Chuyển đổi số đã tác động tích cực tới giáo dục, mang lại lợi ích, hiệu quả thiết thực đối với Trường Tiểu học số 1 thị trấn Mường Khương cũng như nhiều trường học khác. Chuyển đổi số đang là xu thế mới để nâng cao chất lượng trong giáo dục. Tuy nhiên, đối với huyện nghèo như Mường Khương, chuyển đổi số trong trường học, khó khăn nhất vẫn là cơ sở vật chất, điều kiện về internet cũng như phần mềm sẽ chậm hơn so với các khu vực trung tâm phát triển khác.

***


118.jpg

Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số có vai trò quan trọng đối với chính quyền cơ sở. Bởi đây là giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng không gian, cơ hội phát triển. Đặc biệt hơn, chuyển đổi số sẽ rút ngắn khoảng cách, tạo kết nối linh hoạt giữa chính quyền với người dân cả về không gian lẫn thời gian; tạo cho diện mạo mới cho nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tuy nhiên, hiện nay, ở các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số trở ngại lớn nhất là việc giúp người dân tiếp cận công nghệ số, các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính. Cùng với đó, hạ tầng internet cũng chưa đồng bộ. Nhiều hộ dân chưa được phủ sóng internet, sóng 3G, 4G, nên hạn chế tham gia các hoạt động chuyển đổi số, nhất là việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ công trực tuyến. Người dân vùng cao còn e dè trong thao tác khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến do kỹ năng, thông tin hạn chế...

Để “chuyển đổi số” đi vào cuộc sống, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần thay đổi tư duy lãnh đạo, thay đổi cách nhìn nhận, ứng dụng của cán bộ, đảng viên rồi mới đến Nhân dân. Tập trung hoàn thiện 3 yếu tố quan trọng: hạ tầng số, con người, cơ chế... gắn với tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số cho người dân. Tiếp tục củng cố hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn, bản và xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; tiếp cận và phát huy thương mại điện tử, tạo cơ hội phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

***


119.jpg

Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động công vụ đang trở thành xu hướng tất yếu, đặc biệt ở cấp xã, nơi người dân tiếp xúc trực tiếp với chính quyền cơ sở. Với sự phát triển của công nghệ, các ứng dụng, như cổng thông tin điện tử, di động và hệ thống quản lý hành chính công trực tuyến đang giúp công chức cấp xã cải thiện đáng kể chất lượng phục vụ người dân.

Đầu tiên, việc ứng dụng công nghệ số đã giúp đơn giản hóa quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Thay vì phải đến trụ sở xã để nộp hồ sơ, người dân có thể sử dụng các ứng dụng trực tuyến để đăng ký các dịch vụ công: thủ tục cấp giấy khai sinh, thủ tục đăng ký thường trú, thủ tục cấp giấy phép xây dựng... Thủ tục hành chính trực tuyến không chỉ giảm thời gian đi lại, còn giúp người dân dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ. Khi đó, người dân chỉ cần vài thao tác trên điện thoại hoặc máy tính là có thể tra cứu thông tin cần thiết; tăng tính minh bạch và nâng cao niềm tin của người dân đối với chính quyền.

Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ nhiều cho cán bộ, công chức xã trong việc quản lý dữ liệu và xử lý công việc hằng ngày. Thông qua hệ thống quản lý điện tử, dữ liệu của người dân được lưu trữ và truy xuất nhanh chóng, giảm bớt tình trạng thất lạc giấy tờ hoặc sai sót thông tin. Việc số hóa tài liệu còn giảm chi phí in ấn, lưu trữ tài liệu, tạo môi trường làm việc hiện đại và chuyên nghiệp hơn.

Với tôi, các ứng dụng công nghệ số đã cải thiện khả năng giao tiếp, phản hồi với người dân. Mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin hiện nay đều được sử dụng như một công cụ để cung cấp thông tin chính thức, cảnh báo và thông báo kịp thời tới người dân, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh. Qua đó, giúp cán bộ phụ trách địa bàn nắm bắt nhanh chóng ý kiến, phản hồi của người dân, từ đó xử lý các vấn đề phát sinh kịp thời và hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp giảm chi phí, công lao động, tăng lợi nhuận cho nông dân. Bên cạnh đó, quá trình này cũng giúp nông dân tiếp cận thông tin và công nghệ mới để tạo ra sản phẩm có chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản nước ta trên thị trường quốc tế.

Chuyển đổi số ngành BHXH: Người dân được thụ hưởng nhiều hơn, tiện ích hơn

Chuyển đổi số ngành BHXH: Người dân được thụ hưởng nhiều hơn, tiện ích hơn

Với trọng tâm gồm nâng cao nhận thức chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trên môi trường số, trong thời gian qua công tác chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã đạt được những thành tựu ấn tượng, từ đó gia tăng những quyền lợi được thụ hưởng cũng như tiện ích cho người dân.

Gần 120.000 người dân đã được tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID

Gần 120.000 người dân đã được tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, tính đến thời điểm hiện tại, trên phần mềm Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID tỉnh Lào Cai có 119.167/404.466 người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID) được tích hợp, hiển thị Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng.

'AI sẽ là cánh tay nối dài, nhưng con người vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định'

'AI sẽ là cánh tay nối dài, nhưng con người vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định'

Khẳng định tại Đại hội Sales và Marketting toàn quốc VSMCamp, Phó Chủ tịch FPT Education Hoàng Nam Tiến khẳng định, trong kỷ nguyên AI, mỗi cá nhân cần có một “trợ lý AI” để hỗ trợ học tập và phát triển. AI sẽ là cánh tay nối dài, nhưng con người vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định.

Bảo vệ người dân trên môi trường số - thách thức của toàn xã hội

Bảo vệ người dân trên môi trường số - thách thức của toàn xã hội

Cùng với tốc độ tăng trưởng kết nối Internet, người dân hội nhập vào môi trường số thì những nguy cơ mất an toàn an ninh mạng, bị tấn công, lừa đảo cũng nhiều hơn. Điều này đang đặt ra những thách thức đối với không chỉ các cơ quan quản lý, các bộ ngành mà còn với chính cả mỗi người dân.

Hơn 100 đại biểu được tập huấn nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Hơn 100 đại biểu được tập huấn nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai

Ngày 22/11, tại thành phố Lào Cai, Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên hệ thống thông tin cơ sở.

fbytzltw