Sinh viên tham vấn du học Mỹ.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức Hội thảo công bố báo cáo thường niên 2023 với chủ đề “Dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các trường đại học, tổ chức trên toàn quốc.
Xếp thứ 23 trên 40 quốc gia thi IELTS
Thông tin tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia cho biết, theo dữ liệu từ tổ chức IELTS, điểm thi trung bình của người Việt năm 2022 là 6.2/9.0, xếp thứ 23 trên tổng số 40 quốc gia tổ chức kỳ thi IELTS, cùng hạng với Hàn Quốc, Pakistan và Ấn Độ.
Độ tuổi thi IELTS của người Việt Nam ngày càng trẻ hơn. Cụ thể, vào năm 2018, gần 52% người thi IELTS có độ tuổi trên 23 nhưng đến năm 2023, nhóm độ tuổi này chỉ còn chiếm 20%. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên từ 16 đến 22 tuổi dự thi IELTS đã tăng lên 62%.
Năm 2023, chỉ tính riêng nhóm 16-18 tuổi, số người dự thi chứng chỉ này đã chiếm 30%, tăng 20 lần so với tỷ lệ chỉ gần 1,5% của năm 2018; nhóm 19 - 22 tuổi tăng hơn hai lần so với tỷ lệ 13% của năm 2018.
Tuy nhiên, báo cáo thường niên năm 2023 về “Dạy và học Ngoại ngữ ở Việt Nam” cũng cho thấy, kết quả của học sinh Việt Nam chưa thực sự vượt trội trong các kỳ thi tiếng Anh quốc tế. Học sinh Việt Nam thể hiện thế mạnh trong môn đọc (reading) và nghe (listening) nhưng gặp khó khăn nhất với môn nói (speaking), trong đó, điểm trung bình môn nói cho kỳ thi TOEFL là 14/30 và cho kỳ thi IELTS là 5.8.
Thách thức chất lượng dạy và học đại trà
Ở bình diện rộng trên cả nước, kết quả thi môn Tiếng Anh không mấy khả quan, thể hiện ở điểm thi môn học này trong Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia. Điểm thi trung bình của học sinh từ năm 2021 đến 2023 đạt 6/10 điểm, trong đó 42 - 50% học sinh đạt dưới điểm 5.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh, trong 10 năm trở lại đây, việc triển khai dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt ở các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, các thành phố lớn. Cùng với việc phát triển về quy mô, chất lượng dạy và học cũng tăng lên, thể hiện ở sự đa dạng, phong phú trong cách tiếp cận của người học, người dạy.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc dạy - học Ngoại ngữ tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu giáo viên, chất lượng đội ngũ giảng dạy; hạn chế tiếp cận do vùng miền; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học…
Theo Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh, trong 10 năm trở lại đây, việc triển khai dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt ở các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, các thành phố lớn. Cả người dạy và người dạy và người học đều có nhiều sự thay đổi trong cách tiếp nhận, nhận thức về vai trò của môn học này cũng thay đổi.
Chương trình môn Tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế nhằm tạo sự liên thông, liền mạch trong quá trình dạy - học tiếng Anh trong toàn bộ hệ thống, từ lớp 1 đến lớp 12. Việc triển khai theo lộ trình dần dần thay thế các chương trình dạy ngoại ngữ hiện có. Tính đến thời điểm hiện tại, Chương trình môn Tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 trên 63 tỉnh, thành phố.
Đến năm học 2022 - 2023, số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình Ngoại ngữ mới ở cấp Tiểu học là 84%, Trung học Cơ sở là 87%, Trung học Phổ thông là 77%.
Khảo sát kết quả và trải nghiệm học tập của học sinh đối với môn Ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy chương trình đã khơi gợi được cho học sinh sự hứng thú với môn Ngoại ngữ khi hầu hết các em đều cho rằng rất thích thú với giờ học tiếng Anh, đặc biệt là học sinh Tiểu học. Giáo viên đang tham gia dạy môn tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cho rằng, học sinh ở các cấp học hứng thú hơn rất nhiều trong các giờ học.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc dạy - học Ngoại ngữ tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu giáo viên, chất lượng đội ngũ giảng dạy; hạn chế tiếp cận do vùng miền; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học… Theo đó, hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, các thầy cô giáo góp ý, trao đổi ý kiến, nêu giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, nâng cao chất lượng, quy mô triển khai dạy, học Ngoại ngữ ở các cấp học tại Việt Nam.