Trong những năm qua, cùng với sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Lào Cai đã luôn chú trọng nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc các dân tộc. Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thành phố Lào Cai, giai đoạn 2011 - 2015".
Thành phố Lào Cai đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện bảo tồn, phát huy vốn văn hóa bản sắc các dân tộc, lồng ghép với thực hiện các phong trào: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa… Khuyến khích nhân dân các dân tộc thiểu số mặc trang phục dân tộc mình trong các dịp ngày lễ, tết, mít tinh kỷ niệm, đại hội, hội nghị, tổ chức lễ hội, hội thi, hội diễn. Định kỳ 2 năm một lần, thành phố tổ chức Hội thi văn nghệ các dân tộc thiểu số. Các tiết mục dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số được khuyến khích và chú trọng tổ chức trong các lễ hội, hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm, hội thi văn nghệ thanh, thiếu nhi các dịp hè, các chương trình nghệ thuật chào mừng khách tới thăm và làm việc với thành phố; chương trình giao lưu văn nghệ đối ngoại với huyện Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc), các buổi hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí tại các nhà văn hóa xã, phường, nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư. Chương trình Lễ hội Đền Thượng hằng năm có nội dung thi hát các làn điệu dân ca. Đặc biệt, thành phố đã thể nghiệm thành công và hiệu quả hoạt động của 7 câu lạc bộ nghệ thuật, có thể coi như các "bảo tàng sống" về bản sắc văn hóa.
Nhằm bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian, định kỳ 2 năm 1 lần, thành phố tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số. Các môn thể thao truyền thống (vật, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, chọi gà, cờ tướng...), các trò chơi dân gian (chơi đu, đi cầu thăng bằng, bịt mắt bắt dê, bắt vịt, bịt mắt đánh trống, nhảy bao bố, múa sạp, đi cà kheo, bắt chạch trong chum…) được duy trì tổ chức thường xuyên trong các lễ hội, dịp Tết nguyên đán và các hoạt động kỷ niệm. Lễ hội Đền Thượng được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm, thu hút hàng vạn nhân dân và du khách tham dự. Lễ hội xuống đồng, lễ hội xuân cũng được duy trì tổ chức tại các xã, phường: Tả Phời, Hợp Thành, Đồng Tuyển, Vạn Hoà, Cam Đường, Bắc Cường, Nam Cường... Tại Đền Cấm, hàng năm vào ngày Thìn, tháng Bảy, tổ chức Lễ cấm bang, tưởng nhớ các binh lính nhà Trần đã hy sinh bảo vệ miền biên giới phía Bắc và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh, cam kết bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Trong các lễ hội cấp thành phố, cấp xã, phường đều có khu vực không gian dành riêng cho văn hóa ẩm thực. Đồng thời trong hoạt động lễ hội, có tổ chức các cuộc thi: Thi gói bánh chưng nhanh và đẹp, thi nấu cơm, thi đồ xôi bảy màu.
Công tác quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm. Thành phố đã có 3 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia: Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Cấm; 2 di tích được UBND tỉnh xếp hạng: Đền Đôi Cô và Chùa Cam Lộ. Hằng năm, các di tích được trùng tu tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và ngân sách nhà nước. Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hoá của thành phố và UBND các xã, phường đã phối hợp tổ chức quản lý và khai thác phát huy hiệu quả các di tích, phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và khách du lịch đến với Lào Cai.
Đến nay, thành phố có 14 nhà văn hóa xã, phường, 115 nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư. 5/5 xã đều có nhà văn hóa xã, bưu điện văn hoá xã, 51/80 thôn có nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân có nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí... góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Trong thời gian tới, vừa duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp chỉ đạo của các cấp, các ngành, các đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng 3 đến 5 thôn văn hóa, mỗi thôn có đội văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc. Phục dựng, bảo tồn một số ngôi nhà truyền thống dân tộc Tày, Giáy, Dao, Xá Phó, cả về nội thất và ngoại thất. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các lễ hội, hội thi văn nghệ các dân tộc thiểu số, hội thi thể thao các dân tộc thiểu số, hoạt động các câu lạc bộ nghệ thuật…
Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc sẽ mang lại nhiều lợi ích, góp phần tích cực xây dựng thành phố Lào Cai hướng tới văn minh hiện đại, giàu bản sắc./.