LCĐT - “Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lắc/ Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không?/ - Thầy thuốc đi chơi/ Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lắc…”. Điệp khúc ấy được đoàn “rồng rắn” là đám trẻ con nối đuôi nhau hát đi hát lại cho đến khi thầy thuốc nói có nhà mới ngưng. Sau đó, thầy bắt đầu ra điều kiện cho thuốc. Cuộc đối đáp kết thúc bằng màn đuổi bắt của thầy thuốc lấy “khúc đuôi” là người cuối cùng trong đoàn “rồng rắn”. Sau khi bắt được tất cả đoàn người, thầy ra điều kiện phạt, nào là nhảy chân sáo, đứng cò đu một chân hay cồng kiêng nhau đi khắp sân…
Tuổi thơ của chúng tôi cứ thế nhem nhuốc lớn lên cùng những khúc đồng dao. Mà cũng lạ thật đấy, ngày đó, ai cũng yêu hát hay sao mà tôi thấy ông bà, bố mẹ, tất cả những người xung quanh và ngay cả tôi nữa lúc nào cũng ngân nga. Chỉ cần nhìn thấy một việc gì đó thôi là có ngay những câu đồng dao quen thuộc.
(Ảnh minh họa) |
“Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ Lấy rơm đun bếp”, bài đồng dao này tôi nghe mẹ hát trong một chiều nắng cháy khi ra thăm đồng. Trời nắng như đổ lửa, chân ruộng khô nứt nẻ, cứ khan nước mãi như thế này thì biết làm sao! Suốt buổi, mẹ cứ lẩm nhẩm bài đồng dao, thi thoảng lại hướng về phía xa như trông ngóng điều gì. Bé lắm nên tôi đâu hiểu hết những điều mẹ nghĩ. Giờ thì tôi biết những lời hát ấy là cả một trời mong ước. Lúa đã kết bông, nhưng để đủ chất kéo căng hạt sữa thì còn cần thêm những hạt mưa.
Có đêm ngồi hóng gió ngoài sân, mẹ ngước lên bầu trời đầy trăng: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời/ Cha còn cắt cỏ trên trời/ Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên/ Ông thì cầm bút, cầm nghiên/ Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa…”. Bài ca như một câu chuyện kể về chú Cuội mải chơi, không trông trâu nên trâu ăn lúa. Ba anh em chúng tôi thi nhau kể tiếp câu chuyện xem chú Cuội sẽ bị bố mẹ phạt như thế nào, rằng sẽ bị đánh mông, úp mặt vào tường, không cho ăn quà… Ai cũng cho rằng cái “kết” của mình là hợp lý nhất nên thỏa sức tranh giành.
Lâu rồi, tôi không nghe thấy ai hát đồng dao, ngay cả những đứa trẻ ở miền quê xa thẳm cũng không còn ngân nga những câu hát ấy. Không hiểu chúng không biết những bài đồng dao hay đồng dao không còn được yêu thích nữa? Giờ chúng lớn lên quen dần với công nghệ số, những trò chơi trực tuyến trên các thiết bị di động, những bộ phim kinh điển rồi cả những trò chơi thông minh tại các khu vui chơi, giải trí… Có lẽ những nhộn nhịp sắc màu của các trò chơi hiện đại khiến chúng quên dần hoặc không còn biết đến khúc đồng dao!
Tôi sợ con mình cũng không biết đồng dao, nên trong những lời ru tôi vẫn thường đưa vào trong đó khi là cái kiến, con tôm, khi là cây đa, ngọn lúa; nên trong những lúc rảnh rang tôi lại cùng con “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/Con ngựa chết trương/Ba vương ngũ đế/ Dắt dế đi tìm/ Ù à ù ập/ Đóng sập cửa vào…”. Được chơi cùng mẹ, cún bé vui lắm cứ cười như nắc nẻ.
Hôm qua, đi làm về, tôi để gọn xe vào sân rồi phóng thật nhanh vào nhà để tránh cái nắng “đổ lửa”. Qua khe cửa, cô bé con đang rôm rả cùng bạn “Tập tầm vông tay nào không, tay nào có? Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không…”. Trong tôi là khoảng sân rộng mát cả tâm hồn!