Như luật sư Phan Anh từng tâm sự: “Năm 1947, theo Bác Hồ, tôi cùng gia đình rời Hà Nội lên chiến khu. Hai chữ chiến khu đối với người trí thức lúc đó chứa biết bao bí ẩn, lo âu. Việc lên chiến khu là cả một sự thử thách lớn, không kém gì cuộc trường chinh”. Nhưng trong hoàn cảnh biết bao gian khổ, khó khăn, thiếu thốn nhiều bề, ông và gia đình được sống trong tình yêu thương của Bác, của đồng chí, đồng bào. Vợ chồng ông, hai nhà trí thức đã đem hết tâm sức và trí tuệ cống hiến cho cách mạng.
Những ngày ở chiến khu, luật sư Phan Anh là người được Bác Hồ đưa đọc đầu tiên những bài thơ cảm tác về Việt Bắc, về quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Đọc thơ Bác gửi, ông đã có những bài thơ họa lại và dịch một số bài thơ chữ Hán của Bác ra tiếng Việt. Ông và gia đình cũng được Bác tặng thơ - món quà mà gia đình ông trân trọng gìn giữ như bảo vật quý giá.
Thời gian ở chiến khu, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác về thi đua tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp, mỗi gia đình cán bộ đều cố gắng trồng trọt và chăn nuôi để cải thiện một phần cuộc sống. Nhân ngày sinh nhật Bác 19 tháng 5, bà Hồng Chinh, phu nhân của luật sư Phan Anh gửi lên Bác một số sản vật do tự tay mình lao động làm ra để báo cáo về việc chấp hành lời kêu gọi của Bác và khả năng thực hiện tự túc của gia đình. Bác rất cảm động và viết mấy vần thơ cảm ơn: Cảm ơn thím biếu mấy vòng tơ/ Mong chú làm thêm mấy vần thơ/ Canh mướp ngon lành nhờ các cháu/ Có sao viết vậy, chớ cười nơ.
Tháng 12-1949, bà Phan Anh sinh thêm một con trai. Vui mừng trước tình hình đất nước đang có nhiều tiến triển, ông bà đặt tên con là Phan Tân Hội. Được tin, Bác gửi thơ chúc mừng: Chú thím thêm một con/ Các cháu thêm một em/ Bác Hồ thêm một cháu/ Nước nhà thêm một công dân/ Tương lai thêm một chiến sĩ. Sau này, Phan Tân Hội đã tự nguyện xung phong vào quân đội, đúng như lời thơ Bác mừng năm xưa.
Năm 1950, bà Phan Anh ốm nặng được ra nước ngoài điều trị. Biết bà bị bệnh hiểm nghèo, muốn chuẩn bị tư tưởng cho ông nếu tình hình xấu xảy ra, Bác đã gửi mấy vần thơ phỏng theo mấy câu trong Chinh phụ ngâm: Điện thường tới, người chưa thấy tới/ Bức rèm thưa từng dõi bóng dương/ Bóng dương mấy lúc xuyên ngang/ Lời nào mười hẹn chín thường đơn sai.
Đọc thơ Bác, luật sư Phan Anh cảm động về tấm lòng, sự quan tâm của Bác về bệnh tình đáng ngại của bà, cũng đồng thời là những lời động viên ông. Nhưng thật may mắn, sau một thời gian điều trị, bà Phan Anh đã trở về. Biết tin, Bác đã viết thư cho ông, sửa lại câu thơ cuối cho thích hợp với hoàn cảnh mới: Tình càng ấm áp, nghĩa càng sâu xa.
Nhận được thơ Bác, ông Phan Anh đã gửi thư cảm tạ, bức thư đề ngày 4-6-1950: Một bức thư trao một tấm lòng/ Tấm lòng ưu ái thấm non sông/ Tin nhà giảm bệnh mừng khôn xiết/ Nợ nước ơn sâu biết mấy trùng/ Gánh nặng đường xa thêm mạnh sức/ Gan bền, chí vững quyết ra công/ Bên tình, bên nghĩa đôi đường vẹn/ Ghi tạc muôn năm một chữ đồng.
Ông bà Phan Anh đã trân trọng gìn giữ các bài thơ thể hiện tấm lòng thương yêu cán bộ, yêu thương con người, yêu thương gia đình ông của Bác. Luật sư Phan Anh đã đột ngột qua đời ngày 28-6-1990, dù chiều 27-6-1990, ông còn đăng đàn phát biểu và lẩy Kiều tại kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa VIII) khiến cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt.
Được biết, bà Hồng Chinh đang gấp rút hoàn thành bộ hồi ký nhiều tập, viết về luật sư Phan Anh và những sự kiện lịch sử mà ông đã kể cho bà nghe, cũng như những sự kiện bà biết, trong đó có nhiều câu chuyện về Bác Hồ kính yêu.