Mối đe dọa của biến thể Delta đang đòi hỏi thế giới phối hợp để huy động sức mạnh tập thể, trong đó việc chia sẻ công bằng và giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng Covid-19 là vô cùng cần thiết.
“Thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm của đại dịch”, đây là khẳng định của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong tuần qua, trong bối cảnh biến thể Delta hiện đã lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và đang "thống trị" ở nhiều khu vực. Giữa những con số đen tối của dịch bệnh, tinh thần sẻ chia vẫn đang được thắp sáng với hi vọng sẽ giúp các quốc gia cùng về đích trong cuộc chiến đối phó với đại dịch.
Ảnh minh họa: Reuters
Số ca mắc mới và tử vong do Covid-19, đặc biệt ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong tuần qua vẫn đều đặn tăng mỗi ngày. Thế giới đã vượt qua mốc “bi thảm” - 4 triệu ca tử vong do Covid-19. Đáng lưu ý, khoảng thời gian để số ca tử vong tăng thêm 1 triệu đang ngắn dần. Cụm từ giai đoạn nguy hiểm của đại dịch được giới chức y tế liên tục cảnh báo trong tuần qua.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta lại chứng kiến sự quá tải của các bệnh viện tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Biến thể Delta rất nguy hiểm và đang tiếp tục phát triển và đột biến, đòi hỏi phải được đánh giá liên tục và điều chỉnh trong kế hoạch phản ứng sức khỏe cộng đồng”.
Sự xuất hiện của biến thể cũng kéo theo hàng loạt sự thay đổi chiến lược của các quốc gia từ kinh tế đến kế hoạch tiêm vaccine. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán biến thể mới có thể làm chệch hướng phục hồi của các nền kinh tế châu Á, với nhiều quốc gia buộc phải điều chỉnh tăng trưởng kinh tế. Chiến lược tiêm vaccine cũng được thay đổi với việc tiêm kết hợp chéo các liều vaccine hay khuyến cáo những người có hệ miễn dịch yếu nên tiêm liều 3 để đối phó hiệu quả với biến thể mới.
Tuy nhiên cuộc chiến chống Covid-19 cũng không hoàn toàn u ám khi tinh thần đoàn kết, sẻ chia vaccine được thắp lên, mang lại những gam màu tươi sáng. Tính đến ngày 10/07, ít nhất 213 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiêm hơn 3,36 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19. Trong đó có 926 triệu người đã tiêm đủ liều, chiếm 11,9% dân số thế giới.
Các chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc nhờ một phần sẻ chia vaccine giữa các quốc gia. Những lô vaccine viện trợ từ chương trình COVAX hay từ các quốc gia phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu đang được chuyển nhanh đến các nước có thu nhập thấp. Trong khi đó, các nước đang phát triển, dù còn nhiều khó khăn, cũng đang nỗ lực hết khả năng, bằng nhiều cách để huy động nguồn vaccine, bảo đảm tiêm chủng cho người dân. Nhiều quốc gia đang phát triển như Malaysia đã hoàn thành mục tiêu ban đầu tiêm chủng cho 10% dân số.
Ngoài ra, cuộc đua tìm kiếm các loại thuốc mới điều trị Covid-19 cũng đạt được những kết quả mới. Mới nhất là loại thuốc điều trị viêm khớp có các hoạt chất tocilizumab và sarilumab được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị, có thể giúp giảm nguy cơ tử vong và nhu cầu sử dụng máy thở ở các bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện. Hàng trăm cuộc thử nghiệm thuốc chữa Covid-19 đang được tiến hành với hi vọng thế giới sẽ không chỉ có một công cụ là vaccine để đối phó với dịch bệnh.
Tiến sĩ Philippe Duneton, Giám đốc Điều hành Tổ chức Sức khỏe toàn cầu UNITAID khẳng định: “Để chống lại Covid-19, chúng ta cần tất cả các công cụ sẵn có. Tất nhiên vaccine cũng là một công cụ nhưng cũng có thể là các phương pháp điều trị. Chúng ta cần có phương pháp điều trị hiệu quả đối với các bệnh nhân nặng để ngăn ngừa khả năng tử vong, hay các loại thuốc kháng virus ngay từ khi bệnh nhân bắt đầu nhiễm bệnh. Đây là những loại thuốc được mong đợi vào cuối năm, nhưng chúng tôi cũng cần các nghiên cứu lâm sàng”.
Rõ ràng mối đe dọa của biến thể Delta đang đòi hỏi thế giới phối hợp để huy động sức mạnh tập thể. Trong đó việc chia sẻ công bằng và giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng Covid-19 và đối phó với dịch bệnh là vô cùng cần thiết. Theo như Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, đó là cách tốt nhất để vượt qua thời điểm nguy hiểm của đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu.