LCĐT - Trong những năm qua, Lào Cai rất chú trọng phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phục vụ tưới cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đến giữa năm 2021, hệ thống thủy lợi nhỏ đã tưới cho 93,81% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Công trình thủy lợi hoạt động hiệu quả tại thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng |
Nhờ đảm bảo nguồn nước tưới, vụ lúa xuân năm 2021, thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) được mùa với năng suất dự kiến hơn 61 tạ/ha. Trong những năm qua, thị trấn Phố Lu đã được đầu tư kiên cố hóa 47,8 km mương nội đồng, đảm bảo tưới cho 386,81 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Chắc, Chủ tịch UBND thị trấn Phố Lu cho biết: Thị trấn đã khai thác hiệu quả hệ thống mương phục vụ sản xuất bởi có tổ thủy nông hoạt động thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, vấn đề mà xã đang gặp phải là có những đoạn mương bị hỏng do thiên tai chưa thể sửa chữa vì kinh phí lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân. Để đảm bảo nước tưới lâu dài cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, thị trấn Phố Lu cần được nâng cấp 3 đập đầu mối và 15 km mương nội đồng.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Bảo Thắng, các xã, thị trấn của huyện đã đạt tiêu chí thủy lợi, bình quân hơn 70% mương thủy lợi đã được cứng hóa, đảm bảo tưới tiêu. Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho rằng, hệ thống mương nội đồng của huyện đang được khai thác rất tốt, tuy nhiên huyện mong tỉnh tiếp tục đầu tư sửa chữa và xây mới 75 công trình thủy lợi, nâng cấp hệ thống mương đạt 90% cứng hóa, đảm bảo tưới tiêu bền vững và đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao về thủy lợi.
Nâng cấp hệ thống mương thủy lợi xã Tân An, huyện Văn Bàn |
Bát Xát cũng là địa phương được đầu tư đồng bộ và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi. Trên địa bàn huyện hiện có 438 công trình thủy lợi với 438 đập đầu mối; gần 682 km mương (mương tưới 2 vụ lúa có tổng chiều dài gần 274 km; mương tưới 1 vụ lúa có tổng chiều dài hơn 400 km).
Theo ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, UBND các xã, thị trấn đã thành lập 151 tổ với 433 thành viên tham gia quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, thường xuyên bị tác động bởi thiên tai nên các công trình nhanh bị xuống cấp, hư hỏng.
Toàn tỉnh hiện có 1.142 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, 19 công trình tưới tiêu kết hợp với tổng chiều dài 4.582 km, trong đó có 3.411 km đã được kiên cố hóa. Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phục vụ cung cấp nước tưới chủ động cho 41.434/44.168 ha đất canh tác sản xuất nông nghiệp cả năm, tương đương 93,81% tổng diện tích, tăng 8.879 ha so với năm 2010. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, nhờ các biện pháp thủy lợi và các biện pháp nông nghiệp khác, trong vòng 10 năm (2010 - 2020), sản lượng lương thực của tỉnh tăng bình quân 11.000 tấn/năm. Tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 341.790 tấn (tăng 1.790 tấn so với kế hoạch, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV 11.790 tấn), giúp Lào Cai đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân, đặc biệt là người dân vùng cao. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới về thủy lợi tăng từ 100 xã (năm 2010) lên 127 xã (năm 2020).
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù thủy lợi không được ưu tiên so với các công trình phát triển kinh tế - xã hội khác nhưng tỉnh vẫn dành nguồn lực đầu tư cho công trình cần thiết với quan điểm nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi đã có, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; người dân đóng vai trò chủ đạo trong phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thông qua các tổ chức thủy lợi cơ sở, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế; phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên cơ sở kết hợp đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi và tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ.
Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dành hơn 360 tỷ đồng cho phát triển thủy lợi, trong đó ngân sách cấp tỉnh quản lý hơn 230 tỷ đồng (chi đầu tư phát triển công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là hơn 226 tỷ đồng); cấp huyện, xã bố trí và huy động cộng đồng đóng góp 126,7 tỷ đồng. Sự quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi sẽ góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho người dân.