Về vị trí chiến lược, huyện Văn Bàn có hệ thống giao thông huyết mạch là Quốc lộ 279 và Tỉnh lộ 151 nối liền trung tâm huyện với trung tâm tỉnh và với các huyện bạn thuộc tỉnh Yên Bái, Lai Châu. Cùng với đó, huyện Văn Bàn có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội như nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, tài nguyên lâm nghiệp lớn, điều kiện tự nhiên để sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc rất thuận lợi.
Trong những năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thi đua đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra đã thực hiện đạt và vượt. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm tăng 7%, năm 2015 đạt 25,85 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất lương thực liên tục được mùa, tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2015 ước đạt 50.690 tấn, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội.
Lãnh đạo huyện Văn Bàn kiểm tra cánh đồng lúa cao sản tại xã Văn Sơn. |
Nổi bật là ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa, cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng chăn nuôi, thủy sản. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng, nhất là các mô hình sản xuất như cánh đồng một giống, áp dụng phương pháp cấy cải tiến. Trong 5 năm qua, sản lượng lương thực cây có hạt của huyện Văn Bàn đảm bảo mức tăng bình quân hằng năm là 4,3%, so với tính trên chỉ tiêu Đại hội thì sản lượng lương thực hiện nay đã vượt 5%. Giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất canh tác đạt 47,5 triệu đồng, tăng 15,5 triệu đồng/ha so với năm 2010. Ý thức bảo vệ và phát triển kinh tế lâm nghiệp của người dân được nâng lên, thay vì khai thác rừng tự nhiên thì người dân đã tập trung trồng rừng. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã trồng mới được hơn 4.000 ha rừng tập trung, tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 65% diện tích tự nhiên. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Văn Bàn xác định là chương trình khung cho tất cả các chương trình, dự án đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chương trình này, huyện Văn Bàn sớm hoàn thiện, kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành từ huyện đến cơ sở, thôn, bản và có sự phân công, phân nhiệm rất cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Sau 4 năm triển khai, số tiêu chí hoàn thành nâng từ 5,1 tiêu chí/xã lên 8,3 tiêu chí/xã năm 2015, trong đó xã Văn Sơn đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014.
Lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, trong 5 năm qua, huyện Văn Bàn dành sự tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn có gắn với hoàn thiện các quy hoạch xây dựng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục có bước phát triển mạnh, đáng kể là khu vực khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, điện thương phẩm, chế biến nông - lâm sản... Tuy nhiên, có nguồn tài nguyên, khoáng sản đa dạng, dồi dào, song đây cũng là thách thức trong công tác quản lý. Thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được huyện Văn Bàn tăng cường, nhất là việc đẩy đuổi các đối tượng, giải tỏa khu vực xảy ra khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Hoạt động thương mại và dịch vụ ổn định; công tác quản lý bình ổn giá; phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt mức tăng trưởng cao, đến năm 2015 đạt 70 tỷ đồng, tăng 180% so với năm 2010 và vượt 75% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Hoạt động tín dụng, ngân hàng cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn vay cho sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Lĩnh vực y tế, giáo dục có nhiều bước chuyển biến khi Văn Bàn trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về chất lượng giáo dục, quy mô trường, lớp học. Đến nay, toàn huyện có 54/92 trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng 28 trường so với năm 2010, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Công tác xã hội hóa giáo dục không ngừng được đẩy mạnh và một trong những điểm đáng chú ý là phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp. Cơ sở vật chất ngành y tế và đội ngũ cán bộ làm công tác này được tăng cường, đầu tư, chất lượng khám - chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân từng bước được nâng lên. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, thông tin, công tác xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội có chuyển biến rõ nét. Trong đó, công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, số hộ nghèo giảm bình quân 6,02%/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 17,2%.
Mặc dù kinh tế - xã hội có nhiều bước tiến, nhưng Văn Bàn vẫn là huyện nghèo, kết cấu hạ tầng còn yếu và thiếu; thế mạnh về các điều kiện tự nhiên chưa được khai thác tương xứng với yêu cầu. Chương trình trọng tâm về chuyển dịch và đẩy mạnh phát triển sản xuất chưa rõ nét và thiếu tập trung; vấn đề liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo; mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã còn những hạn chế nhất định…
Huyện Văn Bàn xác định trong những năm tới có sự ưu tiên đặc biệt phát huy các nguồn lực, khai thác tiềm năng với mục tiêu chung là đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành nông - lâm nghiệp, tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản, tăng cường quản lý tài nguyên, xây dựng chính sách ưu tiên trong thu hút đầu tư. Khai thác lợi thế để phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, có chiến lược tuyên truyền, thu hút du khách đến với các điểm du lịch tâm linh như Đền Tân An, Đền Chiềng Ken và các điểm du lịch sinh thái, bản làng. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, Văn Bàn tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục, tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Nâng cao chất lượng y tế và giải quyết tốt các vấn đề về an sinh xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giữ gìn môi trường an ninh, an toàn xã hội…
ÐỖ VĂN DUY
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn