Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty điện lực, các khách hàng sử dụng điện lớn.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có lãnh đạo Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và đại diện các khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh: Bên cạnh việc quyết liệt thực thi những giải pháp để tăng cường khả năng sản xuất, cung ứng điện thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội thời gian tới.
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và tin cậy trong mùa khô và cả năm 2023, Bộ Công Thương kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm giải pháp.
Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.
Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc biểu đồ sử dụng điện của từng ngành, lĩnh vực, nhất là các hộ sử dụng điện lớn. Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 185 ngày 19/5/2023 về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 20 ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn đến năm 2030, trong đó đặc biệt chú trọng tới hoạt động điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tiết kiệm điện đã đề ra.
Chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng cho đơn vị sản phẩm của ngành/tiểu ngành và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế, chính sách có liên quan, bảo đảm đồng bộ, đủ mạnh và khả thi để thúc đẩy, khuyến khích sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ gia đình áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, chuyển đổi, thay thế các công nghệ sản xuất và các thiết bị điện, điện tử lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng sang các công nghệ, thiết bị mới, sử dụng ít điện, năng lượng.
Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố, khu dân cư để hướng dẫn trực tiếp cho người dân về các giải pháp, cách thức tiết kiệm điện. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm điện.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam kêu gọi tất cả các khách hàng dùng điện hưởng ứng ý nghĩa của phong trào tiết kiệm điện, cùng nhau lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện, thành thói quen” đóng góp vào sự ổn định và bền vững của hệ thống điện quốc gia.
Tại hội nghị, Bộ Công Thương đã tổ chức nghi thức phát động phong trào tiết kiệm điện năm 2023, thể hiện sự chung tay của bộ, ngành, người dân, cộng đồng và doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, hướng tới một tương lai xanh và phát triển bền vững.
Thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2023 và Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Bộ Công Thương đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu hằng năm toàn quốc tiết kiệm tối thiểu từ 2% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.