Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Bài 4: Đánh thức tiềm năng từ đất bãi ven sông

HIỆN THỰC HÓA GIẤC MƠ ĐÔ THỊ DỌC SÔNG HỒNG:

Bài 4: Đánh thức tiềm năng từ đất bãi ven sông

Sông Hồng - dải lụa mềm mại vắt qua Thủ đô Hà Nội, mang theo bao lớp trầm tích phù sa, hun đúc nên những bãi bồi trù phú, những doi đất giàu tiềm năng. Dòng chảy ấy không chỉ là nhân chứng lịch sử của bao thăng trầm, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những dự án quy hoạch đô thị, vẽ nên giấc mơ về một thành phố hai bên bờ sông, nơi cuộc sống hòa quyện giữa thiên nhiên và hiện đại.

Giấc mơ quy hoạch ven sông qua nhiều thế hệ

Từ thuở Kinh thành Thăng Long dựng nghiệp, sông Hồng đã giữ vai trò huyết mạch, nuôi sống bao thế hệ con người, là chốn giao thương sầm uất, cũng là nơi chứng kiến những biến thiên của đất trời. Hà Nội ngày nay, với hơn 160 km sông Hồng uốn lượn, trong đó 40 km chảy trọn vẹn trong lòng thành phố, đã hình thành những bãi đất rộng lớn, tạo nên quỹ đất hiếm có giữa lòng đô thị đang phát triển mạnh mẽ.

cp.png
Sông Hồng là một trong những huyết mạch giao thông quan trọng của khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Câu chuyện về quy hoạch hai bên bờ sông không phải đến thế kỷ XXI mới được khơi gợi. Từ năm 1954, những bản đồ án đầu tiên đã đặt nền móng cho tầm nhìn lâu dài. Trải qua 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, mỗi lần đều nhắc đến sông Hồng như một trục cảnh quan chủ đạo, một không gian chiến lược cho tương lai. Đặc biệt, năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, giấc mơ về một đô thị ven sông càng trở nên rõ nét hơn trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

nhipsonghanoihanoimoicomvn-uploads-images-phananh-2022-03-30-songhong1.jpg
Thành phố Hà Nội từng quan tâm đến quy hoạch đô thị ven sông Hồng từ rất sớm.

Không chỉ trong nước, sông Hồng còn thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế. Những đề án mang tầm vóc lớn đã lần lượt xuất hiện: Từ dự án “Trấn sông Hồng” do nhà đầu tư Singapore đề xuất vào năm 1996, đến “Khu đô thị khoa học” mà Công ty Indochina Land (Hoa Kỳ) lên ý tưởng năm 2005. Đặc biệt, giai đoạn 2004 - 2006, hai dự án HAIDEP (Việt Nam - Nhật Bản) và hợp tác quy hoạch giữa Hà Nội và Seoul (Hàn Quốc) đã khiến dư luận quan tâm trong suốt một thời gian dài.

Đây đều là các đề án, dự án rất đáng ghi nhận.

- Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - người có nhiều năm gắn bó với quy hoạch sông Hồng -

Tiềm năng rộng mở từ những bãi bồi trù phú

Nhìn từ trên cao, vùng đất ven sông Hồng như dải lụa uốn quanh thành phố, mang theo khoảng 5.800 ha đất bãi, gấp mười lần diện tích quận Hoàn Kiếm. Nếu được khai thác hợp lý, khu vực này có thể mở ra một không gian đô thị mới, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm cũ.

hn2.jpg
song-hong.jpg
Tiềm năng đất bãi ven sông Hồng thuộc địa phận thành phố Hà Nội rất lớn.

Không chỉ là những bãi đất hoang sơ, nơi đây còn là chốn an cư của hơn 21 vạn dân, nơi lưu giữ 105 di tích làng nghề truyền thống. Một kho tàng văn hóa - lịch sử dày dặn, kết hợp với lợi thế tự nhiên, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển đô thị bền vững.

1017.jpg
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (phải ảnh) chia sẻ với phóng viên Báo Lào Cai về câu chuyện quy hoạch đô thị ven sông Hồng tại Hà Nội.

Từ những tư liệu cá nhân, đó đều là những con số do Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cung cấp khi trò chuyện với chúng tôi. Ông khẳng định, những con số trên nói lên tiềm năng rất lớn, rất quý của những bãi đất ven sông Hồng. Do đó, cần một chiến lược bài bản, giải pháp tổng thể, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, giữa đô thị hóa và an toàn phòng chống thiên tai.

page-2-img-2.jpg
Đất bãi ven sông Hồng - đoạn chảy qua thành phố Hà Nội còn là nguồn sống của hàng chục ngàn người (Ảnh: Báo HàNộimới).

Sông Hồng - dòng sông mẹ vĩ đại, nhưng cũng chứa đựng những biến động khó lường. Mực nước thay đổi thất thường, lúc cao nhất đạt hơn 13 m, khi thấp nhất chỉ còn khoảng 2 m. Đặc biệt, theo chu kỳ khoảng 100 năm, dòng chảy lại biến đổi, tạo ra những thay đổi lớn về thế sông.

Chính những yếu tố này đã khiến các dự án quy hoạch trước đây gặp nhiều trở ngại. Chưa có một phương án trị thủy hoàn chỉnh, việc khai thác quỹ đất ven sông vẫn còn là bài toán nan giải. Bên cạnh đó, vấn đề xác lập mối quan hệ vùng giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo sự phát triển hài hòa, tránh những tác động tiêu cực đến hệ thống thủy lợi chung.

Thành phố hai bên bờ sông - quyết tâm khai thác tiềm năng

Sau nhiều năm chờ đợi, ngày 31/3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Đây không chỉ là một quyết định mang tính pháp lý, mà còn là dấu mốc thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc đánh thức tiềm năng của dòng sông lịch sử.

0cxzl6w.jpg
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).

Quy hoạch này chiếm khoảng 30% chiều dài sông Hồng qua Hà Nội, tương đương 8% chiều dài sông qua vùng đồng bằng sông Hồng. Một dự án có quy mô lớn, nhiều yếu tố phức tạp, nhưng nếu thực hiện thành công, sẽ trở thành đột phá trong công tác quy hoạch đô thị, tạo tiền đề cho những dự án ven sông khác trên toàn quốc.

Không chỉ là những bản vẽ trên giấy, lần này, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các nghiên cứu về thoát lũ, chỉnh trị dòng chảy, học hỏi kinh nghiệm từ những thành phố lớn trên thế giới như Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp), Hàng Châu (Trung Quốc). Những bài học thực tiễn từ sông Hàn, sông Seine, sông Tiền Đường sẽ góp thêm những gợi mở quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa giấc mơ đô thị ven sông.

Trong bối cảnh các quy hoạch đã đi vào giai đoạn cụ thể, Hà Nội đang từng bước triển khai những giải pháp mang tính chiến lược. Đường ven sông sẽ được quy hoạch theo hướng nâng cấp đê hiện có thành tuyến giao thông chính, vừa đảm bảo thoát lũ, vừa đáp ứng nhu cầu đô thị hóa. Những khu dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao sẽ được di dời theo lộ trình, người dân tái định cư tại các khu vực cận kề, đảm bảo cuộc sống ổn định.

sh.jpg
Tập trung các giải pháp thoát lũ là điều kiện tiên quyết giúp hiện thực hóa quy hoạch hai bên bờ sông Hồng của thành phố Hà Nội (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô).

Với sự đồng thuận từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), phương án xây dựng hai tuyến đường ven sông đang được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, không nâng cao đê hiện có, không xây dựng đê bối mới đã được xác lập, tạo nên cơ sở vững chắc cho quá trình triển khai. Những yêu cầu về an toàn phòng chống thiên tai, quy hoạch đê điều, giao thông đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Việc phát triển đô thị ven sông không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là trách nhiệm với lịch sử, văn hóa, môi trường.

Trải qua bao năm thăng trầm, sông Hồng vẫn lặng lẽ chảy, vẫn ôm trọn trong mình những bãi bồi phì nhiêu, những vùng đất giàu tiềm năng. Hôm nay, Hà Nội đã đặt những viên gạch đầu tiên để hiện thực hóa giấc mơ nghìn năm - một đô thị ven sông hiện đại, văn minh, giàu bản sắc.

Sông Hồng không đơn thuần một dòng nước chảy qua thành phố, mà còn là mạch nguồn sinh khí, biểu tượng của sự phát triển bền vững. Khi bài toán quy hoạch được giải quyết, khi những giải pháp trị thủy hoàn chỉnh, một thành phố hai bên bờ sông sẽ không còn là giấc mơ xa vời, mà sẽ trở thành hiện thực, tạo nên dấu ấn rực rỡ cho Thủ đô Hà Nội trong thế kỷ XXI.

Bài 5: Không gian sông Hồng - biểu tượng mới của Thủ đô

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bài cuối: Kiến tạo không gian phát triển mới

HIỆN THỰC HÓA GIẤC MƠ ĐÔ THỊ DỌC SÔNG HỒNG: Bài cuối: Kiến tạo không gian phát triển mới

Sông Hồng - dòng chảy đỏ nặng phù sa, nơi hun đúc nền văn minh rực rỡ, nơi in dấu những bước chân đầu tiên của người Việt trên hành trình dựng nước và giữ nước. Hàng nghìn năm qua, con sông ấy không chỉ mang lại nguồn sống cho bao thế hệ mà còn kết nối những vùng đất, những nền văn hóa, tạo nên một vùng Bắc Bộ trù phú và giàu bản sắc.

Bài 6: Hành trình kiến tạo những đô thị ven sông

HIỆN THỰC HÓA GIẤC MƠ ĐÔ THỊ DỌC SÔNG HỒNG: Bài 6: Hành trình kiến tạo những đô thị ven sông

Dọc theo đôi bờ sông Hồng trên hành trình chảy qua 9 tỉnh của Việt Nam, những đô thị mới dần hình thành, mang theo những khát vọng phát triển, hòa quyện giữa sự hoang sơ và hơi thở hiện đại. Từ miền thượng nguồn nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt tại tỉnh Lào Cai, chúng tôi đã rong ruổi theo dòng sông qua các tỉnh để về Thái Bình. 

Từ con đường tơ lụa trên sông Hồng đến trục kinh tế động lực “chung dòng sông cùng ý tưởng”: Bài 2: Những thương cảng trên sông Hồng

Từ con đường tơ lụa trên sông Hồng đến trục kinh tế động lực “chung dòng sông cùng ý tưởng”: Bài 2: Những thương cảng trên sông Hồng

Sông Hồng - con sông gắn liền với sự hình thành và phát triển của nền văn minh người Việt, không chỉ là huyết mạch giao thông quan trọng mà còn từng chứng kiến sự hưng thịnh của nhiều thương cảng sầm uất. Những bến cảng trên sông Hồng đã góp phần thúc đẩy giao thương, kết nối kinh tế và làm nên diện mạo của các đô thị ven sông từ hàng trăm năm trước.

[Ảnh] Thắp đèn tăng ca xây nhà buổi tối

[Ảnh] Thắp đèn tăng ca xây nhà buổi tối

Huyện Mường Khương đăng ký thời điểm từ tháng 7/2024 đến hết tháng 6/2025 sẽ hỗ trợ Nhân dân xóa 4.244 nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến thời điểm này huyện Mường Khương đã hỗ trợ các hộ xây dựng mới và sửa chữa 2.604 ngôi nhà, đa số đã hoàn thành, hiện còn 1.604 nhà chưa khởi công.

Bài 5: Không gian sông Hồng - biểu tượng mới của Thủ đô

HIỆN THỰC HÓA GIẤC MƠ ĐÔ THỊ DỌC SÔNG HỒNG: Bài 5: Không gian sông Hồng - biểu tượng mới của Thủ đô

Sông Hồng - dòng chảy mang trong mình bao lớp trầm tích lịch sử, văn hóa và những câu chuyện huyền thoại, từ lâu trở thành biểu tượng gắn bó mật thiết với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Không chỉ nâng niu, nuôi dưỡng sự phồn thịnh cho kinh kỳ ngàn năm, sông Mẹ còn chuyên chở những giá trị tinh thần, hun đúc bản sắc và khát vọng của bao thế hệ.

Từ con đường tơ lụa trên sông Hồng đến trục động lực kinh tế “chung dòng sông cùng ý tưởng”: Bài 1: “Con đường tơ lụa” trên sông Hồng

Từ con đường tơ lụa trên sông Hồng đến trục động lực kinh tế “chung dòng sông cùng ý tưởng”: Bài 1: “Con đường tơ lụa” trên sông Hồng

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, có nhiều “con đường tơ lụa” được nhắc đến hiện nay, như tuyến đường thương mại Đông - Tây giữa Hy Lạp và Trung Quốc bắt đầu mở trong thế kỷ I và II TCN; hay “con đường tơ lụa” chính đi từ thủ đô của Trung Quốc qua Trung Á đến châu Âu... Và có một “con đường tơ lụa” nổi tiếng trên sông Hồng vẫn chảy suốt từ thời cổ đại đến hôm nay, đang trở thành “con đường tơ lụa” trong thời đại mới.

fb yt zl tw