Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Bài 1: Hình thành không gian trục động lực dọc sông Hồng

HIỆN THỰC HÓA GIẤC MƠ ĐÔ THỊ DỌC SÔNG HỒNG:

Bài 1: Hình thành không gian trục động lực dọc sông Hồng

Theo Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung phát triển trục kinh tế động lực dọc sông Hồng. Đây là trục kinh tế đóng vai trò “hạt nhân” đối với liên kết không gian phát triển kinh tế của tỉnh; kết nối vùng, liên vùng và cả nước với khu vực Tây Nam Trung Quốc.

Phương án quy hoạch chung dọc sông Hồng của tỉnh không chỉ lĩnh hội thành tựu của các nước phát triển mà còn đảm bảo phù hợp với hiện trạng của sông Hồng, có khả năng mở rộng, kết nối liên vùng trong giai đoạn tới.

Từ ý tưởng đến hiện thực

baolaocai-br_z6250023737430-ffbc494f4be8e5c0355dc0b6f1354f1c.jpg
Cầu Phú Thịnh trở thành điểm nhấn kiến trúc nối đôi bờ sông Hồng.

Dự án xây dựng cầu Phú Thịnh, cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh vừa chính thức được đưa vào vận hành. Không chỉ là một dự án giao thông, cây cầu hiện đại với tổng mức đầu tư hơn 450 tỷ đồng, được thiết kế mang những dấu ấn của hình sông, thế núi Lào Cai trở thành điểm nhấn kiến trúc của thành phố tỉnh lỵ Lào Cai, là điểm kết nối, mở ra không gian phát triển bên bờ tả ngạn sông Hồng. Đây là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm nhằm hiện thực hóa ý tưởng quy hoạch đô thị dọc sông Hồng của lãnh đạo tỉnh Lào Cai qua nhiều thời kỳ.

Trước năm 2000, dọc sông Hồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai chủ yếu là các vùng nông thôn hoặc thị trấn nhỏ với quy mô dân cư thấp; giao thông và cơ sở hạ tầng khu vực ven sông còn rất hạn chế, chủ yếu là các tuyến đường nhỏ kết nối với trung tâm thành phố Lào Cai. Trong giai đoạn này, Lào Cai chưa có chiến lược quy hoạch rõ ràng cho các khu vực ven sông Hồng do nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và chưa được đầu tư mạnh mẽ vào phát triển đô thị.

baolaocai-br_dji-0558.jpg
Quy hoạch dọc sông Hồng được kế thừa và định hình qua nhiều giai đoạn.

Giai đoạn 2000 - 2010, với sự phát triển kinh tế và chính sách hội nhập của Việt Nam, Lào Cai bắt đầu chuyển mình từ một tỉnh miền núi khó khăn sang vai trò là trung tâm kinh tế cửa khẩu quan trọng. Trong giai đoạn này, quy hoạch ven sông Hồng được định hình. Thành phố Lào Cai được quy hoạch mở rộng về phía bờ sông Hồng, các dự án chỉnh trị dòng sông, kè hai bên bờ với các khu dân cư mới, công trình công cộng và cơ sở hạ tầng thương mại được triển khai. Các cây cầu lớn như cầu Cốc Lếu và cầu Phố Mới được xây dựng kết nối hai bờ sông Hồng và thúc đẩy giao thương giữa các khu vực trong tỉnh.

Khu vực ven sông, đặc biệt là gần Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai được quy hoạch thành các khu thương mại và dịch vụ biên giới. Lào Cai bắt đầu đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ dòng chảy của sông Hồng, phòng chống xói mòn và lũ lụt. Các khu vực công viên, cây xanh ven sông được đưa vào quy hoạch để cải thiện cảnh quan và môi trường sống.

Giai đoạn 2011 - 2020 đánh dấu những bước tiến quan trọng trong quy hoạch đô thị dọc sông Hồng khi kinh tế - xã hội của Lào Cai đạt được những thành tựu đáng kể. Thành phố Lào Cai được công nhận là đô thị loại II vào năm 2014, tạo động lực mạnh mẽ cho việc mở rộng và phát triển không gian đô thị ven sông.

baolaocai-br_img-0953.jpg
Xây dựng hạ tầng kết nối dọc sông Hồng được lãnh đạo tỉnh coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên.

Các dự án trọng điểm ven sông Hồng được đẩy mạnh, trong đó phải kể đến khu thương mại Kim Thành được quy hoạch hiện đại, nằm gần Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và dọc theo sông Hồng, tập trung vào dịch vụ, thương mại và logistics. Hệ thống giao thông hiện đại ngoài các cây cầu hiện có, Lào Cai tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các cây cầu mới và mở rộng các tuyến đường ven sông, kết nối với các khu vực lân cận. Đường An Dương Vương - tuyến đường sầm uất bậc nhất thành phố Lào Cai hình thành trong giai đoạn này khi tỉnh bắt đầu thực hiện các quy hoạch sông Hồng từ cầu Cốc Lếu đến cầu Phố Mới nhằm tạo quỹ đất xây dựng công trình dịch vụ, công trình nhà ở để có nguồn thu cho ngân sách.

Giai đoạn 2021 đến nay, trong bối cảnh Lào Cai được định hướng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng Tây Bắc, quy hoạch đô thị dọc sông Hồng tiếp tục được đẩy mạnh với các mục tiêu cụ thể. Thành phố Lào Cai tiếp tục mở rộng về phía Nam và phía Đông dọc theo hai bờ sông Hồng. Các khu đô thị mới được quy hoạch hiện đại, thông minh và bền vững. Tỉnh tập trung xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ logistics và thương mại ven sông để tận dụng lợi thế giao thương biên giới.

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Nhìn ra thế giới, đến nay đã có nhiều đô thị thành công với quy hoạch hai bên sông, được phát triển như sông Tiền Đường (Hàng Châu - Trung Quốc), sông Hàn (Seoul - Hàn Quốc), sông Thames (London - Anh), sông Seine (Paris - Pháp)... Ngay tại các tỉnh, thành phố trong nước cũng có nhiều bài học đáng quý, điển hình là tại thành phố Đà Nẵng với quan điểm xác định sông Hàn là điểm nhấn quan trọng. Những bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước được đúc rút để Lào Cai hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng.

do-thi-pho-lu-ngay-cang-hien-dai.jpg
Đô thị Phố Lu (Bảo Thắng) vừa được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Theo Sở Xây dựng, đến nay, dọc sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai về cơ bản đã được phủ kín quy hoạch chung như: Quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai; Quy hoạch chung thành phố Lào Cai; Quy hoạch chung đô thị Phố Lu; Quy hoạch chung đô thị Bảo Hà - Tân An; Quy hoạch dọc sông Hồng kết nối đô thị thành phố Lào Cai với đô thị Phố Lu; Quy hoạch chung xây dựng dọc sông Hồng kết nối đô thị Phố Lu với đô thị Bảo Hà - Tân An.

Phương án quy hoạch chung xây dựng dọc sông Hồng đang được tỉnh nghiên cứu hoàn thiện với 5 phân vùng chức năng nhằm định hướng phát triển không gian dọc hai bên bờ sông Hồng. Tổ chức phát triển không gian đô thị, các điểm dân cư, các khu chức năng để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ và sản xuất nông, lâm nghiệp. Với tầm nhìn mới, quy hoạch phân khu đô thị sẽ hướng ra sông Hồng, ưu tiên vành đai xanh kết hợp với cảnh quan đô thị, tạo không gian hài hòa để phát triển hai bên dòng sông.

Song song với việc hoàn thiện phương án quy hoạch chung, qua từng giai đoạn, các dự án hạ tầng kết nối theo chiều dọc và kết nối ngang cũng đã được triển khai. Nếu như trước đây kết nối dọc sông Hồng chỉ có Quốc lộ 70, Quốc lộ 4E và đường sắt Hà Nội - Lào Cai thì nay có thêm cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Phố Mới - Bảo Hà, đường Kim Thành - Ngòi Phát... Các cầu bắc qua sông Hồng cũng được đầu tư xây dựng đảm bảo kết nối hai bên bờ sông, sau cầu Làng Giàng Giàng, các cây cầu thứ 9 và thứ 10 là cầu Phú Thịnh và cầu biên giới Bản Vược cũng đang được đầu tư xây dựng.

baolaocai-br_gt-2.jpg
Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai 4 làn xe chuẩn bị triển khai sẽ nâng cao năng lực lưu thông.

Trong năm nay, Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai 4 làn xe; Dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ được triển khai. Ngoài ra là các trục giao thông kết nối ngang như: Dự án giao thông kết nối cầu Làng Giàng - Quốc lộ 70; Dự án kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Lai Châu; kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi thị xã Sa Pa… Hạ tầng kết nối được đầu tư mạnh mẽ đã tạo ra nhiều dư địa phát triển, đảm bảo cân đối hài hòa giữa hai bờ sông và trải đều từ Bắc xuống Nam với các phân khu rõ nét. Từ đó khai thác hiệu quả quỹ đất để thu hút đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, khẳng định phương châm quy hoạch gắn với khai thác nguồn lực.

baolaocai-br_dji-0547.jpg
Đô thị thành phố Lào Cai ngày càng hiện đại, xứng tầm trung tâm kết nối giao thương của Việt Nam và ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Quy hoạch đô thị dọc sông Hồng tại Lào Cai không chỉ là chiến lược phát triển ngắn hạn mà còn mang tầm nhìn dài hạn, hướng đến việc biến Lào Cai thành một đô thị hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường. Trong tương lai, các khu đô thị ven sông sẽ trở thành những không gian sống lý tưởng, là điểm nhấn về văn hóa, kinh tế và du lịch của tỉnh, đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng của vùng Tây Bắc cũng như hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Bài 2: Xây dựng thành phố bên sông

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hộ, cá nhân kinh doanh cần chủ động thích ứng với quy định phải sử dụng hoá đơn điện tử

Hộ, cá nhân kinh doanh cần chủ động thích ứng với quy định phải sử dụng hoá đơn điện tử

Từ ngày 1/6/2025, theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, tất cả hộ và cá nhân kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử, trong đó nhóm có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên bắt buộc dùng máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Quy định mới đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý thuế, song cũng đặt ra không ít thách thức trong khâu triển khai, đặc biệt với các hộ kinh doanh nhỏ, ở vùng sâu vùng xa.

Các đại biểu dự hội nghị.

Tập huấn nâng cao năng lực đấu thầu, đấu thầu qua mạng

Sáng 24/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Tài chính) tổ chức hội nghị bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về đấu thầu, đấu thầu qua mạng; cập nhật Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, Luật số 57/2024/QH15 và các văn bản hướng dẫn hiện hành trong lĩnh vực đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.

Yêu cầu thực hiện đúng phương án vận chuyển quặng sắt để đảm bảo an toàn giao thông

Yêu cầu thực hiện đúng phương án vận chuyển quặng sắt để đảm bảo an toàn giao thông

Sau khi Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung lập phương án vận chuyển 194.678 tấn quặng Limonit từ mỏ sắt Quý Xa về Nhà máy Gang thép Lào Cai tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, Sở Xây dựng đã có ý kiến yêu cầu đơn vị này chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Doanh nghiệp Việt đang tái cơ cấu nhân sự

Doanh nghiệp Việt đang tái cơ cấu nhân sự

Đó là nhận định của đại diện Anphabe (đơn vị tư vấn giải pháp Thương hiệu nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc) khi nói về xu hướng nhân sự và thị trường lao động Việt Nam những tháng đầu năm 2025, chiều 22/4.

Nhộn nhịp thi công cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bản Vược, Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc)

Nhộn nhịp thi công cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bản Vược, Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc)

Mới khởi công nhưng những ngày qua trên công trường xây dựng Dự án cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bản Vược, Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc) khá nhộn nhịp bởi nhà thầu đẩy nhanh các hướng thi công để đảm bảo công trình hoàn thành vào tháng 9/2026, tức sau 18 tháng thi công.

fb yt zl tw